Nằm ngoài xa vùng đất châu Âu và bên lề Đông Nam Á, nước Úc từ lâu tìm kiếm an ninh từ khu vực. Hiện nay, nước Úc cần, và đang tìm kiếm an ninh trong khu vực.

Các nguy cơ an ninh truyền thống, như tranh chấp Biển Đông, đang tạo ra các gián đoạn ở châu Á-Thái Bình Dương. Những tranh cãi liên quan đến một vài mỏm đá ở giữa biển khơi đang đẩy khu vực vào tình thế rất khó khăn. Chìa khóa để duy trì an ninh chính là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN. Đó là niềm hi vọng lớn của chúng ta, và chúng ta cần chú ý tới nội tại của tổ chức này để đảm bảo an ninh khu vực.

Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia thành viên của ASEAN - Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines - mà tác động sâu rộng đến cục diện ở khu vực, liên quan trực tiếp tới sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, cụ thể là đường lưỡi bò, đã được sử dụng để khoanh vùng lợi ích ở Biển Đông giàu có tài nguyên. Yêu sách này có khả năng xâm phạm lợi ích của Indonesia, và từ đó sẽ ảnh hưởng tới Úc.

Các tranh chấp ở Biển Đông không mới, nhưng động lực đã thay đổi đáng kể khi Trung Quốc lớn mạnh và hành động quyết đoán hơn trong khi đó Philippines và Việt Nam (với sự khuyến khích của Mỹ và Nhật Bản) tìm cách đáp trả.

Trong tranh chấp với Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai các tàu sơn trắng và sơn đỏ một cách khôn khéo, sử dụng vòi rồng để đe dọa và cản phá, đâm húc và thậm chí đánh chìm các tàu của Việt Nam như là một cách để khẳng định sức mạnh và uy quyền mà không kích động các hành động đáp trả có vũ trang hay chiến tranh. Đó là chiến thuật xảo quyệt nhằm tránh phản ứng phối hợp và đồng thời ngay từ các quốc gia ASEAN bị tác động, chưa nói gì đến Mỹ.

Tuy nhiên, cần phải suy tính kỹ càng về những hệ quả của cách tiếp cận “tọa sơn quan hổ đấu”. Liệu các quốc gia ASEAN thực sự muốn diễn đàn của họ bị loại ra ngoài lề tranh luận về các vấn đề an ninh? Liệu ASEAN thực sự thuận theo đề xuất chỉ giải quyết song phương các tranh chấp? Liệu hệ lụy của các cách tiếp cận trên đã được xem xét một cách thấu đáo?

Các học giả Úc thường chỉ nhìn thấy tác dụng của ASEAN khi các nước thành viên đoàn kết, có cùng lập trường, và Úc có chính sách nhất quán để tăng cường khả năng và quyết tâm của ASEAN hành động một gắn bó và cố kết hơn. Mỹ và Philippines đã vực dậy liên minh an ninh tương hỗ của họ và Nhật Bản tăng cường hỗ trợ vật chất cho Philippines, Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực để cưỡng lại áp lực ngày càng tăng.

Các hành động đó của Nhật, Mỹ và Úc là có giới hạn, đặc biệt khi nó liên quan đến các mối quan ngại trực tiếp của các quốc gia ASEAN. Trung Quốc biết điều đó, và đã hành động một cách nhất quán dưỡi ngưỡng có thể kích động can thiệp từ bên ngoài từ phía các quốc gia ASEAN có yêu sách.

Nguyên nhân chính các quốc gia như Mỹ ngần ngại can dự trực tiếp là các yêu sách đối kháng ở Biển Đông chưa được giải quyết bởi các tòa trọng tài quốc tế. Việc Trung Quốc kiên quyết cách tiếp cận song phương hơn là đa phương để giải quyết vấn đề đã đẩy ASEAN ra ngoài lề.

Câu hỏi còn lại là: Liệu các quốc gia ASEAN có quan tâm đến đoàn kết, đặc biệt là các quốc gia không tranh chấp có cho rằng họ có lợi ích ở tranh chấp Biển Đông hay không?

Để đạt được giải pháp phù hợp với lợi ích của ASEAN, các nước thành viên không tranh chấp cần phải sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên trong tranh chấp. Điều này bao gồm việc hợp tác để tìm ra cách thức giải quyết tranh chấp giữa các nước ASEAN với nhau, và sau đó là hình thành một mặt trận thống nhất trong thương thảo với các cường quốc bên ngoài như Trung Quốc.

Ở đây, tác giả không đánh giá về việc Trung Quốc có yêu sách đúng luật hay không, hay liệu Trung Quốc có nên bị loại ra ngoài thảo luận trên hay không. Đó không phải là chủ đề của bài báo. Nhưng tác giả cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhân nhượng để đi đến một thỏa hiệp với ASEAN nếu tổ chức này thống nhất đề xuất một giải pháp cho các tranh chấp đang ngày trở nên nóng bỏng.

Về phần mình, Úc có lợi ích lâu dài với một ASEAN vươn lên trở thành một thể chế vững chắc và có năng lực, có thể làm việc hiệu quả và hợp tác vì lợi ích của cả khu vực.

Lợi ích là rõ ràng. Úc là một quốc đảo phụ thuộc vào thương mai trên biển để phát triển thịnh vượng. Các đường hàng hải quốc tế của Úc là mạch máu và một phần lớn thương mại của Úc đi đến và đi qua Biển Đông. Úc có lợi ích với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực.

Đối với Úc, khái niệm “Đông Ấn-Thái Bình Dương” (Indo-Pacific) đã trở nên phổ biến gần đây, một phần bởi Úc thừa nhận vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ và Ấn Độ Dương với nước Úc, an ninh và ổn định ở khu vực. Trên hết, hầu hết các tuyến thương mại đều đi qua khu vực này, dọc theo con đường tơ lụa trên biển nối liền châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương, và đến Mỹ. Thuật ngữ này cũng bao hàm tầm quan trọng của việc Trung Quốc và Ấn Độ trỗi dậy hòa bình với các quốc gia khác trong khu vực.

Một phần quan trọng của việc hồi sinh thuật ngữ này là vị trí trung tâm của Đông Nam Á. Đây chính là “nút cổ chai” cho hầu hết các tuyến thương mại từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam và ngược lại. Trong nhãn quan của nước Úc, Đông Nam Á là trái tim của khu vực Đông Ấn – Thái Bình Dương, án ngữ các huyết mạch giữa Đông Á và Nam Á, và liền kề mạn bắc của nước Úc.

Úc có lợi ích bền vững và lâu dài đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và xây dựng hiệu quả các kết nối kinh tế và thương mại để nối gắn kết khu vực như một thực thể kinh tế thống nhất, trong đó nước Úc đóng góp một phần, cùng với các quốc gia ASEAN và các cường quốc khu vực để củng cố an ninh và ổn định.

Đã đến lúc phải lựa chọn. ASEAN cần phải hỗ trợ bản thân và hỗ trợ các nước thành viên, và nước Úc nên hỗ trợ ASEAN. Chịu chết chìm và cố bơi trong vũng lầy u ám là hai lựa chọn khác nhau.

Tiến sĩ John Blaxland, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc Phòng, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết được đăng trên The Guardian.

Đỗ Thanh Hải (dịch)