Một mặt, quyết định ngày 27/7 thể hiện việc mở rộng chính sách hỗ trợ ngành vận tải biển lâu nay của Nhật Bản đối với Đông Nam Á nói chung và Philippines nói riêng. Nhưng đồng thời, động thái này cũng phát đi những thông điệp ngoại giao rõ ràng tới Trung Quốc. Những lợi ích hiện nay của Nhật Bản trong việc đảm bảo an ninh trên biển ở khu vực Đông Nam Á chủ yếu là về thương mại: Tokyo mong muốn đảm bảo cho các tàu thuyền của họ được đi lại an toàn khắp khu vực này. Giờ đây, sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng với Đông Nam Á, cùng với sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nhập khẩu năng lượng từ Ấn Độ Dương có nghĩa là Đông Nam Á đang trở thành một phần quan trọng trong những tính toán an ninh của Nhật Bản. 

Philippines đang trở thành trọng tâm trong chính sách hỗ trợ ngành vận tải biển của Nhật Bản. Các vụ cướp biển cũng thỉnh thoảng xảy ra tại Đông Nam Á và Philippines không có khả năng để thực thi luật biển tại vùng lãnh hải rộng lớn của họ. Năm 1998, Nhật Bản đã giúp Philippines thành lập lực lượng tuần duyên dân sự và đào tạo lực lượng này từ đó đến nay. Những quan ngại khủng bố tại miền Nam Mindanao và vùng biển lân cận cũng khiến Philippines nằm trong danh sách ưu tiên viện trợ của Nhật Bản. Việc ông Abe quyết định cung cấp tàu tuần tra mới trước hết là một phần của chính sách viện trợ lâu dài này.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến Nhật Bản viện trợ cho Philippines. Sự phát triển ngày càng tăng của các lực lượng hải quân Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông là lý do nữa khiến Nhật Bản hỗ trợ Philippines. Mặc dù Nhật Bản không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại Biển Đông, nhưng các lợi ích trong việc qua lại vùng biển này an toàn và không hạn chế đang khiến Nhật Bản tích cực can dự vào các cuộc đối thoại an ninh khu vực. Mặc dù việc bổ sung thêm 10 tàu tuần tra cho Lực lượng tuần duyên Philippines sẽ không làm thay đổi đáng kể cán cân hải quân trong khu vực, nhưng viện trợ của Nhật Bản là thông điệp rõ ràng rằng Tokyo đang theo dõi các hành động của Trung Quốc một cách rất thận trọng.

Liên minh của Nhật Bản với Mỹ đòi hỏi hai nước này phải đảm bảo sự đi lại tự do ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, chống lại mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là biến vùng biển này thành "ao nhà" của Bắc Kinh. Do một số nước Đông Nam Á quan ngại sự có mặt của hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông nên Hoa Kỳ và Nhật Bản đang theo dõi một cách chặt chẽ các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á do sợ rằng các thỏa thuận song phương có thể xâm phạm quyền tự do đi lại hiện nay.

Cuối cùng, viện trợ của Nhật Bản cho Philippines là một dấu hiệu cho ASEAN thấy rằng Tokyo ủng hộ sự đoàn kết của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Nỗ lực của Trung Quốc nhằm "chia để trị" các nước ASEAN đã thành công vào năm 2012, khi Chủ tịch ASEAN luân phiên năm đó là Campuchia đã ngăn cản việc ra một tuyên bố chung sau khi từ chối đề cập đến vấn đề Biển Đông. Các nước Đông Nam Á lục địa không có tuyên bố chủ quyền lãnh hải rất dễ dao động trước sự "ve vãn" của Trung Quốc bởi các nền kinh tế nhỏ bé của họ đang phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.

Yoichiro Sato là giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Đại học Ritsumeikan Châu Á-Thái Bình Dương. Bài viết đăng trên trang "Diễn đàn Đông Á".

Mỹ Anh (gt)