Kể từ ngày 25/2, cuộc xung đột ở Ukraine đã có thêm những tín hiệu giảm leo thang căng thẳng. Đáng chú ý, không có thêm thông tin về thương vong trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Ukraine và quân ly khai ở miền Đông. Quân đội Ukraine cũng thông báo bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi khu chiến sự trong khi lực lượng ly khai tuyên bố cũng đã rút 80% các loại vũ khí này. 

Những diễn tiến này cho thấy lệnh ngừng bắn đang được thực hiện nhưng đây chỉ là một khía cạnh trong nhiều vấn đề khác nhằm định hình các cuộc đàm phán rộng lớn hơn trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Thỏa thuận ngừng bắn đạt được ngày 12/2, cũng như các thỏa thuận trước đó ở Ukraine, được thực hiện khá chậm chạp. Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, giao tranh thực tế đã gia tăng ở một số khu vực quan trọng như Debaltseve, một điểm nóng đối đầu giữa các lực lượng Ukraine và phe ly khai dọc đường ranh giới. Nhưng khi lực lượng ly khai quyết liệt chiếm được Debaltseve, giao tranh giữa hai bên đã suy giảm đáng kể. Những vụ đụng độ nhỏ vẫn diễn ra nhưng dường như lực lượng ly khai đang thực hiện lệnh ngừng bắn nghiêm túc. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine, với nhiều thăng trầm, vẫn chưa thể kết thúc. 

Ngoài xung đột trực tiếp ở miền Đông Ukraine, bất đồng vẫn sâu sắc giữa Nga và phương Tây về việc NATO tăng cường sự hiện diện của lực lượng quân sự khắp Đông Âu. Mối quan ngại lớn của Moskva là việc NATO thiết lập các Đơn vị Thống nhất ở Ba Lan, Romania, Bulgaria và các nước Baltic cũng như Lực lượng Hỗn hợp Sẵn sàng Cao, có thể được triển khai lâu dài ở Ba Lan. Phương Tây dường như quyết tâm thực hiện các kế hoạch này bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc thế nào.

Một vấn đề khác rất được quan tâm là việc huấn luyện và chuyển vũ khí cho các lực lượng an ninh Ukraine. Khi được hỏi về kế hoạch của Mỹ huấn luyện các lực lượng Ukraine vào tháng 3, Tướng Phillip Breadlove cho biết vẫn chưa có lộ trình cụ thể. Tuyên bố này cũng giống với những phát ngôn gần đây của giới chức Mỹ rằng chưa có quyết định nào được đưa ra trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Cả hai biện pháp này dường như đang để ngỏ, phụ thuộc vào mức độ hậu thuẫn của Nga tới đâu đối với lực lượng ly khai.

Các quốc gia NATO khác như Anh, Ba Lan cũng có kế hoạch phái lực lượng huấn luyện tới Ukraine và đang cân nhắc khả năng bán vũ khí, nhưng các nước này cũng khẳng định rõ rằng họ sẵn sàng theo đuổi cách tiếp cận có điều kiện. 

Vấn đề năng lượng giữa Nga và Ukraine cũng cần được tính đến. Moskva cảnh báo Kiev rằng Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên nếu Ukraine không thanh toán khoản mua khí đốt cho khu vực miền Đông, nơi lực lượng ly khai chiếm đóng. Tác động của việc cắt nguồn cung này sẽ tương đối hạn chế so với những sự việc trước đó, trong bối cảnh tiêu thụ năng lượng thấp hơn vào mùa Xuân và Hè cũng như nhờ việc Ukraine có được nguồn cung từ một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Slovakia. Tuy nhiên, lời đe dọa này cũng là nhân tố quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây. 

Khi tiến bộ vừa đạt được trên chiến trường, căng thẳng lại gia tăng trong vấn đề cung cấp khí đốt. Tiến triển trong việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn cho thấy Nga đang quan tâm đến việc làm dịu đi tình hình xung đột, đặc biệt khi lệnh cấm vận đầu tiên của EU đối với Nga năm 2014 sẽ được đưa ra xem xét trong tháng 3 này. 

Kinh tế Nga đang tăng trưởng chậm lại do giá dầu giảm và các biện pháp cấm vận của phương Tây và Moskva đang muốn châu Âu nới lỏng các biện pháp bao vây kinh tế Nga. Những nỗ lực của Nga nhằm can dự vào một số quốc gia tương đối ôn hòa trong vấn đề cấm vận như Hungary, Hy Lạp và Cyprus là minh chứng cho nỗ lực này. Ukraine cũng đang vấp phải những căng thẳng về tài chính khi lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá hơn 40% trong vài tuần qua. Những vấn đề kinh tế này không chỉ tác động đến khả năng của Ukraine duy trì lâu dài cuộc xung đột quân sự ở phía Đông mà còn có nguy cơ đe dọa sự ổn định của chính phủ. Sự bất ổn này của Ukraine đã mang lại ưu thế cho Nga, tạo cho Moskva thêm đòn bẩy, bất chấp những yếu kém về kinh tế và cấm vận của phương Tây.

Có thể nói, tất cả những nhân tố trên đang định hình các cuộc đàm phán về nhiều vấn đề hơn giữa Nga và phương Tây. Thỏa thuận ngừng bắn dù là tín hiệu tích cực nhưng không phải là nhân tố quyết định để phá vỡ thế bế tắc giữa Nga và phương Tây.

Theo Stratfor

Trần Quang (gt)