PLA-N tuần tra ngày một thường xuyên hơn ở các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực biển tranh chấp. Tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng và tham vọng của Lực lượng Hải quân cho thấy Trung Quốc ngày càng có khả năng hoạt động ở các vùng biển xa. Năm 2011, mặc dù phủ nhận các tin tức nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân tại Pakixtan, nhưng Thiếu tướng Xu Guangyu khẳng định điều đó chỉ còn là thời gian cho đến khi Trung Quốc có các căn cứ ở nước ngoài. Là nước nhập khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, kinh tế Trung Quốc lệ thuộc chủ yếu vào nguồn cung cấp năng lượng của nước ngoài. Tuy nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung cấp bằng cách tăng lượng dầu nhập từ các nước Trung Á và Nga qua các hệ thống đường ống dẫn dầu đã hoặc chuẩn bị xây dựng, Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào các nước vùng Vịnh. Do đó, bảo vệ các tuyến đường cung cấp dầu lửa trên biển là một ưu tiên của giới lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định sẽ tìm cách thiết lập nhiều căn cứ hải quân dọc các tuyến đường biển đó để bảo vệ các tàu chở dầu cũng như các nguồn cung cấp chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc đang thực hiện các chiến lược can dự ngày càng tăng trên trường quốc tế. Bên cạnh các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Libăng và Xuđăng, Trung Quốc đã và đang triển khai các kế hoạch chống cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Xômali và dọc Vịnh Aden 3 năm qua và đây là nhiệm vụ tuần tra đầu tiên bên ngoài các vùng biển của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục phái lực lượng hải quân đến khu vực này, tìm cách thúc đẩy hợp tác quân sự với các nước Trung Đông, tăng hiện diện quân sự để một số nước Arập không còn lo ngại Mỹ sau những diễn biến gần đây ở Trung Đông. Trung Quốc nhận thấy vị thế của nước này như một "đối tác thế chân" khi mối quan hệ của các nước với các cường quốc truyền thống hạn chế. Đối với các nước đang phát triển, Trung Quốc ra sức phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế và khẳng định đây là một mô hình thích hợp mà không kèm theo điều kiện nhân quyền hoặc các cải cách dân chủ. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng đầu tư cho ngành công nghiệp dầu lửa. Trung Quốc đã giúp mở rộng và phát triển ngành công nghiệp dầu lửa của Xuđăng trong quá khứ. Trong khi dư luận thế giới và khu vực đang chỉ trích Trung Quốc đầu tư và nhập khẩu dầu thô của Iran, Bắc Kinh tiếp tục nhập khẩu dầu từ Irắc. Các công ty dầu lửa Trung Quốc đang thu được nhiều lợi nhuận sau khi ký được 4 hợp đồng béo bở ở Irắc. Vào lúc chiến lược quân sự Mỹ đang chuyển trọng tâm từ châu Âu và Trung Đông sang châu Á, Bắc Kinh đang tìm kiếm các cơ hội và tăng sự hiện diện quân sự ở Trung Đông.

Theo PolicyMic (ngày 16/3)

Mỹ Anh (gt)