08/08/2016
Trong loạt bài viết này, tác giả sẽ trình bày về Con đường tơ lụa và triển vọng của nó tại Đông Nam Á, bắt đầu từ Myanmar. Đây là một điểm quan trọng, vì quốc gia tiếp giáp với khu vực Nam Á, nơi đầu tư Trung Quốc hiện diện ở các cảng biển, CSHT năng lượng, CSHT khai thác, đường ống dẫn, lẫn hành lang trên bộ đi qua 4 quốc gia.
Nghiên cứu các cảng Trung Quốc đầu tư xây dựng hệ thống trên bộ xuyên lục địa Á – Âu và Con đường tơ lụa trên biển (MSR), hai khu vực quan trọng nổi lên là vùng Nam Á và Đông Nam Á. Trong loạt bài viết về MSR qua Nam Á, tác giả đã trình bày về các dự án cơ sở hạ tầng (CSHT) của Trung Quốc tại ba quốc gia: Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan. Không chỉ có ý nghĩa về mặt liên kết hàng hải Đông – Tây và đảm bảo an ninh năng lượng, nó còn giúp hải quân Trung Quốc vượt ra khỏi phạm vi của chuỗi đảo thứ nhất, tiếp cận Vịnh Bengal và bắt đầu tham vọng vươn ra thế giới. Tuy nhiên, các dự án tại đây không hoàn toàn thuận lợi như Trung Quốc đã dự tính.
Trong loạt bài viết này, tác giả sẽ trình bày về Con đường tơ lụa và triển vọng của nó tại Đông Nam Á, bắt đầu từ Myanmar. Đây là một điểm quan trọng, vì quốc gia tiếp giáp với khu vực Nam Á, nơi đầu tư Trung Quốc hiện diện ở các cảng biển, CSHT năng lượng, CSHT khai thác, đường ống dẫn, lẫn hành lang trên bộ đi qua 4 quốc gia.
Theo Ban giám đốc Cơ quan quản lý Doanh nghiệp và Đầu tư Myanmar, tính đến cuối năm 2015, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar với tổng đầu tư tích lũy lên tới 15,4 tỷ USD. Đầu tư từ Trung Quốc chiếm tới 26% tổng số vốn đầu tư vào Myanmar (59,15 tỷ USD). Trong số các dự án Trung Quốc đầu tư tại Myanmar, Khu phức hợp Cảng Kyaukpyu cùng khu kinh tế đặc biệt (SEZ) và ba dự án liên kết nằm trong Sáng kiến Côn Minh là các dự án đóng vai trò chủ chốt nhất đối với việc xây dựng MSR qua Myanmar.
Khu phức hợp Cảng Kyaukpyu và Sáng kiến Côn Minh
Cảng nước sâu Kyakpyu được công bố xây dựng vào tháng 6/2007, trên đảo Maday, thuộc tỉnh Rakhine. Cảng có độ sâu 62 feet (khoảng 19m) với 4 cầu tàu và có khả năng tiếp nhận tàu kích cỡ siêu lớn, lên tới 300.000 tấn. Cảng Kyaukpyu đã hoàn thành giai đoạn 1 và mở cửa vào tháng 11/2014, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào 2025, công suất xử lý hàng năm là 7 triệu TEU.
Kyaukpyu có ý nghĩa rất quan trọng với Myanmar vì rất nhiều cảng của nước này nằm trên sông, khiến các tàu lớn không thể cập bến vì mực nước quá nông, phần lớn các cảng lân cận tại Bangladesh cũng chịu hạn chế tương tự. Do đó, độ sâu 19m sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các cảng trong khu vực và mở ra cơ hội để Kyaukpyu trở thành trung tâm xuất – nhập khẩu của cả nước.
Vào tháng 12/2015, dự án khu kinh tế đặc biệt (SEZ) Kyaukpyu trị giá 280 triệu USD cũng chính thức được công bố. Theo đó, 5 công ty Trung Quốc do Citic Group (một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc) đứng đầu và một công ty Thái Lan thắng thầu đảm nhận việc xây dựng. SEZ sẽ biến Kyakpyu thành khu phức hợp cảng quan trọng của Myanmar, trung tâm cho các ngành công nghiệp may mặc và hóa dầu. Dự án sẽ hoàn thành vào 2025, dự kiến đóng góp tới 10 tỷ USD cho GDP hàng năm của Myanmar và 90% giám đốc dự án sẽ là công dân Myanmar. Khu cảng và SEZ sẽ có tổng diện tích 1.708 hecta.
Bản đồ 1: một số dự án chủ chốt của Trung Quốc tại Myanmar
Nguồn: Shibani Mahtani, “China Moves to Revive its Sway in Myanmar”, The Wall Street Journal, 28/2/2016.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với Myanmar, khu phức hợp Cảng Kyaukpyu và SEZ vốn nằm trong sáng kiến Côn Minh. Sáng kiến này nhằm kết nối Kyaukpyu với Côn Minh thông qua ba dự án kết nối hạ tầng, bao gồm một tuyến đường ray và hai đường ống dẫn dầu và khí tự nhiên chạy song song, dự kiến sẽ cung cấp cho Myanmar 2 triệu tấn dầu và 20% lượng khí tự nhiên thu được/năm và 1 tuyến đường sắt dài 1.215 km nối từ cảng Kyaukpyu đến thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Cụ thể thì việc xây dựng SEZ sau cảng nước sâu Kyaukpyu là nhờ việc xây dựng đường ống kép dẫn dầu và dẫn khí của China National Petroleum Corp (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc – CNPC - công ty năng lượng lớn nhất Trung Quốc). Dự án này nhắm đến mục tiêu vận chuyển dầu và khí tự nhiên từ ngoài khơi mỏ Shwe vào đất liền và từ Kyaukpyu chuyển đến Trung Quốc. Thỏa thuận xây dựng hệ thống đường ống kép được ký kết vào tháng 12/2008 giữa Ngân hàng phát triển Trung Quốc và Ngân hàng đầu tư nước ngoài Myanmar. Tổng trị giá đầu tư là 2,54 tỷ USD.
Nguồn: Reuters
Trong đó, dự án đường ống dẫn khí gồm có hai phần: trên biển và trên bộ, tổng chiều dài 2.380 km, riêng phần trên bờ có 793 km chạy qua Myanmar và 1.727km trong lãnh thổ Trung Quốc với sáu trạm xử lý. Điểm bắt đầu từ cảng Kyaukpyu, băng qua bang Rakhine, Magway, Mandalay và Shan rồi nhập vào lãnh thổ Trung Quốc tại Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam. Dự án này do CNPC (chiếm 51% cổ phần) thực hiện cùng Doanh nghiệp Dầu khí Myanmar (chiếm 8% cổ phần) và bốn công ty đến từ Ấn Độ và Hàn Quốc, tổng chi phí đầu tư là 1.04 tỉ USD. Đường ống dẫn khí đi vào hoạt động vào tháng 7/2013, công suất vận chuyển thiết kế lên tới 12 tỷ m3 khí/năm – tương đương khoảng 25% tổng lượng khí đốt Trung Quốc nhập khẩu hàng năm. Dự án đường ống dẩn khí này giúp vận chuyển khí từ dự án Shwe Gas vào bờ và chuyển đến Trung Quốc. Được biết tổng doanh thu từ Dự án Shwe Gas là 1 tỷ USD mỗi năm trong 30 năm.
Nguồn: Report of Earthrights International, Transnational Institute
Trong khi đó, đường ống dẫn dầu Myanmar - Trung Quốc dài 771km, trị giá 1.5 tỷ USD, với công suất vận tải thiết kế 22 triệu tấn dầu thô/năm, bắt đầu xây dựng năm 2010, hoàn thành và hoạt động thử nghiệm vào tháng 1/2015. Với dự án này, Trung Quốc sở hữu 50.9% cổ phần thông qua công ty South-East Asia Crude Oil Pipeline Ltd.(SEACOP), còn lại Myanmar sở hữu 49.1%. Theo như thỏa thuận giữa 2 nước thì Trung Quốc sẽ phụ trách phần xây dựng và vận hành đường ống còn Myanmar sẽ đảm bảo an ninh để đường ống được hoàn thành. Theo nghiên cứu của Earthrights International thì có ít nhất 28 tiểu đoàn của Myanmar đóng tại khu vực xây dựng những đường ống này và 3 tiểu đoàn đóng tại Kyaukpyu.
Bên cạnh hệ thống đường ống kép, vào tháng 5/2011, Bộ Giao thông và Tập đoàn Kỹ thuật đường ray (Railway Engineering Corporation) Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ xây dựng tuyến đường ray kết nối Kyaukpyu với Côn Minh, trị giá lên tới 20 tỷ USD. Dự án này là một phần quan trọng của mạng lưới đường sắt xuyên Á của Trung Quốc và là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển một hành lang chiến lược, mở đường cho Trung Quốc tiến ra Ấn Độ Dương, một tuyến đường quan trọng để tránh tắc nghẽn Eo biển Malacca và những điểm tranh chấp tại Biển Đông. Vào tháng 6/2014, Bộ xây dựng Myanmar tiếp tục công bố dự án nâng cấp Cao tốc No. 2 Union Highway và tuyến đường Kyaukphyu-Magway để liên kết tốt hơn với SEZ tại Kyaukpyu.
Định đạng con đường thay thế cho eo Malacca
Cảng Kyaukpyu có vị trí địa lý thuận lợi, gần với 9 trung tâm sản xuất hàng hóa chính - nắm giữ hơn 80% thị trường Myanmar. Cảng này tiếp giáp với hai thị trường rất quan trọng là Đông Bắc Á và Đông Nam Á, cũng như Vịnh Bengal ở Ấn Độ Dương.
Theo Phó Giáo sư Joshy Paul tại Trường Luật Đại học Christ (Bangalore, Ấn Độ), khu phức hợp cảng Kyaukpyu sẽ tạo ra một liên kết hiệu quả cho Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương. Ý nghĩa của nó còn quan trọng hơn cả những hạt ngọc trong “chuỗi ngọc trai”, bao gồm cả cảng Gwadar ở Pakistan.
Dựa trên lợi thế địa lý của Kyaukpyu, hệ thống đường ống kép và đường ray trong sáng kiến Côn Minh sẽ tạo ra một con đường cho Trung Quốc (i) tiếp cận Vịnh Bengal nhanh nhất, (ii) giảm phụ thuộc của Trung Quốc vào con đường truyền thống qua biển Đông, (iii) đa dạng hóa tuyến đường và phương thức vận chuyển cho Trung Quốc, đồng thời (iv) thúc đẩy giao thương trong khu vực.
Nếu các dự án hoàn thành và hoạt động hiệu quả, Trung Quốc sẽ có một khu cảng nước sâu và SEZ tại Myanmar được kết nối bằng đường ray cao tốc và hai đường ống dẫn dầu và khí. Hệ thống này có khả năng vận chuyển hàng hóa, nhiên liệu và nguyên liệu giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á lục địa, bán đảo Nam Á và xa hơn về Trung Đông và châu Phi. Nó giúp việc hạn chế không cần đi theo tuyến đường qua eo Malacca – vốn dài hơn, nguy hiểm hơn và do Mỹ kiểm soát. Việc di chuyển thông qua các tuyến liên kết Kyaukpyu và Côn Minh sẽ giúp các chuyến vận chuyển từ Ấn Độ tới Trung Quốc tiết kiệm tới 5000 km so với tuyến đường biển qua eo Malacca.
Đường ống dẫn dầu dùng để vận chuyển dầu thô từ Trung Đông về Trung Quốc mới đi vào hoạt động năm 2015 hiện cung cấp tới 10% dầu nhập khẩu cho Trung Quốc và được Trung Quốc xem là một điểm chiến lược về an ninh. Trung Quốc cũng đang cho xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Côn Minh với công suất 10 triệu tấn/năm để lọc dầu vận chuyển qua đường ống này. Quan trọng hơn, các tuyến liên kết này sẽ tạo ra một con đường cung ứng năng lượng và nguyên liệu thô ổn định cho hai trung tâm tăng trưởng chủ lực của Trung Quốc là Côn Minh và Chongqing – một trung tâm công nghiệp của khu vực đồng bằng sông Dương Tử. Cả hai thành phố này đều đóng vai trò chủ chốt trong đại chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Chính vì vậy, ngay từ 2009, khi dự án cảng Kyaukpyu chỉ mới bắt đầu, nó đã được xem là một đầu nối chiến lược cho các tàu chở dầu và nguyên liệu đi qua Nam bán cầu tới Trung Quốc.
Dưới góc nhìn khu vực, cùng với các cảng Trung Quốc đang xây dựng tại Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka, hình dung về một “chuỗi ngọc trai” chiến lược bao trùm lên các tuyến hàng hải qua khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương cũng dần hiện rõ. Con đường này, vì vậy, cùng lúc sẽ là một lời giải phù hợp cho cả ba bài toán “lưỡng nan Malacca”, “Con đường tơ lụa trên biển” và “chuỗi ngọc trai”, từ đó tạo ra lợi thế đáng kể cho Trung Quốc về giao thương và chiến lược, đặc biệt nếu xảy ra xung đột trên biển Đông.
Tuy nhiên ý tưởng này không hẳn là dễ dàng và không vướng mắc. Thách thức dành cho nó dường như ngày một tăng lên, đặc biệt là sau năm 2011 khi Myanmar thay đổi thể chế chính trị.
Sự phản đối từ người dân
Thách thức đầu tiên mà Trung Quốc gặp phải là sự phản đối của người dân Myanmar, vốn đã âm ỉ từ 2010. Sự bất mãn của người dân đã dẫn tới biểu tình và bạo động chống các dự án Trung Quốc diễn ra liên tục từ 2010 tới nay tại Myanmar.
Vào tháng 6/2010, việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Shwe đã vấp phải sự phản đối rất lớn từ người dân trong khu vực do các hành động vi phạm nhân quyền và di dời cưỡng chế hàng ngàn người. Người phát ngôn của Phong Trào chống ống dẫn khí đốt Shwe, Wong Aung, nói rằng tác động của công trình sẽ lan rộng khắp Myanmar. Ônh Aung lo ngại “các vụ dời cư và cưỡng bách tái định cư sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ít nhất 8000 người. Chúng tôi tin rằng dọc theo đường ống dẫn dầu và khí đốt này, sẽ có hơn 21,000 người khác nữa”.
Vào tháng 5/2013, sau khi đường ống dẫn khí Shwe đi vào hoạt động, biểu tình với sự tham gia của hơn 500 người đã diễn ra tại đảo Maday (Kyaukpyu) để phản đối dự án.
Không chỉ gây ra bất ổn tại Kyaukpyu, dự án Shwe Gas còn khiến bùng phát bạo động giữa các nhóm thiểu số Trung Quốc dọc theo đường ranh giới giữa bang Shan và Kachin, nơi có đường ống chạy qua Vân Nam đến Quảng Tây. Chính sách đàn áp của Myanmar đối với các nhóm nổi dậy ở hai bang này càng làm xung đột thêm phức tạp. Vào tháng 2/2015, sau khi đường ống dẫn dầu nối Kyaukpyu với Côn Minh bắt đầu hoạt động thử nghiệm, đụng độ đã nổ ra giữa quân đội Myanmar và các phiến quân thiểu số Trung Quốc dọc theo biên giới Trung Quốc.
Sự phản đối của người dân Myanmar với các dự án Trung Quốc đến nay vẫn chưa dừng lại. Đầu tháng 5/2016, hàng trăm dân làng tại Myanmar đã biểu tình tại mỏ đồng Letpadaung, do Myanmar Wanbao (một nhà thầu vũ khí Trung Quốc) đồng quản lý với Myanmar Economic Holdings Ltd (thuộc quản lý của quân đội Myanmar). Lý do là vì công ty này đã chiếm dụng bất hợp pháp đất của người dân để mở rộng khu mỏ. Vào năm 2012 và 2013 cũng đã xảy ra biểu tình lớn tại khu mỏ này và cảnh sát đã tấn công làm bị thương hơn 100 người dân khiến bà Aung San Suu Kyi – người thực tế nắm quyền lãnh đạo Myanmar sau tổng tuyển cử 2015 - phải mở cuộc điều tra yêu cầu đền bù cho người dân và giảm thiểu tác động môi trường, mỏ cũng đã bị dừng hoạt động một thời gian.
Nhưng nghiêm trọng hơn, các cuộc biểu tình này đang làm gia tăng căng thẳng giữa Đảng của bà Suu Kyi và phía quân đội, bên đã chi phối chính trình Myanmar nhiều năm qua và hiện vẫn có vai trò rất quan trọng khi có tới 3 ghế bộ trưởng, chiếm ¼ quốc hội và kiểm soát lực lượng công an, quân đội.
Sự phản đối của chính phủ mới
Các dự án của Trung Quốc chỉ chống chọi được làn sóng bài trừ từ người dân trong nhiều năm nhờ vào sự bảo trợ của chính quyền quân chủ. Khi chính quyền này mất vị thế và tự rút lui vào cuối 2011, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối thách thức hơn – từ chính quyền mới của ông Thein Sein.
Theo đó, đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar đã giảm đột ngột từ mức 12 tỷ USD trong giai đoạn 2008 - 2011 xuống chỉ còn 407 triệu USD trong giai đoạn 2012 – 2013. Một trong những lý do là do việc dừng thi công dự án Đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD. Chính phủ dân cử của Myanmar sau đó đã kêu gọi đầu tư phương Tây để hiện đại hóa đất nước, thay vì đầu tư từ Trung Quốc. Cho đến 2012, các công ty Trung Quốc vẫn kiểm soát lĩnh vực dầu và khí của Myanmar. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013 – 2014, trong số 47 công ty được Myanmar trao quyền khai thác 36 lô dầu và khí, không một công ty nào là của Trung Quốc. Trong giai đoạn này, Thái Lan, Singapore và Hồng Kong là ba nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Myanmar.
Trong giai đoạn từ 2011 – 2014, Myanmar đã hoãn ba siêu dự án tỷ đô của Trung Quốc. Trong đó, dự án Đập Myitsone trị giá tới 3.6 tỷ USD – dự kiến xuất khẩu 90% sản lượng điện cho Trung Quốc - đã bị đình chỉ do sự phản đối quá quyết liệt của người dân địa phương vào tháng 10/2011. Sự phản đối này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Sein Thein lên nắm quyền. Còn mỏ đồng Letpadaung trị giá 1 tỷ USD bị hoãn vào tháng 6/2012 sau một cuộc biểu tình bạo lực, khiến một người chết và 20 người bị thương. Cuối cùng là dự án đường sắt Kyaukpyu – Côn Minh trị giá 20 tỷ USD bị hoãn vào tháng 7/2014 do sự khác biệt giữa dự án thực tế và Bản ghi nhớ ký năm 2011. Cụ thể là do thời gian BOT quá dài (lên tới 50 năm) khiến Myanmar lo lắng về sự xuống cấp chất lượng của đường sắt và giá trị của dự án lúc bàn giao lại cho Myanmar.
Không chỉ quan trọng vì giá trị đầu tư quá lớn, dự án đường sắt Kyaukpyu – Côn Minh còn là xương sống trong ba dự án liên kết quan trọng trong sáng kiến Côn Minh để kết nối Khu phức hợp cảng Kyaukpyu với phía Tây Trung Quốc, qua đó mở ra con đường tiếp cận Nam Á, Đông Nam Á lục địa và xa hơn. Vì vậy, việc hoãn dự án ảnh hưởng rất lớn đến tham vọng của dự án “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Sau khi Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) lên nắm chính quyền tại Myanmar vào cuối tháng 12/2015, các nhà đầu tư Trung Quốc hy vọng sẽ có thể tái khởi động các dự án từng bị đình chỉ trước đây, như dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD do China Power Investment Corporation (CPI) đầu tư. Tuy nhiên, tương lai của dự án cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, nó chỉ bị dừng, nhưng chưa bị hủy. Vào tháng 3/2016, ông Hantha Myint – Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của NLD nói rằng việc thiết kế lại, hoặc thậm chí là chọn vị trí khác để xây đập đang được tính toán.
Trong khi đó, sau chiến thắng trong cuộc tranh cử vào tháng 11/2015, bà Suu Kyi chào đón đầu tư từ tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Suu Kyi cũng nhấn mạnh rằng chính phủ mới sẽ xem xét lại tất cả các dự án đã được bàn giao, bao gồm cả dự án Kyaukpyu. Vì vậy các dự án khác đã bị dừng của Trung Quốc như đường ray Kyaukpyu – Côn Minh trị giá tới 20 tỷ USD có lẽ cũng sẽ phải chờ đợi, dù chưa chắc sẽ được đảm bảo tiếp tục, trong khi các dự án hiện có cũng khó đảm bảo được thực hiện.
Vũ Thành Công, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.
Ngày 08/7/2024, tại cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines tại Manila, hai nước đã ký Hiệp định Tiếp cận quân sự tương hỗ (RAA). Đây là thỏa thuận RAA đầu tiên Philippines ký với nước khác và là RAA đầu tiên Nhật Bản ký với một nước Đông Nam Á cũng là RAA thứ...
Ngày 17/6, lực lượng tác chiến đặc biệt và lực lượng cứu hộ dân sự Philippines đã sử dụng một tàu vận tải, 5 xuồng cao su tốc độ cao để tiếp tế cho binh lính đồn trú trên tàu Sierra Madre nằm cạn tại Bãi Cỏ Mây. Trước diễn biến này, Trung Quốc cũng dùng các tàu, xuồng của lực lượng hải cảnh để ngăn chặn,...
Việt Nam có thể xem xét tham gia các tuyến cáp quang biển kết nối đầu từ xây dựng tuyến cáp quang mới kết nối với Sydney và Chennai, xây dựng một tuyến dây cáp quang ven biển nội bộ, và xây dựng liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam.
Dự báo trong thời gian tới, Campuchia sẽ thúc đẩy quan hệ với Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì và đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Song, Campuchia sẽ cần khéo léo trong đường lối đối ngoại để có thể vừa tối đa hóa lợi ích quốc gia, vừa cân bằng được quan hệ với Mỹ-Trung.
Lễ nhậm chức của nhà cầm quyền Đài Bắc Lại Thanh Đức diễn ra ngày 20/5/2024 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận về triển vọng quan hai bờ, quan hệ Mỹ - Đài cũng như những điều chỉnh chính sách của Đài Bắc đối với khu vực.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 20/5, tân lãnh đạo Đài Bắc Lại Thanh Đức nhắc tới Trung Quốc tổng cộng 7 lần. Điểm đáng chú ý là ông Lại công khai chỉ trích hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc, cho rằng“các hành động quân sự và hành động vùng xám của Trung Quốc bị coi là các thách thức chiến...