Trong phiên họp Ngoại giao-Quốc phòng (2+2) cấp Bộ trưởng giữa Nhật Bản và Mỹ hồi tháng 6/2011, hai bên đã thống nhất mục tiêu chiến lược chung, trong đó khẳng định sẽ duy trì hợp tác an ninh trên biển và tăng cường hợp tác quốc phòng với Ôxtrâylia. Trước đây bộ ba Nhật-Mỹ-Ôxtrâylia vẫn thường tiến hành tập trận hải quân tại các vùng biển phía Tây Kyushu hoặc gần Okinawa, miền Tây Nam của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên ba nước tiến hành tập trận trên biển Đông, nơi hiện xảy ra các cuộc tranh cãi gay gắt về chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á. Do vậy, tuy cuộc tập trận lần này có quy mô không lớn nhưng nó được đánh giá cao vì là bước đi cụ thể hóa nội dung nói trên một cách nhanh chóng. 

Hiện nay, với tham vọng tiến ra biển, Trung Quốc không chỉ tăng cường hoạt động hải quân tại biển Hoa Đông - nơi có quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) đang tranh chấp - bằng các hoạt động khảo sát tại vùng biển Miyako của Nhật Bản mà còn “nhăm nhe” tiến ra Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc đã lợi dụng Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1992 để đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông và phần lớn chủ quyền trên biển Đông. Do vậy, các căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như một số nước ASEAN về vấn đề này ngày càng căng thẳng. 

Cuộc tập trận hải quân lần này được coi là một động thái nhằm răn đe và kiềm chế Trung Quốc từ bỏ các tham vọng quá lớn của nước này. Việc lấy quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ làm trung tâm trong quá trình hợp tác với Ôxtrâylia, Ấn Độ và các nước ASEAN nhằm kiềm chế và yêu cầu Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm là một hướng đi đúng đắn của cả ba nước. Riêng với Mỹ, cùng với các cuộc tập trận liên tiếp trong thời gian gần đây với một số nước ASEAN, cuộc tập trận lần này cũng là động thái nhằm thể hiện sự hiện diện quân sự và ý đồ kiềm chế Trung Quốc theo phương thức “đa tầng” của quân đội Mỹ. 

Tuy Nhật Bản và Ôxtrâylia không phải đồng minh nhưng hai nước ngày càng tăng cường hợp tác quốc phòng mang tính chiến lược kể từ Tuyên bố chung về hợp tác an ninh giữa hai nước năm 2007. Trong năm 2010, hai nước cũng đã ký kết Hiệp định Thu nhận và Dịch vụ tương hỗ (ACSA) nhằm cung cấp, chia sẻ cho nhau thực phẩm, nhiên liệu, hợp tác hỗ trợ hậu cần, y tế trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (PKO) cũng như hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế. Một số chuyên gia phân tích Nhật Bản cho rằng Chính quyền Thủ tướng Kan cần tiếp tục tăng cường hợp tác đa phương như các cuộc tập trận chung, trong đó lấy quan hệ đồng minh với Mỹ là trụ cột, để đối phó với tham vọng hải dương ngày càng trỗi dậy của nước láng giềng Trung Quốc. Chỉ có cách như vậy mới có thể nâng cao quyền lợi cũng như bảo đảm an ninh cho chính nước Nhật. Do vậy, việc tham gia cuộc tập trận lần này dường như cũng thể hiện những nhận thức trên của Chính phủ Nhật Bản về nguy cơ Trung Quốc và việc Tôkiô cần tăng cường các nỗ lực như vậy.

Theo Sankei

Vũ Hiền (gt)