Trong một động thái mang tính biểu tượng hơn thực chất, Tổng thống Obama sẽ vạch ra các kế hoạch nhằm triển khai luân phiên mỗi năm 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ tại một căn cứ hải quân ở Darwin, vùng lãnh thổ phía Bắc của Ôxtrâylia. Đây là một phần của thỏa thuận, bao gồm các hoạt động huấn luyện và tập trận quân sự chung với Ôxtrâylia. Các chuyên gia của cả hai nước cho biết thỏa thuận trên cho phép quân đội Mỹ và Ôxtrâylia hợp tác trong phản ứng với thiên tai, khủng bố, cướp biển và các nguy cơ an ninh khác trong khu vực. Điều quan trọng hơn, thỏa thuận này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Khi Mỹ đang chuẩn bị rút quân khỏi Irắc, Ápganixtan và chuẩn bị trước khả năng chi phí quân sự bị cắt giảm 500 tỷ USD trong 5 năm tới, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang hướng lại sự chú ý của họ vào khu vực châu Á. 

Trong động thái thừa nhận việc trọng tâm chiến lược và kinh tế thế giới đang dịch chuyển sang châu Á, Mỹ công nhận rằng lợi ích lâu dài thực sự của họ nằm ở việc duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực tăng trưởng và năng động này. Ông Obama nhấn mạnh trọng tâm mới này trong chuyến thăm châu Á 9 ngày. Sau chuyến công du chính thức Ôxtrâylia đầu tiên, ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) được tổ chức tại Bali, Inđônêxia. Ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy, nói: "Do sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ mang lại bất ổn cho châu Á, nên Mỹ đang thay đổi sức mạnh quân sự và ngoại giao của họ. Mỹ đang tập trung chú ý vào các nước ven biển ở châu Á".

Cách thức Mỹ phản ứng với sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ quyết định những vấn đề của thế giới trong những năm tới. Mỹ đang tái khẳng định với các đồng minh châu Á về sự tiếp tục quan tâm của Mỹ đối với khu vực. Sự triển khai quân mới của Mỹ được xem như một động thái đối phó với một Trung Quốc hùng mạnh và quyết tâm cũng như với một Bắc Triều Tiên không thể đoán trước. Việc tăng cường sự có mặt quân sự của Mỹ tại Ôxtrâylia phù hợp với tuyên bố gần đây triển khai các tàu hải quân Mỹ tại Xinhgapo để chống cướp biển và kế hoạch tập trận quân sự chung với Malaixia. Việc Mỹ cân bằng sức mạnh quân sự, kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm đảm bảo một lần nữa với các đồng minh của Mỹ rằng Oasinhtơn có thể ngăn chặn bất kỳ sự thay đổi bất ngờ nào trong khu vực. Từ năm 2009, Trung Quốc đã đối đầu với các nước Đông Nam Á trong những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, từ chối việc lên án Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc, tranh cãi với Nhật Bản về chủ quyền chuỗi đảo đang tranh chấp. Bắc Kinh cũng từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để tái thống nhất Đài Loan với Trung Quốc.

John Lee, một chuyên gia an ninh tại Viện Hudson, nói: "Có nhiều lý do khiến hầu hết các nước châu Á muốn Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu trong khu vực, hơn là Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia châu Á nào khác. Thứ nhất, Trung Quốc đang có những tranh chấp đất đai và biển với một số nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, và một số quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, Mỹ thì không. Thứ hai, thương mại tự do đang phụ thuộc vào sức mạnh hải quân Mỹ. Trung Quốc đang coi cấu trúc an ninh này là để ngăn chặn nước này. Vì thế, dù đang được hưởng lợi từ sự phát triển của Trung Quốc, song hầu hết các nước nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể muốn đảo ngược và thậm chí phá bỏ một cấu trúc an ninh như vậy".

  Theo Nationalpost 15/11

 Viết Tuấn (gt)