Ông Modi đã cam kết, ưu tiên của ông là phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ ở mức gần 10%. Nội dung địa chính trị không phải là trọng tâm trong nghị trình chuyến thăm. Ngoại giao sẽ phục vụ phát triển kinh tế. Tổng thống Obama tỏ ra hoan nghênh chuyển biến này của Ấn Độ. Ấn Độ không có đủ cả ý chí cũng như khả năng để có thể trở thành đối trọng quan trọng thực sự đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ đã đặt mục tiêu năm 2025 trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với sức mạnh kinh tế ngày một cường thịnh, một cách tự nhiên Ấn Độ sẽ là một sức mạnh kiềm chế Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Modi là một thời cơ tốt để khởi động lại mối quan hệ Ấn-Mỹ. Đảng của ông nắm đa số ghế trong Quốc hội, vậy nên trong 5 năm tới, Modi sẽ luôn là người nắm thực quyền ở New Delhi.

Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với cả 2 bên Mỹ - Ấn là phải vượt qua những trở ngại kinh tế ngày càng tăng. Tổng lượng thương mại song phương đã tăng gần gấp 10 lần kể từ năm 2000, đạt hơn 100 tỷ USD mỗi năm. Nhưng con số này vẫn chỉ bằng 1/5 tổng kim ngạch thương mại Trung-Mỹ, thậm chí còn thấp hơn so với thương mại Mỹ-Hàn (đáng chú ý là dân số Hàn Quốc thậm chí còn ít hơn dân số bang Gujarat, quê nhà của ông Modi). Ông Modi hy vọng sẽ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ. Đây là một nhiệm vụ khó khăn khi xu thế sản xuất tự động hóa như hiện nay, chi phí lao động thấp sẽ không còn là một lợi thế lớn cho Ấn Độ. Hiện nhu cầu việc làm của Ấn Độ hàng năm tăng tới 12 triệu lao động.

Hai nhà lãnh đạo sẽ đàm phán về hiệp định đầu tư song phương Mỹ-Ấn Độ. Tổng thống Obama có khả năng sẽ giới thiệu về “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” để thu hút Ấn Độ. Ông còn phải cố gắng thuyết phục để Ấn Độ bớt quan ngại về việc chính sách di trú của Mỹ có phân biệt đối xử với các công ty làm về công nghệ thông tin của Ấn Độ. Hiện nay Mỹ hạn chế cấp visa diện H1B (chuyên ngành đặc biệt hoặc visa công việc tạm thời) cho người nước ngoài, đồng thời từ chối cấp visa làm việc cho các sinh viên mới tốt nghiệp người Ấn Độ.

Về phía Modi, ông sẽ phải đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết một số vấn đề khiến Mỹ quan ngại như Ấn Độ thường xuyên không tôn trọng hợp đồng, không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như thường sử dụng chính sách hóa đơn thuế cao để hạn chế các công ty nước ngoài. Ông còn phải thuyết phục nước chủ nhà rằng Chính phủ mới của ông ưu việt hơn nhiều so với Chính phủ cũ của Đảng Quốc Đại.

Những vướng mắc trong quan hệ Ấn - Mỹ mà ông Modi sẽ phải tháo gỡ bao gồm cả việc sau khi ông nhậm chức, Ấn Độ đã viện cớ bảo vệ an ninh lương thực để hạn chế Thỏa thuận thúc đẩy thương mại mà WTO dày công mới đạt được. Đồng thời, Ấn Độ vẫn bán phá giá gạo và đường được trợ giá ra thị trường thế giới. Tương tự như vậy là những trở ngại đối với Thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn năm 2009. New Delhi từ chối bảo hộ các khoản nợ của các nhà đầu tư Mỹ xây dựng các cơ sở hạt nhân dân sự tại Ấn Độ, điều này làm cho Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này trở nên vô nghĩa.

Các vấn đề nêu trên, một cách đơn lẻ sẽ không gây phương hại lớn cho quan hệ Mỹ - Ấn, nhưng tổng hợp lại sẽ dẫn đến sự đi xuống của quan hệ song phương. Là hai quốc gia dân chủ hàng đầu trên thế giới, Mỹ và Ấn Độ có không gian hợp tác lớn về biến đổi khí hậu, chống khủng bố, cải tổ Liên Hợp Quốc và các vấn đề ổn định toàn cầu. Tuy nhiên, để hợp tác, hai bên cần trước tiên vượt qua các chướng ngại. Nếu để các vướng mắc ngày một nghiêm trọng, hai bên sẽ khó lòng thúc đẩy hợp tác một cách thực chất.

Theo Financial Times

Trần Quang (gt)