Theo báo "Sankei", Ngoại trưởng Nhật Bản Matsumoto đã thể hiện ý định không phản đối việc máy bay của không quân Nga tiếp cận không phận nước này vì hiện Nga đang phái đội cứu hộ và cung cấp vật tư, hàng cứu trợ cho Nhật Bản để khắc phục hậu quả trận động đất vừa qua. Tuy nhiên, việc hỗ trợ trên và việc máy bay Nga tiếp cận lãnh thổ Nhật Bản là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhật Bản cần cảm ơn thiện ý giúp đỡ của Nga, song đồng thời cũng cần kháng nghị mạnh mẽ hành động tiếp cận không phận Nhật Bản của Nga.

Sau khi động đất xảy ra, máy bay Nga đã hai lần tiếp cận không phận Nhật Bản. Do lo ngại máy bay Nga xâm phạm không phận, máy bay chiến đấu của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã phải xuất kích khẩn cấp hai lần. Lần thứ nhất, ngày 17/3, máy bay thu thập thông tin tình báo của không quân Nga đã bay trên vùng trời phía trên biển Nhật Bản từ phía Tây Hokkaido đến vùng biển ngoài khơi Hokuriku. Biển Nhật Bản là nơi các tàu chiến, trong đó có các tàu tấn công đổ bộ của quân Mỹ, đang được triển khai và tập trung tiến hành hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất. Hoạt động của máy bay Nga bị nghi ngờ là để do thám hoạt động phối hợp của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ.

Lần thứ hai, ngày 21/3, máy bay chiến đấu và máy bay thu thập thông tin tình báo điện tử của Nga lại tiếp cận không phận Nhật Bản. Mục đích của lần tiếp cận này được cho là để thử năng lực đối phó của lực lượng phòng không Nhật Bản trong khi nước này đang bận hỗ trợ cho các nạn nhân động đất và đối phó với sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Lực lượng phòng vệ trên không ngày 17/3 vừa kết thúc hoạt động chi viện khắc phục thiên tai và đang ở trong trạng thái cảnh giác thông thường, nên không gặp trở ngại gì trong việc cho máy bay chiến đấu xuất kích khẩn cấp. Tuy nhiên, do phải tăng cường sử dụng máy bay vận tải C1 để vận chuyển hàng hóa và nước, nên không thể phủ nhận rằng việc Nga tiếp cận không phận sẽ gây trở ngại cho nhiệm vụ này.

Hiện vẫn có nghi ngờ về việc Ngoại trưởng Matsumoto hiểu rõ sự tình đến mức nào, nhưng chớ quên rằng nếu không kháng nghị, Nga có thể lại tiếp tục có hành động tương tự. Không chỉ có máy bay của Nga, mà số lần tiếp cận không phận Nhật Bản của máy bay quân đội Trung Quốc trong năm 2010 đã tăng 1,5 lần so với năm trước. Ở vùng biển gần đảo Senkaku, tàu ngư chính của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện. Nhật Bản cũng đang tiếp nhận chi viện của Trung Quốc, nhưng vẫn cần cảnh giác đối với hành động của quân đội Trung Quốc.

Hiện 100.000 trong tổng số 230.000 quân của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang tham gia công tác cứu hộ nạn nhân và khắc phục hậu quả động đất. Tuy nhiên, không thể bỏ mặc nhiệm vụ chính bảo vệ hòa bình và an ninh của nhân dân và đất nước. Chính quyền của Thủ tướng Naoto Kan cần không chỉ chú ý đến đối sách khắc phục thiên tai, mà cần chú ý cả đến chính sách đối ngoại và quốc phòng.

 

Theo Sankei