Sơ đồ mô tả chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc

 

Tại cuộc Đối thoại Shangri-La mới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta loan báo, năm 2020 Mỹ sẽ bố trí 60% các loại tàu chiến, trong đó có 6 nhóm tàu hàng không mẫu hạm, ở chiến trường châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bộ trưởng Panetta còn nhắc tới hàng loạt khoản đầu tư khác để bảo đảm rằng cho dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng nhanh thế nào, Mỹ vẫn có thể nhanh chóng sử dụng sức mạnh quân sự, khi cần thiết, để thực hiện các cam kết an ninh trong khu vực. Trong số các hệ thống vũ khí đó có các tàu chiến mới có khả năng hoạt động gần bờ biển của đối phương và các tàu ngầm tấn công nhanh; các phương tiện đánh chặn phòng thủ tên lửa đã triển khai với Nhật Bản; tăng cường cuộc chiến tranh mạng và các hệ thống thông tin liên lạc; và một máy bay ném bom đường dài mới có thể tấn công bên trong lãnh thổ đối phương. 

Oasinhtơn đang phát triển chiến lược "Thế trận Không-Biển" - một chiến lược nhằm đánh bại cái gọi là các khả năng Chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực (A2/AD) của các đối thủ cạnh tranh chiến lược "đáng gờm", trước hết là Trung Quốc.

"Chống tiếp cận" là khả năng ngăn chặn lực lượng đối phương tiến vào một khu vực tác chiến; "ngăn chặn khu vực" là khả năng gây thiệt hại nặng nề không để đối phương tự do hành động khi lọt vào khu vực tác chiến. 

Hiện nay, sự phát triển của các loại vũ khí được điều khiển chính xác cho phép các cường quốc khu vực đầy tham vọng ngăn chặn kẻ thù đến gần các vùng biển và vùng trời, bất chấp kẻ thù đó mạnh hơn về quân sự. Để đạt được mục đích đó, Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào các hệ thống vũ khí hiện đại như: tên lửa đạn đạo và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp chống tàu, máy bay ném bom trên biển, tàu ngầm trang bị thủy lôi và tên lửa, các tàu tuần tiễu tốc độ cao, tất cả nhằm đe dọa các hàng không mẫu hạm của Mỹ ở dãy đảo đầu tiên. Trung Quốc cũng đang nỗ lực chế tạo các loại vũ khí chống vệ tinh và vũ khí mạng nhằm phá hủy các hệ thống thông tin liên lạc mà lực lượng Mỹ đang dựa vào.

Tuy nhiên, Thế trận Không-Biển và biểu hiện gần đây nhất của chiến lược là Khái niệm tiếp cận hoạt động chung, đang gây nhiều tranh cãi. Một số nhà chỉ trích coi chiến lược là ý đồ của Lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ nhằm giành miếng bánh lớn hơn trong ngân sách quốc phòng vốn sẽ bị cắt giảm khoảng 480 tỷ USD trong 10 năm tới. Một số người khác lưu ý Trung Quốc là đối thủ duy nhất có hàng loạt khả năng mà chiến lược mới đặt mục tiêu đối phó. Trái với chiến lược "Thế trận Không-Bộ" trong những năm 80 của thế kỷ trước để giải quyết mối đe dọa thực sự từ một cuộc tấn công của quân đội Liên Xô vào Tây Âu, mối đe dọa của Trung Quốc đối với Mỹ và các nước đồng minh khu vực khó xác định hơn. Đề cập Thế trận Không-Biển trong bài phát biểu tại Hội nghị Chiến tranh chung tháng 5/2012, Tướng James Cartwright, Phó Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết: "Đối với một số người, chiến lược đang trở thành 'Chiếc Chén Thánh'... nhưng nó không phải là học thuyết cũng không phải là viễn tưởng. Tệ nhất là 'Tác chiến Không-Biển đang biến Trung Quốc thành quỷ'".

Ông Nathan Freier, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đặt trụ sở ở Oasinhtơn, cho rằng mặc dù một cuộc xung đột với Trung Quốc "có thể là tàn khốc nhất xét theo quan điểm quân sự truyền thống, nhưng nó lại ít khả năng xảy ra nhất và ít khả năng dự đoán nhất". Bắc Triều Tiên, Pakixtan và Iran và thậm chí Xyri là các thách thức A2/AD thực tế hơn và các thách thức đó có thể đòi hỏi phải sử dụng các lực lượng mặt đất mà chiến lược Thế trận Không-Biển bỏ qua. 

Theo Stratfor

Tiến Tiệp (gt)