Điều trần tại Quốc Hội ngày 17/3, ông Jack Lew cho biết, Mỹ thừa nhận nhu cầu lớn của Châu Á về đầu tư hạ tầng và không phản đối việc thành lập AIIB. Tuy nhiên Mỹ lo ngại rằng ngân hàng mới này sẽ không đáp ứng những tiêu chuẩn cao của thế giới về quản trị và cho vay, đề nghị các nước cân nhắc kỹ vấn đề này trước khi gia nhập.

Các phát biểu trên của các quan chức Mỹ diễn ra trong bối cảnh Anh và tiếp sau đó là Đức, Pháp và Ý trong vài ngày qua liên tiếp thông báo gia nhập AIIB với tư cách Thành viên sáng lập trước thời hạn cuối cùng mà Trung Quốc đưa ra vào ngày 31/3. Có khả năng Australia và Hàn Quốc cũng sớm tuyên bố gia nhập. Theo Thời báo Tài chính ngày 13/3, một quan chức Mỹ (không nêu tên) đã chỉ trích Anh không tham khảo kỹ với Mỹ trước khi quyết định và việc này “nằm trong một chuỗi các nhượng bộ của Anh đối với Trung Quốc

Chiến lược của Chính quyền nhấn mạnh nghi vấn về tiêu chuẩn quản trị của AIIB đang chịu sự chỉ trích từ một số nhà quan sát, những người cho rằng Mỹ đáng lẽ phải có quan điểm tích cực hơn đối với ngân hàng mới này hoặc đưa ra những lựa chọn khác trong khuôn khổ các thể chế đang có.

Nguyên Thứ trưởng Tài chính Mỹ Fred Bergsten nay là thành viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng: “Nếu bạn cố chiến đấu với sự trỗi dậy hòa bình của một cường quốc đang nổi lên, bạn sẽ tạo mầm mống cho các vấn đề lớn trong tương lai”.

Scott Morris, nguyên quan chức Bộ Tài chính Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Obama cho rằng: “Mỹ đang trả giá vì đã trì hoãn đề nghị cải cách của IMF vào năm 2010. Rất nhiều nước muốn huy động vốn cho hạ tầng thông qua các ngân hàng phát triển đa phương. Mỹ đã ngăn chặn việc đó và do vậy đang ngày càng bị cô lập.”

Trong khi đó, học giả Daniel Blumenthal của American Enterprise Institute cho rằng Chính quyền nên chấm dứt việc dạy dỗ đồng minh và thay vào đó nên nhanh chóng hoàn tất TPP, thỏa thuận đem lại một tầm nhìn kinh tế thật sự cho Châu Á. Theo ông, AIIB chỉ là một cách thức trì trệ của Trung Quốc để quay vòng đồng đôla.

Cựu quan chức cáo cấp Nhà Trắng Mỹ, Matthew Goodman hiện nay là nhà nghiên cứu tại CSIS thể hiện thái độ lạc quan hơn, cho rằng Trung Quốc có thể giành được quyền phủ quyết tại AIIB do là cổ đông chính, nhưng các thành viên Châu Âu sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng về cơ chế mua sắm, tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Tất cả những điều đó sẽ làm cho Trung Quốc khó khăn hơn trong việc sử dụng AIIB như một công cụ ngoại giao kinh tế. Mỹ đã thua hiệp đầu trong cuộc đấu này, nhưng nghịch lý là sự tham gia của Châu Âu chắc chắn sẽ đẩy ngân hàng phát triển theo hướng phù hợp hơn với lợi ích của Mỹ.

Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Ted Truman, thì cho rằng Chính quyền Mỹ đã sai lầm về chiến thuật khi không tham gia AIIB. “Nếu bạn muốn ảnh hưởng đến tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng, bạn cần phải ở bên trong hơn là ở bên ngoài. Tuy nhiên, Quốc Hội Mỹ sẽ chặn bất cứ nỗ lực nào của Mỹ theo hướng này. “Ở mức độ nào đó có thể nói rằng nước Mỹ đang rút lui khỏi thế giới. Thực tế là vai trò của chúng ta trên thế giới đang tiếp tục suy giảm và đây là điều chúng ta khó mà chấp nhận được.”

Theo Financial Times

Thùy Anh (gt)