Ông Obama và các cố vấn đã ngạc nhiên khi thấy đánh giá của Thủ tướng Modi về sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc là rất giống với Washington. Giống như giới chức Mỹ, nhà lãnh đạo Ấn Độ dường như ngày càng quan ngại về các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Ông Modi cũng bày tỏ sự quan tâm đối với việc tìm kiếm một cách tiếp cận thống nhất (giữa hai nước) nhằm đối phó với những nỗ lực của Trung Quốc. Thủ tướng Modi đã đồng ý ký một “Tuyên bố chung” với Tổng thống Obama, trong đó, khiển trách Trung Quốc kích động xung đột với các nước láng giềng trong tranh chấp Biển Đông. Ông Modi cũng gợi ý khôi phục “Đối thoại An ninh Bốn bên”, một cơ chế an ninh không chặt chẽ hình thành năm 2007 với sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, đồng thời bày tỏ mong muốn New Delhi sẽ đóng vai trò lớn hơn trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) - nơi Ấn Độ có thể góp phần làm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Quyết tâm của ông Modi muốn giúp Ấn Độ có vai trò lớn hơn trong các vấn đề tại châu Á, hay còn gọi là chính sách “Hướng Đông”, được đưa ra cùng thời điểm với chính sách “xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương” của Tổng thống Obama. Theo giới phân tích, trong những năm qua, hai nước ngày càng tiệm cận tới sự tương đồng trong quan điểm về Trung Quốc, và điều đó đặc biệt được củng cố bởi các sự kiện trong năm 2014, chẳng hạn như việc các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tuần tra trong Vịnh Bengal - nơi được New Delhi coi là sân sau chiến lược. Trong “Tuyên bố chung”, ông Modi đã nhất trí với ngôn từ của Mỹ về các tranh chấp của Trung Quốc trong khu vực. Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định “tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh hàng hải, tự do đi lại trên biển và trên không ở khu vực này, đặc biệt là tại Biển Đông”, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên tránh sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp biển".

Nhiều năm qua, các tổng thống Mỹ đã cố gắng lôi kéo Ấn Độ - nền dân chủ lớn nhất thế giới - vào một mối quan hệ đối tác gần gũi hơn, phần nào để đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Ông Modi có vẻ chưa sẵn sàng, song cũng muốn xác định lại quan hệ của New Delhi với Washington trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng mạnh lên về kinh tế, chính trị và quân sự. Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ và Trung Quốc K. Shankar Bajpai nói: “Giống như ở Mỹ, cũng có nhiều luồng tư tưởng về Trung Quốc ở Ấn Độ. Hiện nay, cả hai nước đang ngày càng thấy rõ các lợi ích của mình và nhận ra rằng các lợi ích này tương đồng với nhau”. Nếu nhận định trên là đúng thì nó có thể phát đi tín hiệu về một sự thay đổi rõ ràng hơn nhiều so với bất kỳ thỏa thuận hay tuyên bố nào được ký trong thời gian ông chủ Nhà Trắng ở thăm Ấn Độ. Giới chức Mỹ hy vọng hai cường quốc này có thể cùng nhau làm được nhiều hơn những gì một mình Washington có thể triển khai nhằm kiềm chế các tham vọng của Bắc Kinh và đảm bảo trật tự thời hậu chiến ở khu vực này. 

Một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ đánh giá cuộc hội đàm của Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc “thật sự khác về chất” so với những cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo khác của Ấn Độ. Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Lalit Mansingh cho biết các nhà lãnh đạo Ấn Độ lâu nay quan ngại việc quan hệ quá nồng ấm với Washington sẽ gây phương hại cho các mối quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu quan hệ hữu hảo với Trung Quốc chỉ dẫn tới tình trạng đối đầu hơn nữa thì một trong những rào cản cuối cùng, để New Delhi hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, sẽ biến mất. Ông Mansingh khẳng định: “Chuyến thăm Ấn Độ mới đây của Tổng thống Obama cho thấy Thủ tướng Modi đã đi tới kết luận rằng Mỹ không chỉ là một đối tác chiến lược, mà còn là đối tác chiến lược chính của New Delhi trên thế giới”, đồng thời phát đi tín hiệu về một hướng đi mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Tờ “Thời báo New York

Thuỳ Anh (gt)