Vấn đề Biển Đông là một điểm chính trong chương trình nghị sự cuộc gặp giữa Bộ trưởng Carter với Ngoại trưởng Sushma Swaraj và Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval tại New Delhi. Việc Bộ trưởng Carter đi thẳng từ Việt Nam tới thăm Ấn Độ đã cho thấy sự cần thiết về bình ổn tình hình tại Biển Đông bởi những “người đối thoại” Ấn Độ đã nhấn mạnh tới tự do hàng hải và quyền thăm dò dầu mỏ trong khu vực. 

Vấn đề ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nổi lên như một ưu tiên chiến lược đối với cả Mỹ lẫn Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước đã ra Tuyên bố tầm nhìn chung trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 1 năm nay. Tuyên bố khẳng định: “Sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh. Chúng tôi (Mỹ và Ấn Độ) khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên toàn bộ khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua tất cả các biện pháp hòa bình, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển”. 

Ngày 31/5 vừa qua, phát biểu tại cuộc họp báo tổng kết một năm cầm quyền của Chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA), Ngoại trưởng Swaraj cũng khẳng định New Delhi sẽ tiếp tục thăm dò các lô dầu ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Các quan chức tại New Delhi cho biết Chính phủ NDA, do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đang theo dõi chặt chẽ tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á, bởi nó liên quan đến các lợi ích kinh tế và chiến lược của Ấn Độ trong bối cảnh chính phủ nước này đang tích cực triển khai chính sách “Hành động phía Đông”. 

Những căng thẳng mới nổi lên sau khi Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ chỉ trích của Mỹ đối với các hoạt động bồi đắp, xây dựng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore cuối tuần qua, Đô đốc Hải quân Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc - nói rằng các hoạt động xây dựng (tại Biển Đông) là hợp lý, hợp pháp và chính đáng” và các dự án đó nhằm mục đích cung cấp “các dịch vụ công cho quốc tế”. Ông Tôn Kiến Quốc nói thêm rằng Trung Quốc không có sự thay đổi trong tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông  và cũng không có sự thay đổi lập trường về giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thông qua thương lượng và tham vấn. 

Theo tác giả Chaudhury, những hình ảnh do Philippines công bố mà báo “The Economic Times” của Ấn Độ có được đã cho thấy những hoạt động xây dựng mới của Trung Quốc trên Biển Đông. Việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông - tuyến giao thông đường biển lớn ở châu Á - đã khiến tình hình căng thẳng gia tăng từ năm 2010. Theo các quan chức Mỹ và Ấn Độ, Tuyên bố của ông Tôn Kiến Quốc gây lo ngại và dẫn tới kết luận rằng Trung Quốc có ý định quân sự hóa các đảo tranh chấp mà họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng trên đó. 

Ông Tôn Kiến Quốc đưa ra tuyên bố trên chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Carter chỉ trích Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc quốc tế khi xây dựng các đảo nhân tạo với nhịp độ nhanh chưa từng thấy ở Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc đang làm tăng “nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột”. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ngày 30/6, Bộ trưởng Carter lưu ý Trung Quốc đã bồi đắp hơn 800 hécta trong 18 tháng qua. Trong chuyến thăm Việt Nam ngay sau Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Carter đã cam kết viện trợ 18 triệu USD giúp Hà Nội mua các tàu tuần tra để đối phó với bất kỳ cuộc xâm lược nào. Năm ngoái, Ấn Độ cũng cấp khoản tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam mua 4 tàu tuần tra từ New Delhi. 

Trong khi nhấn mạnh tới sự cần thiết về tự do hàng hải ở châu Á tại Shangri-la, Quốc vụ khanh Quốc phòng Ấn Độ Rao Inderjit Singh nói: “Chúng ta phải nhớ rằng hầu hết giao thông, vận tải hàng hải của thế giới, trong đó có vận chuyển năng lượng đi qua các vùng biển châu Á. Do đó, bảo đảm tự do hàng hải tại các vùng biển này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của tất cả chúng ta. Đối với Ấn Độ, tự do hàng hải trên biển luôn quan trọng vì lịch sử của Ấn Độ đã được định hình bởi các tuyến giao thương hàng hóa và đi lại của người dân từ các vùng bờ biển Ấn Độ với các nước khác ở châu Á và châu Phi”.

Trong một chỉ trích trực tiếp đối với Trung Quốc, ông Singh nói: “Ấn Độ luôn phản đối việc đe dọa hoặc đơn phương sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển bởi điều này có thể phá vỡ các hoạt động thương mại thông thường, đe dọa an ninh kinh tế của tất cả các nước vốn phụ thuộc vào lưu thông thương mại trên biển”. 

Tại Đối thoại Shangri-la, các nước Nhật Bản, Australia, Malaysia và nước chủ nhà Singapore cũng kêu gọi duy trì hòa bình tại Biển Đông và tôn trọng các luật quốc tế về tự do hàng hải trong khu vực.

Theo The Economic Times

Văn Cường (gt)