Quan chức này nhấn mạnh, Trung Quốc là nước 1,3 tỷ dân, đất nước rộng lớn với bờ biển dài, nhưng chi phí quốc phòng lại tương đối thấp so với quốc gia quan trọng khác. Như vậy, tỷ lệ tăng chi phí quân sự của Trung Quốc cao hơn cả mức tăng trưởng 9,2% GDP trong năm 2011. Theo giới quan sát, điều này cho thấy Bắc Kinh nỗ lực đẩy mạnh chi phí quốc phòng để thu hẹp khoảng cách về mặt quân sự so với Mỹ và Nga.Dư luận truyền thông và các chuyên gia Mỹ ngày 4/3 có nhiều bài đánh giá, nhận định và báo động về việc Trung Quốc liên tục gia tăng ngân sách quốc phòng. Đây là một xu thế trái ngược với Mỹ khi ngân sách quốc phòng được đề xuất theo hướng bị cắt giảm khoảng 497 tỷ USD trong 10 năm tới. Lập luận của Trung Quốc khi tăng ngân sách quốc phòng 2012 là do “quy mô dân số lớn, tuyến bờ biển dài và lãnh thổ rộng bao la và tăng sức mạnh quốc phòng chỉ với mục tiêu duy nhất là bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ và không gây nguy hại cho bất kỳ nước nào”. Theo các chuyên gia phân tích quân sự, việc tăng ngân sách quốc phòng kèm theo tuyên bố trên của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây lo lắng cho các nước láng giềng, nhất là những quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông và Đài Loan. Theo hãng tin "Bloomberg", việc Trung Quốc liên tục gia tăng ngân sách quốc phòng là đáng chú ý trong bối cảnh quốc gia khổng lồ này đang mở rộng các cam kết toàn cầu và đang có các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, nhất là với Nhật Bản, Philíppin và Việt Nam. Với mức ngân sách như vài năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, ông Geoff Raby, Đại sứ Ôxtrâylia tại Trung Quốc tới năm 2011, cho biết Trung Quốc có nhiều thứ đòi hỏi nhà nước phải có sức mạnh quân sự. Trung Quốc sống trong một môi trường láng giềng ở đó không có các đồng minh tự nhiên hoặc bè bạn. Với nhiều năm liên tục gia tăng, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc đã tăng gấp hơn 2 lần kể từ năm 2006. Trong bản báo cáo năm 2011, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho rằng, nếu cứ giữ đà gia tăng này, trong vòng 10-15 năm nữa, ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung quốc sẽ ngang bằng với Mỹ. Theo mạng tin "ctv.ca" (Canađa) ngày 4/3, Bắc Kinh liên tục củng cố sức mạnh quốc phòng suốt hai thập kỷ qua và đã trở thành một thế lực lớn mạnh trong khu vực.

Sự vươn lên về quân sự này, dù được cho là chủ yếu nhằm vào Mỹ, nhưng vẫn mang lại những mỗi quan ngại sâu sắc cho các đối thủ ở châu Á như Ấn Độ và các láng giềng có tranh chấp lãnh hải như Nhật Bản, Việt Nam và Philípin. Sarah McDowall, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Tư vấn An ninh IHS, có trụ sở tại Luân Đôn, cho biết việc tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là một phần trong tiến trình hiện đại hóa quân sự lâu dài của quốc gia này, bên cạnh đó còn bị thúc đẩy bởi những điểm nhấn chính sách mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ông Obama. Ông nói: "Điều cần lưu ý là quan điểm của Bắc Kinh khi phản ứng với các chính sách ngày càng quyết đoán của các nước khác và đã nhiều lần nói rằng không muốn kích động sự đối đầu quân sự". Ông Đinh Thụ Phạm, chuyên gia Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Chính trị Đài Bắc bình luận với AFP rằng: “Trung Quốc phải giải thích và cố gắng thuyết phục các nước trong vùng về những lý do cần phải phát triển bộ máy quân sự như vậy”. Bởi vì “các nước trong vùng có thể nêu lý do này để cố gắng củng cố quan hệ với Mỹ”.Báo "Le Monde" nhận định, mục tiêu trước mặt của Trung Quốc là bảo vệ vùng biển bao quanh, từ Hoàng Hải cho đến Biển Đông. Giao thông hàng hải trong các vùng biển này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung ứng nguyên nhiên liệu cho Trung Quốc. Còn mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nhằm vào Mỹ, cho dù Bắc Kinh không hề có ý định cạnh tranh sức mạnh quân sự với Oasinhtơn. Nỗi ám ảnh của Trung Quốc là phải đuổi Mỹ ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương mà Bắc Kinh coi là vùng ảnh hưởng của mình. Michael Beckley, thành viên của Trung tâm Belfer thuộc Đại học Harvard, chuyên nghiên cứu về tương quan sức mạnh quân sự Trung-Mỹ, cho rằng quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nên được nhìn nhận một cách tổng thể. Trong một bài bình luận về tên lửa đạn đạo tấn công tàu chiến của Trung Quốc, ông nói: "Chắc chắn rằng, vũ khí hạng nặng của Trung Quốc mang giá trị biểu tượng quan trọng và, ít nhất là trong trường hợp sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công tàu chiến, Hải quân Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến gần tới bờ biển Trung Quốc".

Nhật Linh (gt)