Điều đó cho thấy Mỹ thừa nhận khu vực này không những có các nền kinh tế và quân sự phát triển nhanh nhất thế giới mà còn chứa đựng những nguy cơ tiềm tàng. Sau khi chiến lược trên ra đời, Lầu Năm Góc bắt đầu triển khai kế hoạch tái cân bằng lực lượng ở Thái Bình Dương, trong đó xác định các nguồn và địa điểm của những cuộc xung đột tiềm tàng có khả năng liên quan đến Mỹ. Khi triển khai kế hoạch hoàn tất, quân đội Mỹ có thể phát triển lực lượng, tổ chức và đưa ra các chiến thuật cần thiết nhằm can dự thành công các cuộc xung đột. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận thấy chiến lược này tuy quan trọng, song tiến triển hạn chế và chủ yếu tập trung vào Trung Quốc. Có nhiều lý do hợp lý để giải thích vấn đề này. Hiện nay, Bắc Kinh tiếp tục sử dụng sức mạnh kinh tế để hiện đại hóa quân đội, chuyển lực lượng bộ binh vốn lạc hậu thành lực lượng có công nghệ hiện đại, phát triển sức mạnh của lực lượng hải quân và không ngừng nâng cao khả năng tác chiến của các quân binh chủng. Quan trọng hơn, chương trình hiện đại hóa quân đội toàn diện và lâu dài của Trung Quốc đang cải thiện khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự mạnh mẽ trong khu vực, kể cả khả năng chống tiếp cận và chống thâm nhập (A2AD). Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng các hệ thống có thể ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công của Mỹ. 

Trên cơ sở các khả năng quân sự, Bắc Kinh cũng có động cơ sử dụng sức mạnh để giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích dân tộc, nhất là các tranh chấp chủ quyền lãnh hải kéo dài với một số nước châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt Trung Quốc dường như quyết tâm thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Để thực hiện giấc mơ đó, Bắc Kinh phải đánh bại sức mạnh quân sự Mỹ.

Ngoài Trung Quốc, mối đe dọa khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thu hút sự chú ý rất lớn của Oasinhtơn là mối đe dọa xâm lược tiềm tàng của Bắc Triều Tiên. Không quốc gia nào đủ mạnh để bắt đầu một cuộc chiến tranh với Mỹ. Do đó, cộng đồng quốc phòng Mỹ chỉ dành ít thời gian cho những kịch bản khác, còn lại tập trung nỗ lực vào các kịch bản liên quan đến Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Trong thế kỷ qua, rất ít kẻ thù đã kết thúc chiến tranh với Mỹ lại có ý đồ phát động chiến tranh với Mỹ. Do đó, thay vì các nhà chiến lược Mỹ đặt câu hỏi: "Nước nào ở châu Á-Thái Bình Dương có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh với Mỹ ?”, họ nên hỏi: "Nước nào ở châu Á-Thái Bình Dương có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh với các nước khác để cuối cùng buộc Mỹ phải can thiệp?” Xem xét thực tế, rõ ràng không nước nào khác ngoài Trung Quốc và Bắc Triều Tiên - hai nước sớm muộn cũng rơi vào cuộc xung đột trong nước hoặc xâm lược bên ngoài.

Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách, các nhà chiến lược và các chuyên gia quốc phòng của Mỹ cũng nên xem xét tình huống bất ngờ - nơi xảy ra xung đột, nội chiến hoặc chiến tranh giữa các nước, có thể buộc Mỹ can dự hoặc lãnh đạo một chiến dịch ổn định sau xung đột hoặc gìn giữ hòa bình quy mô lớn. Nhiều đánh giá nhận định xung đột có khả năng xảy ra trong khu vực. Nhà chiến lược T.X. Hammes nhận định rằng không có chiến lược hợp lý cho một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Bất cứ cuộc xung đột nào cũng sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng cơ hội của một kiểu xung đột quy mô lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn ở mức cao. Khi xung đột xảy ra, Mỹ có thể quyết định đứng ngoài xung đột. Nhưng tầm quan trọng của khu vực có thể thúc giục Mỹ hành động. Đây sẽ là một tai họa nếu tổng thống tương lai của Mỹ xác định các lợi ích quốc gia sống còn đang bị đe dọa trong một cuộc xung đột khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng lại thiếu những lực lượng quân sự hiệu quả và cân bằng cần thiết để can thiệp hiệu quả, ông ta phải lựa chọn hoặc không bảo vệ các lợi ích của Mỹ hoặc ngày càng can dự bằng một quân đội không sẵn sàng. Điều này sẽ xảy ra nếu Mỹ tiếp tục cho rằng tất cả những gì họ phải chuẩn bị trong khu vực là một cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên. Suy nghĩ khác về một cuộc xung đột ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hôm nay sẽ giúp Mỹ tránh được kịch bản này trong tương lai.

Theo "Tạp chí Chính trị Thế giới" (ngày 12/12)

Mỹ Anh (gt)