Đây là một công việc không đơn giản. Việc gây ảnh hưởng đối với Bắc Kinh đã trở nên ngày càng khó khăn đối với Mỹ, do những quan điểm bất đồng cơ bản giữa hai bên về các vấn đề chủ quyền của Trung Quốc. Việc Mỹ tái khẳng định cam kết đối với các đồng minh trong khu vực có thể thúc đẩy các nước này yêu cầu Mỹ có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, và điều đó có thể làm gia tăng suy nghĩ của Bắc Kinh rằng họ đang trở thành mục tiêu bị kiềm chế. 

Đề cập đến việc Tổng thống Mỹ Barack Obama không tham dự hai hội nghị thượng đỉnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương hồi tháng 10 vừa qua, bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Mỹ nhận định: “Phó Tổng thống Biden có một nhiệm vụ khó khăn là phải tạo sự cân bằng giữa việc tìm cách giữ ổn định mối quan hệ với Mỹ, trong khi cũng phải tái đảm bảo với các đồng minh về sự can dự trong tương lai đã được lên kế hoạch của Mỹ vào khu vực, sau vụ hủy bỏ chuyến công du của Tổng thống Obama”. 

Khi tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Bắc Kinh và Tokyo ở biển Hoa Đông leo thang, ngành ngoại giao của Mỹ càng gặp khó khăn hơn. Washington đã nhanh chóng bác bỏ ADIZ của Trung Quốc bằng cách điều hai máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực này đúng 3 ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ. Tuy nhiên, ngày 29/11, Washington nói rằng các máy bay dân sự của Mỹ nên tuân thủ các quy định của Trung Quốc ở khu vực này. Mặc dù Mỹ nói rằng điều này không có nghĩa là họ chấp nhận những yêu cầu của Trung Quốc về ADIZ nhưng điều đó đã vấp phải sự chỉ trích của Nhật Bản. 

Tuy nhiên, đối với Washington, việc thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng quan trọng. Tuần trước, một quan chức Nhà Trắng nói rằng Phó Tổng thống Biden không đến Bắc Kinh để thực hiện một sáng kiến ngoại giao mà là để tham gia đối thoại về những lợi ích chung trong một phạm vi rộng lớn. Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp về châu Á cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định: “Nhật Bản dĩ nhiên không muốn Mỹ và Trung Quốc quá thân nhau để cùng thông đồng với nhau. Tuy nhiên, điều mà Mỹ đang tìm cách làm là định hình sự trỗi dậy của Trung Quốc, để gây ảnh hưởng với Trung Quốc khi nước này trở thành một cường quốc lớn hơn”. Tuy nhiên, theo ông Glaser, việc gây ảnh hưởng với Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn. Mỹ có “đòn bẩy” hạn chế và “họ phải cẩn thận khi sử dụng nó”.

Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Đào Văn Chiếu (Tao Wenzhao) thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định rằng đối với Bắc Kinh, việc Washington không đồng ý với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn là một trở ngại lớn cho các mối quan hệ song phương. Theo chuyên gia Glaser, những quan điểm bất đồng về các vấn đề lãnh thổ và chủ quyền ở hai vùng biển này - Bắc Kinh từng nhiều lần miêu tả là một lợi ích cốt lõi của họ - đã ngăn cản Tổng thống Obama nắm bắt hoàn toàn cơ hội thúc đẩy “một kiểu quan hệ mới giữa các cường quốc lớn” như đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

 

Khái niệm mối quan hệ “kiểu mới” này đã được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đề xuất trong một cuộc gặp với Tổng thống Obama tại Sunnylands ở Mỹ vào năm ngoái trước khi ông này trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc. Một nhân tố trong khái niệm này là cả hai bên phải tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau, điều mà Tổng thống Obama không tán thành. Bà Glaser nhận định: “Việc coi hai vùng biển đó là lợi ích cốt lõi cho thấy rằng những vùng biển đó quan trọng đến mức Trung Quốc sẽ sẵn sàng tiến tới chiến tranh vì chúng". 

Theo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (ngày 4/12)

Hương Trà (gt)