Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Barack Obama ở Nhà Trắng, Ngoại trưởng đương nhiệm lúc đó Hillary Clinton đã chọn Viễn Đông là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Điều đó khẳng định khu vực là trọng tâm của các ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

 

Dĩ nhiên mục đích đầu tiên là nhằm kết nối vai trò đang lên của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, cũng như thực tế là người khổng lồ châu Á đã mua phần lớn nợ công của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn có những lý do khác. Mặc dù mối quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Washington không ngừng phát triển, đặc biệt sau khi Tập Cận Bình, vốn được đào tạo tại Mỹ, trở thành người lãnh đạo ĐCS/Trung Quốc kiêm Chủ tịch Trung Quốc, căng thẳng giữa hai nước vẫn không ngừng tích tụ và tăng lên.

Trước hết, nó xuất phát từ lo ngại mạnh mẽ của Mỹ về quyền bá chủ trên biển tại Thái Bình Dương, bao gồm cả bờ biển châu Á. Từ nhiều năm nay Trung Quốc đã cho thấy tham vọng ngày càng tăng trong việc giành lấy vị thế chiến lược trong khu vực và mở rộng nó. Yếu tố chính trong trò chơi địa chiến lược này là các tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và các đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực liên quan đến các đảo nhỏ khác nhau tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong tất cả các tranh chấp này Washington mạnh mẽ đứng về phía các nước đối thủ của Trung Quốc về quyền kiểm soát các rặng san hô. Các nước trên bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, v.v. Không chỉ một lần quan điểm được trích dẫn của Washington là các tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết trên cơ sở đa phương trong khuôn khổ ASEAN. Trong khi đó Trung Quốc cương quyết đàm phán riêng với từng nước bởi rõ ràng với sức mạnh của mình họ có thể dễ dàng đè bẹp từng đối thủ yếu hơn. Điều này đã không làm yên lòng người Mỹ vì vậy không phải tự nhiên mà cách đây 2 năm Washington từng tuyên bố rằng đến năm 2020 sẽ triển khai 60% lực lượng không quân và hải quân tại Thái Bình Dương.

Chúng ta đã chứng kiến sự bùng phát căng thẳng mới trong thời gian diễn ra chuyến công du gần đây nhất của NT Mỹ John Kerry trong khu vực. Bên cạnh các thủ đô khác, Kerry đã thăm Bắc Kinh, nơi ông được tiếp đón bởi Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trước đó, tại Seoul, Kerry một lần nữa nhắc lại thông điệp khá thú vị rằng: nhóm đảo Sensaku/Điếu Ngư, đang bị tranh chấp bởi Trung Quốc và Nhật Bản, thực tế nằm trong phạm vi bảo vệ bởi hiệp ước phòng thủ chung giữa Tokyo và Washington như một phần của lãnh thổ Nhật Bản. Với thông điệp này, Mỹ ngụ ý sẽ bảo vệ nhóm đảo này nếu Trung Quốc tấn công chiếm đảo.

Ngay lập tức Tân Hoa Xã , cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc đã cho đăng một bài viết với nội dung thú vị hơn. Đất nước này vốn được biết đến với việc các lãnh đạo luôn luôn mỉm cười nồng nhiệt với khách khứa, nhưng những gì khó chịu sẽ được phát ngôn bởi Tân Hoa Xã. Bài viết kêu gọi Washington tạo sức ép buộc Tokyo từ bỏ đòi hỏi chủ quyền với Sensaku/Điếu Ngư, bởi nếu không sẽ dẫn đến rủi ro “lặp lại các cuộc tấn công như đã từng xảy ra tại Trân Châu Cảng hơn 70 năm trước”. Thêm vào đó: “Mỹ cần phải biết rằng Bắc Kinh luôn luôn mong muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng bằng con đường hòa bình, Trung Quốc không do dự trong việc áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo các lợi ích cốt lõi về an ninh quốc gia phù hợp với luật của Trung Quốc về chủ quyền”. Chắc chắn không còn lời nào cứng rắn và rõ ràng hơn như trên…

Tất nhiên, sau đó, trong cuộc gặp trực tiếp giữa Tập Cận Bình và Kerry, lãnh đạo của Trung Quốc mỉm cười cam đoan rằng nước ông muốn “mở rộng đối thoại và tin tưởng lẫn nhau” với Mỹ. Nhưng tất cả các nhà ngoại giao đều hiểu rõ thông điệp thực sự được thể hiện trong bài viết của Tân Hoa Xã: Trung Quốc đang có tham vọng phát triển chiến lược ở Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, những hòn đảo đang tranh chấp - không những thềm lục địa của một số đảo có dầu mỏ và khí đốt - mà còn là tiền đồn lý tưởng cho mục đích trên. Ngoài ra, cũng cần phải tính đến thực tế rằng, 3/4 thương mại quốc tế được vận chuyển bằng đường biển. Trong khi đó, 2/3 trong số các tuyến đường biển sôi động nhất chạy qua Biển Đông của Việt Nam, nơi Trung Quốc cũng đang tranh chấp chủ quyền toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Bruney và Đài Loan. Tất cả những quốc gia và vùng lãnh thổ này có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ trong tranh chấp với Bắc Kinh.

Thú vị nhất là sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Rõ ràng, hai nước đã chịu tổn thương kéo dài nhiều năm bởi chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, quá khứ đã được gác lại kể từ năm 2002 sau chuyến thăm lịch sử tới Hà Nội của Bill Clinton, TTh Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau chiến tranh và bắt đầu quá trình tái lập quan hệ mới giữa hai nước. Giữ vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa là John Kerry, khi đó còn là TNS Đảng Dân chủ và John Mc. Cain, TNS Đảng Cộng hòa, hai ông đã giải quyết vấn đề về khả năng còn tồn tại tù nhân Mỹ ở Việt Nam. Kerry và Mc. Cain, vốn đều là cựu chiến binh từ chiến tranh Việt Nam, đã thực hiện việc kiểm tra tận nơi và kết luận rằng không tồn tại những tù nhân như vậy, từ đó bật đèn xanh cho tình hữu nghị mới với Hà Nội.

Kerry hiện đang là Ngoại trưởng và tự nhiên dành những nỗ lực lớn trong hợp tác với Việt Nam bao gồm hợp tác quân sự và hợp tác địa chiến lược - vốn diễn ra trong chuyến thăm của ông tại Hà Nội vào tháng 12/2013. Việt Nam rõ ràng có thể trông cậy vào sự ủng hộ của ông về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 19/01/2014, cuộc tuần hành tại Hà Nội đã đánh dấu 40 năm ngày Trung Quốc chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này diễn ra vào năm 1974 trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam đang trong tình trạng hỗn loạn nhưng vẫn chưa kết thúc. Lấy cớ hỗ trợ miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc đã gửi quân đến các hòn đảo khi đó còn nằm dưới quyền quản lý của miền Nam Việt Nam, kể từ đó Trung Quốc chưa từng rút quân khỏi các hòn đảo này. Năm 1988 vấn đề nóng bỏng về chủ quyền của các hòn đảo thậm chí còn kích động một cuộc xung đột quân sự ngắn ngày giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mặc dù tính đến ngày 17/02/2014 chiến tranh biên giới Việt - Trung đã kết thúc được 35 năm nhưng cuộc chiến này vẫn được lấy làm lý do để trả thù người Việt tại nước láng giềng Campuchia.

Tất cả những điều này cho thấy các căng thẳng trong khu vực không phải từ hôm qua và được kích động bởi rất nhiều rủi ro. Như vậy những trích dẫn từ bài viết của tờ Tân Hoa không chỉ là câu chuyện cổ tích.

Tình hình hiện tại vùng biển Hoa Đông xa xôi cũng không yên ả. Từ ngày 24/2 đến ngày 18/4/2014 diễn ra các cuộc tập trận quân sự hỗn hợp với sự tham gia của các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc. Trong bối cảnh khó đoán tại Bắc Kinh, chính quyền của Kim Jong Un cũng được củng cố. Một trong số những mục đích của chuyến thăm Bắc Kinh của Kerry là nhắc nhở người Trung Quốc, vốn được xem là có ảnh hưởng đối với Kim, xoa dịu Kim rằng các cuộc tập trận không đe dọa chế độ của họ. Không rõ liệu Bắc Kinh có còn những đòn bẩy ảnh hưởng, bởi người chú mới bị Kim xử tử vì tội “phản bội” vốn là cánh tay của Trung Quốc tại Triều Tiên.

Khi nhắc đến sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, sắp tới chúng ta sẽ được theo dõi những sự kiện thú vị khi TTh Barack Obama sẽ thăm một số nước từ tháng 4/2014. Ông sẽ làm khách tại Hàn Quốc, cũng như các nước có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh như Nhật Bản, Malaysia, Philippines và các nước khác”.\

Kadrinka Kadrinova - nữ nhà báo nổi tiếng của Bulgari. Bài viết được đăng trên tạp chí TEMA, Bulgari.

Thanh Bình (gt)