Khu vực Nhận dạng Phòng không của Trung Quốc. Nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Tệ hại hơn, với việc khuyên các hãng hàng không Mỹ tôn trọng ADIZ của Trung Quốc, Washington đã gây ra rạn nứt với đồng minh Nhật Bản đúng vào thời điểm cần thể hiện sự thống nhất chống lại hành động leo thang của Trung Quốc mà Phó Tổng thống Biden cho là “nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại biển Hoa Đông”. Nhật Bản đã yêu cầu các hãng hàng không nước này phớt lờ yêu cầu của Trung Quốc về việc báo trước các chuyến bay khi bay qua ADIZ mà Trung Quốc mới tuyên bố. Việc các máy bay chỉ bay qua mà không có ý định đi vào không phận Trung Quốc phải thông báo với nhà chức trách Trung Quốc là bất thường đối với tiêu chuẩn ADIZ quốc tế, vi phạm nguyên tắc cơ bản về tự do hàng không.

Rõ ràng, việc làm của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới cân bằng sức mạnh khu vực, đảo lộn trật tự dựa trên luật lệ, hạn chế tự do hàng hải cũng như tiếp cận với nguồn tài nguyên biển, kể cả khoáng sản dưới đáy biển. Nếu Trung Quốc được làm theo ý mình, quốc gia này sẽ khai phá con đường dẫn đến một châu Á với Trung Quốc là trung tâm. Khi dần có được sức mạnh kinh tế và quân sự, Trung Quốc sẽ ngày càng tăng cường tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, tìm cách thay đổi hiện trạng biển và lãnh thổ. ADIZ của Trung Quốc được đưa ra có chọn lựa thời điểm, trùng với thời gian thỏa thuận tạm thời về vấn đề hạt nhân Iran ở Geneva được hé lộ. Bất ngờ chiến thuật trước đối phương là yếu tố quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc.
Hành động của Trung Quốc là lời nhắc nhở rằng Tổng thống Obama phải hướng quan tâm từ Trung Đông đến tình hình dễ “bùng cháy” Đông Á. Để thực hiện lời hứa chuyển hướng sang châu Á, Tổng thống Obama phải sẵn sàng sử dụng ưu thế lãnh đạo của Mỹ nhằm góp phần kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc và trấn an các đồng minh. Việc gửi hai máy bay B-52 theo kế hoạch đến vùng ADIZ của Trung Quốc là hình thức chiếu lệ không thể thay thế sự cần thiết phải đưa ra phản ứng đáng tin cậy của Mỹ.

Thật không may, Tổng thống Obama dường như quan tâm đến cân bằng các mối quan hệ của Mỹ ở châu Á hơn là đánh bại sự hung hăng của Trung Quốc. Chính sách châu Á của ông Obama nhằm tìm kiếm lợi ích của việc xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với các nước châu Á trong đó có Trung Quốc, nay đang là trọng tâm đối với lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ, trong khi theo lập trường trung lập trong tranh chấp chủ quyền. Thực tế, trong cuộc khủng hoảng ADIZ, Washington đã hối thúc Nhật Bản kiềm chế, vì lo sợ bất kỳ leo thang nào xảy ra khiến Mỹ phải đứng về một bên. Washington cũng tìm cách kiểm soát căng thẳng bằng cách kêu gọi các bên ngăn chặn tâm lý dân tộc bùng lên và giảm nguy cơ leo thang hoặc tính toán sai lầm thông qua các biện pháp kiểm soát khủng hoảng và xây dựng lòng tin. Đây là thông điệp Phó Tổng thống Biden đã mang đến Tokyo và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sự tập trung của Mỹ vào việc quản lý kép sự trỗi dậy của Trung Quốc và căng thẳng Trung-Nhật khiến cho Trung Quốc có cơ hội thử nghiệm sức mạnh hành động và tăng cường sự hung hăng. Xu hướng này cũng làm lu mờ cảnh báo hồi năm 2011 của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates rằng mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đẩy Mỹ cùng các căn cứ quân sự ra xa hơn ở Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang “bắn tỉa” các vùng lãnh thổ của các nước láng giềng, như tăng cường xâm nhập biên giới Himalaya tranh chấp với Ấn Độ, cấm Philippine tiếp cận các bãi cạn Cỏ Rong và Cỏ Mây, và gây hấn với Việt Nam xung quanh vùng lãnh hải tranh chấp giữa hai nước. Tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông, bên cạnh việc chồng lấn với vùng trời liên quan đến quần đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, mà còn bao gồm vùng trời miền Nam Hàn Quốc thuộc đảo đá ngầm Leodo mà Bắc Kinh gọi là Tô Nham.

Việc thuyết phục các máy bay chấp nhận quy định mới không dễ cho Bắc Kinh, vì hệ thống rađa cảnh báo sớm và khả năng tiếp liệu cho các máy bay thực hiện nhiệm vụ bay dài còn hạn chế cũng như sự từ chối của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản. Tuy nhiên, như một phần của chiến lược "từng bước", Bắc Kinh không có ý định thực thi ADIZ ngay lập tức. Việc thực hiện sẽ được tiến hành khi hoàn cảnh có nhiều thuận lợi hơn. Lúc này, ưu tiên của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là áp dụng trò chơi “mềm nắm rắn buông”. Nếu vượt qua được chỉ trích quốc tế trong khi giữ vững lập trường, Trung Quốc sẽ được khuyến khích để thiết lập một khu vực tương tự ở Biển Đông, nơi Trung Quốc chính thức tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích. Thêm nữa, một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc cho biết nước này sẽ thiết lập ADIZ khác trong thời gian thích hợp, sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị.

Đó là lý do việc Mỹ ngăn hành động ngang ngược của Trung Quốc là rất quan trọng. Nếu Mỹ không có nỗ lực phối hợp (với các đồng minh khu vực) đẩy lùi việc lấn tới của Trung Quốc, không bao lâu nữa sẽ có một cuộc xâm lấn khác.

Brahma Chellaney là nhà phân tích địa chính trị, tác giả của cuốn sách Water, Peace, and War. Bài viết được đăng trên The Global and Mail.

Trần Quang (gt)