Trong tranh chấp lãnh thổ với Philippines và Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai tàu bảo vệ bờ biển và các loại tàu phi quân sự làm phương tiện củng cố cho những yêu sách của mìn đối với các đảo, bãi đá, bãi ngầm, san hô và các vùng biển ở Biển Đông. Các loại tàu hải quân, máy bay chiến đấu và các phương tiện vũ khí khác đều được giữ ở khoảng cách xa hoặc ở ngoài tầm nhìn. Điều đó tạo ra sự đặc biệt cho hạm đội tàu phi vũ trang hoặc trang bị vũ khí hạng nhẹ chống lại các loại tàu từ quốc gia khác.

Các nhà lãnh đạo Mỹ cần phải hiểu rõ được sự lộn xộn và rắc rối ở Biển Đông, tự xem xét xem liệu các nhà lãnh đạo và xã hội Mỹ tập trung vào những mục tiêu đó nhiều như thế nào, phân bổ nguồn lực ra sao – nỗ lực ngoại giao, tàu và máy bay chiến đấu, nhân lực…để đem đến một kết quả có thể chấp nhân được. Suy nghĩ từ những điều đó, các quan chức có thể có cái nhìn sơ bộ về những kế sách, nhờ đó có thể kiểm soát được những sự kiện trong khu vực này.

BẢN CHẤT CUỘC CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC

Chúng ta sẽ phân loại cuộc cạnh tranh ở Biển Đông như thế nào? Tại đây, đang định hình một cuộc cạnh tranh chiến lược thời bình, và sẽ diễn ra lâu dài giữa Trung Quốc với các đối thủ cạnh tranh ở châu Á và với Mỹ nhằm quyết định xem liệu Trung Quốc có thể thay đổi được trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo hay không. Nếu thành công, Bắc Kinh sẽ tạo ra một tiền lệ trong việc chiếm các vùng biển theo luật biển thuộc về các quốc gia ven biển và hạn chế tự do đi lại trên biển nếu Trung Quốc xem đó là phù hợp. Trung Quốc sẽ biến các vùng biển ở chuỗi đảo thứ nhất thành vùng biển đóng nằm dưới sự kiểm soát nội luật của Trung Quốc. Và quá trình đó sẽ chia cắt các đồng minh của Mỹ.

Tại sao cuộc cạnh tranh diễn ra lâu dài?

Về mặt hình thức, Trung Quốc xác định rằng lãnh thổ được kiểm soát theo luật của Trung Quốc, chúng không chỉ ở đất liền mà còn bao gồm cả trên biển. Các nhà bình luận Trung Quốc mô tả vùng biển bên trong “đường chín đoạn” bao phủ phần lớn Biển Đông là “vùng đất quốc gia trên biển khơi”, đây là nơi mà Bắc Kinh có đầy đủ quyền thực thi “chủ quyền không thể tranh cãi”. Việc xác định chính sách theo hướng chủ quyền – một khái niệm khuấy động tinh thần mạnh mẽ của cả giới viên chức nhà nước và tầng lớp bình dân – giới lãnh đạo Trung Quốc đã đặt cược cam kết công khai của mình trước công chúng, điều đó sẽ khiến cho giới lãnh đạo cực kỳ khó khăn khi muốn quay trở lại. Mặc dù lãnh đạo Trung Quốc có thể trì hoãn những kế hoạch của mình nếu như họ gặp phải những tác động ngược trở lại, nhưng sẽ rất khó mà hình dung rằng, Trung Quốc sẽ từ bỏ những yêu sách chủ quyền của mình vì điều gì đó, chẳng hạn như quy tắc ứng xử trên biển.

Trung Quốc đang nỗ lực theo đuổi điều gì?

Trung Quốc hiện đang theo đuổi dạng chiến lược đối phó với chiến lược trục bánh xe và nan hoa nhằm chống lại Mỹ và các đối thủ ở châu Á. Ngoại giao Trung Quốc nỗ lực cô lập đối thủ cạnh tranh với hy vọng áp đảo từng đối thủ môt nhằm ngăn chặn một liên minh chống lại mình. Đối với Mỹ, Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược chống tiếp cận bằng việc triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa chống tàu và các loại tàu nhằm tăng cường khả năng gây tổn thất nặng nề đối với lực lượng của Mỹ hoạt động tại châu Á trong thời chiến. Tóm lại, Bắc Kinh muốn làm nhụt ý chí của Washington và làm mất lòng tin của các đồng minh đối với những cam kết của Mỹ. Đối với các đối thủ ở châu Á, Trung Quốc lại thèm muốn được kiểm soát các hòn đảo, vùng biển và vùng trời. Bắc Kinh sử dụng chính sách rất rõ ràng tại các vùng biển tranh chấp trong khi thách thức các đối thủ yếu hơn nhằm đảo ngược các nỗ lực của mình. Thay vì sử dụng chính sách cây gậy lớn của lực lượng hải quân, Bắc Kinh lại nghiêng sang công khai sử dụng chính sách cây gậy nhỏ bằng Lực lượng Hải cảnhTrung Quốc. Cách tiếp cận này hiện nay vẫn được sử dụng.

Quyết tâm của Mỹ đến đâu?

Đối mặt với chiến lược mang tính đa dạng này, Mỹ phải quyết định xem tinh thần vì đồng minh của mình đến đâu – và cả sự kiểm soát đối với tự do trên biển – để nỗ lực theo đuổi đến cùng trong việc bảo vệ đồng minh và các lợi ích của mình. Nguồn lực hỗ trợ cho việc ngăn chặn sự bành trướng từ từ của Trung Quốc có nguy cơ bị cắt giảm, trong khi đó Trung Quốc lại là đối tác thương mại hàng đầu và là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, những điều đó dẫn đến những mối nguy và sự bất định. Nhiều nhà chiến lược sẽ đưa ra lời tư vấn phản đối sự mạo hiểm đó, trừ khi lãnh đạo Mỹ đặt trọng tâm giá trị chiến lược của minh vào khu vực châu Á và vai trò bảo hộ hệ thống quốc tế của Mỹ. Giống như các bình luận viên thể thao thường nói, đây là thời điểm đánh giá tình hình.

LỰA CHỌN CHÍNH SÁCH

Thứ nhất, tránh không bị lôi kéo vào xung đột vũ trang đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những yêu sách đối với rất nhiều thực thể ở đây đang thực sự rất mập mờ, thay vào đó Mỹ nên ủng hộ sử dụng luật quốc tế. Những điều kiện để một thực thể trở thành đảo theo luật quốc tế đã được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chỉ một số thực thể ở Biển Đông có đủ điều kiện hưởng quy chế đảo. Chẳng hạn, một hòn đảo không có nước ngọt thì không thể duy trì đời sống con người và hoạt động kinh tế riêng. Nó chỉ có thể được hưởng yêu sách lãnh hải 12 hải lý, không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Có lẽ chỉ có Đài Loan là bên duy nhất kiểm soát một hòn đảo ở Biển Đông thực sự có quy chế đảo theo luật quốc tế. Nếu vậy, thì vùng biển còn lại sẽ là vùng  biển quốc tế, thuộc về tất cả các quốc gia. Các quốc gia biển sẽ tận dụng điều đó để tối đa hóa quyền tự do của mình, phớt lờ đường chín đoạn của Trung Quốc. Washington nên khuyến khích các quốc gia châu Á tìm kiếm một quy định từ trọng tài quốc tế để khẳng định tình trạng pháp lý của đảo, đảo san hô và đá. Mỹ sẽ có được ưu thế nếu như các quốc gia châu Á có thể bảo vệ được bờ biển của mìn.

Thứ hai, về mặt nào đó, cần đấu tranh với những hoạt động của Bắc Kinh

Việc xem xét vùng biển trên Biển Đông là vấn đề lãnh thổ sẽ giúp làm sáng tỏ được nhiều vấn đề. Khi đó, hoạt động đánh bắt của ngư dân Trung Quốc trong vùng 200 hải lý đảo Palawan là hoạt động đánh bắt trộm tài nguyên của Philippines. Hải cảnh Trung Quốc cùng với tàu cá giống như lực lượng xâm lược khi bảo vệ cho những kẻ đánh bắt trộm. Hình thành cách nhìn nhận như vậy giúp Mỹ đưa ra được tình huống đối phó khẩn cấp trong khi dồn Trung Quốc vào thế phòng thủ.

Thứ ba, cần xem xét cam kết của lực lượng cảnh sát biển và hải quân Mỹ đối với châu Á hơn là tăng cường khả năng huấn luyện thường kỳ, hình thành sự kết hợp giữa hạm đội tàu chấp pháp và hải quân vứi các đồng minh châu Á.

Lính thủy Mỹ sẽ giúp đỡ cảnh sát biển giống như cách mà lĩnh Mỹ đã giúp cảnh sát trên bộ của NATO trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chẳng hạn, Philippines  sẽ không bao giờ đủ khả năng chống lại được sự xâm phạm của Trung Quốc đối vùng EEZ của mình. Nguồn lực hải quân của Philippines quá mỏng. Nhưng với sự giúp đỡ của Cảnh sát biển triển khai ở Đông Nam Á và sự hỗ trợ vũ khí hạng nặng từ hải quân Mỹ sẽ giúp các quốc gia khu vực có cơ hội bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.

Liệu đó có phải những lựa chọn thay thế phù hợp? Rất khó. Đây chỉ là những biện pháp ít rủi ro nhất vào lúc này.

James R. Holmes là giáo sư về chiến lược tại Học viện Hải chiến Mỹ. Bài viết được đăng trên The National Bureau of Asian Research.

Văn Cường (dịch)