Trong chuyến thăm các quốc gia châu Á, ông Biden tự nhận thấy ông đang đứng ở tâm điểm của các tranh chấp. Ông vừa phải đóng vai trò là trọng tài phân giải bất đồng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, vừa phải đóng vai trò là trung gian giữa Nhật Bản và Hàn Quốc - cả hai đều là đồng minh của Mỹ - trong một vụ căng thẳng khác. Căng thẳng ngoại giao về những vấn đề không liên quan đến Washington cho thấy ở một mức độ nào đó, rõ ràng các nhà lãnh đạo ở châu Á vẫn hy vọng Mỹ có thể giúp họ giải quyết các vấn đề khu vực, và cho rằng ngoài Mỹ ra chẳng nước nào có thể làm được điều này. 

Mỗi quốc gia đều có những mong muốn khác nhau ở ông Biden. Nhật Bản và Hàn Quốc muốn Mỹ giữ quan điểm cứng rắn trước tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về việc thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở các đảo đang tranh chấp trên biển Hoa Đông. Đặc biệt, Nhật Bản muốn Mỹ đảm bảo rằng nước này sẽ không chấp nhận ADIZ của Trung Quốc, sau việc Washington khuyến cáo các hãng hàng không thương mại tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc khi bay qua vùng này. Về phần Trung Quốc, nước này mong muốn Phó Tổng thống Biden thể hiện rõ mục tiêu theo đuổi "mô hình quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn". Còn Hàn Quốc mong muốn ông Biden đứng ra làm trung gian, giúp tổ chức một cuộc trao đổi thiện chí giữa Seoul và Tokyo nhằm giảm nhẹ làn sóng thù hận đối với chủ nghĩa thực dân của Nhật Bản. Trong khi đó, Triều Tiên đã tiến hành phóng thích một du khách Mỹ bị bắt giam từ tháng 10/2013, chỉ vài giờ trước khi ông Biden tới thăm Khu vực Phi Quân sự. Các chuyên gia an ninh cho rằng động thái này là để ông Biden không có cơ hội đề cập nhiều đến bản cáo trạng của Mỹ chống Triều Tiên.

Về phần mình, ông Biden chỉ mong muốn các bên tỏ ra kiềm chế. Ông đã kín đáo yêu cầu Bắc Kinh không thực thi các quy định ở ADIZ của nước này. Ông cũng mong muốn Tokyo giảm bớt sự phản đối về việc đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương, đồng thời muốn Seoul tránh đưa ra những động thái đột ngột và khuyên Seoul nên bàn bạc kỹ với các nước láng giềng trước khi mở rộng vùng phòng không của mình. Được biết, ngày 8/12, Hàn Quốc cho biết nước này đã mở rộng vùng phòng không chồng lấn với vùng phòng không của Trung Quốc, và Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ủng hộ bước đi này.

Hiện vẫn còn câu hỏi đặt ra là liệu ông Biden có thể đạt được các kết quả mong muốn hay không? Tất cả những vấn đề được ông nêu ra sẽ đòi hỏi các nhà lãnh đạo châu Á mà ông vừa tiếp xúc phải tiến hành những hành động có ý nghĩa tiếp theo. Những nỗ lực của ông Biden dường như cho thấy một số mục tiêu đối ngoại của Mỹ ở châu Á đang mâu thuẫn nhau. Ông Biden cho biết cam kết của Mỹ với các đồng minh là không thể thay đổi. Tuy nhiên, Mỹ lại đang theo đuổi quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Trung Quốc, một quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh và ngày càng thể hiện tính hung hăng trong khu vực.

Michael Green, người từng là cố vấn Nhà Trắng về châu Á thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, cho rằng bằng việc nhất trí với Trung Quốc về mô hình quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn, ông Biden đã gửi một thông điệp ngầm rằng mối liên kết của Mỹ với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc đang ngày càng trở nên ít tầm quan trọng. Ông Green nói: "Tôi chắc chắn rằng đây không phải là thông điệp mà ông Biden dự định đưa ra, song các đồng minh của Mỹ đang cảm nhận được điều này".

Các quan chức Mỹ cho biết họ không muốn Mỹ trở thành nhà trung gian hòa giải cho các tranh chấp khu vực ở châu Á. Trên thực tế, Mỹ đã cố gắng tránh đứng về một bên nào đó trong vấn đề chủ quyền biển đảo ở biển Hoa Đông - bất đồng chính trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Tuy nhiên, đối với Mỹ, rất khó để đưa ra chính sách "toàn diện" - như cách Nhà Trắng miêu tả chính sách của Mỹ đối với châu Á - và cũng rất khó để đứng ngoài cuộc.

Rất có thể các quốc gia châu Á sẽ giảm bớt chiều hướng tìm kiếm sự lãnh đạo và cách giải quyết xung đột từ phía Mỹ nếu họ nhận thấy Mỹ chỉ muốn can thiệp khi có lợi cho Mỹ.

Theo AP/ABC News

Trần Quang (gt)