Báo cáo của Đại hội Trung Quốc đã chỉ rõ “nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích biển của quốc gia, xây dựng cường quốc biển”. Đây là sự lựa chọn chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên cơ sở nắm bắt đặc điểm thời đại và trào lưu của thế giới, tổng kết sâu sắc lịch trình phát triển sự nghiệp biển của các quốc gia biển chủ yếu trên thế giới và của Trung Quốc, hoạch định toàn diện công tác của Đảng, của Nhà nước, có ý nghĩa hiện thực to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

Biển chiếm 71% diện tích bề mặt trái đất, gắn bó khăng khít với sự tồn tại của con người, cũng liên quan chặt chẽ tới sự hưng suy của quốc gia. Nhìn lại lịch sử thế giới một cách tổng quát, rất nhiều nước trên thế giới đều đã trải qua con đường dựa vào biển để trỗi dậy, nhờ vào biển để cường thịnh. Các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Mỹ trỗi dậy đều như thế cả. Bước vào thế kỷ 21, địa vị của biển trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao quốc tế lại càng rõ rệt hơn. Rất nhiều nước đều đi ra thế giới bằng tư thế mới mẻ như vậy. 

Trung Quốc vừa là nước lớn lục địa, cũng vừa là nước lớn về biển, trong lịch sử cũng đã từng sáng tạo ra nền văn minh biển ưu tú. Nhưng từ giữa thời kỳ nhà Minh, bởi vương triều phong kiến coi thường biển, xa lánh biển nên cuối cùng đã rơi vào cảnh bi thảm có biển nhưng không biết giữ, mất quyền mất nước. Sau khi thành lập nước Trung Quốc mới, dưới sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo trung ương như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ cẩm Đào, Tập Cận Bình, sự nghiệp biển của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, hiện đã đi vào thời kỳ phát triển tốt nhất trong lịch sử, đẩy nhanh xây dựng cường quốc biển đã trở thành tâm nguyện chung của mọi người con dân tộc Trung Hoa ở cả trong và ngoài nước. 

Mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển là quyết sách lớn được Trung ương Đảng đề ra trong giai đoạn mang tính quyết định xây dựng thành xã hội khá giả toàn diện ở Trung Quốc, là con đường làm giàu đất nước, dựa vào biển làm cho đất nước mạnh lên, người và biển hài hòa, hợp tác phát triển. Thực hiện mục tiêu nói trên đòi hỏi những người làm công tác biển và toàn thể xã hội có sự nỗ lực gian khổ lâu dài không mệt mỏi. Xuất phát từ tình hình hiện thực của Trung Quốc, nội hàm của cường quốc biển đặc sắc Trung Quốc cần bao gồm 5 phương diện là nhận thức về biển, sử dụng biển, sinh thái biển, quản lý biển và biển hài hòa. 

I- Nhận thức về biển 

Tìm hiểu nhận thức về biển là điều kiện tiên quyết để phát triển, sử dụng và bảo vệ biển. Quá trình tìm tòi, nhận thức về biển của con người không bao giờ có giới hạn. Chỉ có tìm hiểu một cách toàn diện, chuẩn xác, sâu sắc và nắm bắt được quy luật vận động của biển mới có thể đem lại căn cứ khoa học vững chắc để xây dựng cường quốc biển. 

1) Cần tăng cường nghiên cứu khoa học biển 

Nhằm trúng vấn đề khoa học tự nhiên lớn trong lĩnh vực biển, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu cơ sở, cố gắng có đột phá về sáng tạo trong nhận thức, có đóng góp cho tiến bộ của văn minh nhân loại. Lấy sáng tạo công nghệ để dẫn đường, nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển hóa công nghệ mang tính chất cơ sở, then chốt và đi trước một bước về biển. Tăng cường nghiên cứu gien sinh vật dưới biển sâu, nâng cao trình độ nghiên cứu công nghệ thăm dò biển. Tăng cường đột phá vào những công nghệ phòng chống thiên tai và giảm nhẹ thiên tai biển, nâng cao trình độ và tính chính xác về dự báo biển. Xây dựng cơ chế đảm bảo điều tra tổng hợp biển ở trạng thái thông thường, không ngừng làm phong phú, thay mới các số liệu và tư liệu cơ sở về biển. 

2) Đào tạo nhân tài chuyên môn về biển 

Đứng trước đòi hỏi bức thiết về nhân tài mà sự nghiệp xây dựng cường quốc biển đặt ra, phải nắm bắt tốt một cách có trọng điểm công tác đào tạo nhân tài mới về công nghệ biển, nhân tài kinh doanh, quản lý ngành biển, nhân tài nghiên cứu cơ sở về biển. Đẩy nhanh công tác giáo dục cao đẳng và phát triển giáo dục công nghệ ngành nghề biển, mở rộng đội ngũ nhân tài về biển, làm tối ưu hóa kết cấu nhân tài biển. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân tài mũi nhọn theo mô hình sáng tạo, hoàn thiện thể chế, cơ chế về công tác nhân tài biển. 

3) Tăng cường ý thức biển trong toàn dân tộc 

Mở rộng công tác văn hóa biển và tuyên truyền về biển, mở rộng diện phổ cập kiến thức về khoa học công nghệ biển, kinh tế biển và pháp luật biển, đào tạo, tích lũy và phát huy tinh thần biển. Phát triển sự nghiệp văn hóa biển mang tính công ích, phát triển ngành công nghiệp văn hóa biển phồn vinh, tạo nên kiệt tác về tuyên truyền, văn hóa biển, nỗ lực hình thành bầu không khí mang đậm tình cảm quan tâm đến biển, yêu quý biển và bảo vệ biển, không ngừng tạo thêm động lực tinh thần để xây dựng cường quốc biển. 

II- Sử dụng biển 

Khai thác và sử dụng biển một cách khoa học, hợp lý, phát triển mở mang kinh tế biển là tiêu chí quan trọng về văn minh tiến bộ của loài người, cũng là yêu cầu tất yếu để thực hiện phát triển bền vững môi trường tài nguyên biển. 

1) Nâng cao vai trò dẫn dắt quy hoạch và phân định ranh giới 

Trù tính chung cả đất liền và biển, hoàn thiện hệ thống phân định khu chức năng biển cấp quốc gia và cấp tỉnh, làm tốt quy hoạch phát triển ngành nghề biển, quy hoạch kinh tế biển, quy hoạch bảo vệ biển đồng thời với những quy hoạch khác, liên kết phối hợp giữa các khu quy hoạch. Tăng cường tổ chức, thực thi quy hoạch và phân định ranh giới giữa các khu, đồng thời tăng cường giám sát, nâng cao trình độ quản lý vĩ mô về khai thác sử dụng biển, tối ưu hóa bố cục không gian khai thác biển, khiến vai trò điều tiết của việc quy hoạch và phân định ranh giới biển được phát huy triệt để trong phát triển kinh tế, xã hội ở những khu vực ven biển. 

2) Nâng cao trình độ khai thác sử dụng biển 

Việc nâng cao trình độ khai thác, sử dụng biển xoay quanh một số mặt như: Cải tạo, nâng cấp ngành nghề biển, cải thiện, khắc phục những khó khăn, bế tắc gặp phải trong quá trình đào tạo con người, giúp đỡ ngành nghề biển mới nổi, mở rộng phối hợp giữa sản xuất, học tập, nghiên cứu, thúc đẩy phát triển kinh tế biển vừa tốt vừa nhanh; Sử dụng nguồn tài nguyên biển hiệu quả cao theo hướng tập trung chuyên sâu, đột phá vào những kỹ thuật then chốt như thăm dò và khai thác dầu khí biển, sử dụng tổng hợp nguồn nước biển; Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật biển, tập trung đột phá vào kỹ thuật đánh bắt cá biển, kỹ thuật nuôi trồng trong môi trường nước biển, kỹ thuật chăm sóc cây trồng có khả năng chịu mặn, làm cho tỉ lệ đóng góp của kỹ thuật trong khai thác sử dụng biển tiếp tục được nâng cao. 

3) Nâng cao khả năng điều tra đánh giá biển 

Quan tâm theo dõi, tăng cường nguồn dự trữ tài nguyên chiến lược của Trung Quốc, mở rộng không gian chiến lược phát triển quốc gia, làm tốt công tác thăm dò nguồn tài nguyên đại dương. Tích cực đẩy mạnh khảo sát khoa học ở Nam cực. Tiến thêm một bước đẩy mạnh phát triển kỹ thuật lặn sâu có người điều khiển, làm cho kỹ thuật này giữ được trình độ đi đầu thế giới. Nỗ lực nâng cao trình độ nội địa hóa sản xuất thiết bị thăm dò, khai thác sâu dưới đại dương, đẩy mạnh sản xuất thiết bị tác nghiệp dầu khí vùng nước sâu, nghiên cứu phát triển vật liệu thông dụng dưới biển sâu, nâng cao khả năng thiết kế và chế tạo những thiết bị hạng nặng khai thác biển sâu. 

III- Sinh thái biển 

Văn minh sinh thái biển là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong xây dựng văn minh sinh thái ở Trung Quốc, một nước Trung Quốc tươi đẹp gắn liền với biển tươi đẹp. Cần để cho văn minh sinh thái biển hòa nhập vào với xây dựng kinh tế, xây dựng chính trị, xây dựng văn hóa, xây dựng xã hội một cách tự giác trong toàn bộ quá trình xây dựng. 

1) Yêu cầu tổng thể về “sử dụng biển”.

Năm yêu cầu về sử dụng biển bao gồm: 

- Quy hoạch sử dụng biển, thực thi nghiêm túc phân định khu chức năng biển, nâng cao toàn diện tính khoa học và đón đầu nhìn xa trong quy hoạch khu chức năng biển;

- Tập trung chuyên sâu sử dụng biển, khuyến khích tập trung phát triển mô hình chuyên sâu thích hợp, nâng cao cường độ đầu tư cho tuyến bờ biển và diện tích sử dụng biển của đơn vị, nghiêm túc chấp hành chế độ quản lý kế hoạch vây lấp biển, xây dựng và kiện toàn cơ chế phối hợp thị trường hóa nguồn tài nguyên khu vực biển;

- Sử dụng biển sinh thái, phát triển sử dụng vùng biển theo phương thức tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, bảo vệ và duy trì chức năng cơ bản của hệ thống sinh thái biển Trung Quốc, bảo vệ những khu vực sinh thái biển quan trọng; 

- Sử dụng biển theo góc nhìn của khoa học công nghệ, nâng cao nhận thức về quy luật thay đổi của môi trường tài nguyên biển, đẩy mạnh chuyển hóa ứng dụng và ngành nghề hóa công nghệ biển then chốt, bồi dưỡng và xây dựng các cơ sở kiểu mẫu về ngành công nghiệp chấn hưng biển bằng khoa học công nghệ, ra sức phát triển các ngành nghề mới nổi mang tính chiến lược biển; 

- Sử dụng biển theo luật, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật pháp quy về quản lý sử dụng vùng biển, phê chuẩn cho phép sử dụng biển theo pháp luật, kiên quyết điều tra xử lý việc sử dụng biển trái pháp luật, hoặc phê chuẩn cho sử dụng biển trái pháp luật. 

2) Đẩy mạnh xây dựng các khu văn minh kiểu mẫu về sinh thái biển.

Kiểm soát hữu hiệu nguồn xả thải gây ô nhiễm ra biển, tăng cường xây dựng và quản lý các khu bảo hộ biển. Tăng cường giám sát, đánh giá môi trường biển, triển khai một cách có kế hoạch và có trọng điểm công tác củng cố, khôi phục các đường bờ biển, các hải đảo và môi trường biển bị tổn hại nghiêm trọng. Thông qua nhiều biện pháp như hành chính, luật pháp, kinh tế, từng bước hình thành kết cấu ngành nghề, phương thức phát triển và mô hình tiêu dùng có vai trò thúc đẩy xây dựng văn minh sinh thái biển.

IV- Quản lý kiểm soát biển 

Quản lý, kiểm soát biển một cách tổng hợp là đảm bảo quan trọng để xây dựng cường quốc biển. Ngoài lực lượng phòng vệ trên biển phù hợp với đặc điểm, tình hình đất nước, Trung Quốc còn phải tạo ra được cục diện quản lý kiểm soát tổng hợp bằng cách phối hợp vận dụng nhiều biện pháp về hành chính, pháp luật, kinh tế, kết hợp giữa trung ương và địa phương, chính phủ chủ đạo, xã hội tham gia. 

1) Hoàn thiện pháp luật, pháp quy về biển 

Trên cơ sở pháp luật pháp quy hiện hữu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật pháp quy về biển như: Khẩn trương cho ra đời “Luật biển cơ bản”; Tiếp tục đẩy mạnh “Luật bảo vệ môi trường biển” và chỉnh lý các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ kèm theo; Thúc đẩy tiến trình làm luật đối với “Điều lệ quản lý hoạt động Nam cực”, “Luật quản lý khu vực biển Bột Hải”, “Luật quản lý phát triển tài nguyên khoáng sản đại dương”, “Điều lệ bảo hộ các điểm cơ bản của lãnh hải”. 

2) Tăng cường quản lý biển tổng hợp 

Xây dựng thể chế quản lý hành chính biển và thể chế chấp pháp trên biển có quyền uy, hiệu quả cao, chức năng tương đối tập trung, thống nhất giữa quyền lợi và trách nhiệm, xem xét cả chấp pháp hành chính đối nội và chấp pháp bảo vệ chủ quyền đối ngoại, đảm bảo về mặt cơ cấu tổ chức để xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển. Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và trình độ dịch vụ trong sử dụng vùng biển và hải đảo, kiểm soát ô nhiễm biển, bảo vệ môi trường sinh thái. Nghiêm khắc điều tra, xử lý các hành động trái pháp luật, quy phạm trật tự khai thác, sử dụng biển.

3) Nâng cao khả năng chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển 

Tăng cường tuần tra chấp pháp định kỳ ở các khu vực biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc, hoàn thiện cơ chế chấp pháp phối hợp trên biển theo cơ cấu tam vị nhất thể giữa các lực lượng hải giám, quân đội và ngoại giao. Thúc đẩy một cách vững chắc công tác xây dựng ở các bãi, đảo trọng điểm thuộc Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa). Đảm bảo an ninh giao thông hàng hải, đảm bảo an ninh để giữ gìn và mở rộng lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Đi sâu nghiên cứu pháp lý và đối sách để mở rộng bảo vệ chủ quyền, lợi ích biển của Trung Quốc. Nâng cao trình độ hiện đại hóa cơ sở chấp pháp và trang bị chấp pháp bảo vệ chủ quyền, tiếp tục đẩy mạnh chế tạo tàu phá băng địa cực, tàu khảo sát đại dương và tàu hải giám. 

V- Hải dương hài hòa 

Xây dựng thế giới hài hòa, hòa bình lâu dài và cùng phồn vinh, đó là nguyện vọng chung của nhân dân các nước. Nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc tuy hết sức khó khăn nhưng Trung Quốc vẫn cố gắng làm cho biển trở thành biển hợp tác, biển hữu nghị giữa các nước ven biển.

1) Nắm vững phương châm ngoại giao biển hợp tác cùng thắng 

Dưới sự chỉ đạo của Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” và Quan điểm phát triển khoa học, xây dựng con đường phát triển ngoại giao biển hòa bình đặc sắc Trung Quốc với phương châm “thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng, hòa bình hữu nghị, hợp tác cùng thắng”. 

2) Mở rộng lĩnh vực hợp tác biển song phương và khu vực 

Trên cơ sở bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển quốc gia, trù tính cả hai cục diện lớn về bảo vệ chủ quyền và giữ gìn ổn định. Làm tốt công tác dự báo và giảm nhẹ thiên tai biển ở khu vực Biển Đông. Đẩy mạnh hợp tác với các nước cạnh Biển Đông và Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, khoa học công nghệ biển, sóng thần, bão biển, thủy triều, đào tạo chuyên gia về lĩnh vực biển cho các nước khác, quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước đang phát triển. 

3) Tham gia toàn diện các công việc biển quốc tế 

Tích cực tham gia các công việc liên quan đến biển của Liên hợp quốc, nâng cao năng lực tham gia hoạch định các quy tắc biển quốc tế và thảo luận công việc biển quốc tế, nắm bắt chính xác những thay đổi diễn ra trong trật tự biển quốc tế. Tham gia sâu hơn nữa công tác hoạch định và chỉnh lý các công ước, hiệp ước, quy tắc quốc tế trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, khai thác tài nguyên đáy biển, quản lý tài nguyên nghề cá, cứu hộ biển v.v.. Tích cực mở rộng hợp tác biển quốc tế và huấn luyện kỹ thuật với các nước và tổ chức quốc tế liên quan, nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc trong các công việc biển quốc tế. 

Nội hàm của cường quốc biển hết sức phong phú, không thể bất biến, mà sẽ phải bổ sung, hoàn thiện theo thực tiễn vĩ đại về xây dựng cường quốc biển. Hiện nay mục tiêu vĩ đại về xây dựng cường quốc biển đã được xác định, quảng đại những người làm công tác biển cần đoàn kết chặt chẽ xung quanh Trung ương Đảng do đồng chí Tập Cận Bình làm Tổng bí thư, tiếp tục nâng cao ý thức cấp bách, tinh thần trách nhiệm và ý thức về sứ mệnh trong công tác biển, khắc phục mọi khó khăn, hăng hái đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.

Theo CNOOC

Quốc Trung (gt)