Mạng Thời báo hoàn cầu ngày 21/4 đăng bài xã luận phân tích về những diễn biến căng thẳng đang tiếp tục leo thang giữa Trung Quốc và Philíppin xung quanh vụ đối đầu tại đảo Hoàng Nham, trong đó khẳng định Bắc Kinh cần chuẩn bị cho trận hải chiến quy mô nhỏ với Manila. Ông Trương Vũ Quyền, Giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Trung Sơn ở Trung Quốc, cho biết nhiều người nước ông đang hô hào cho việc “đánh Philíppin”. Trả lời phỏng vấn ban Hoa Ngữ, đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ông nói: "Những phát biểu của 'Thời báo Hoàn cầu' thật ra cũng đại diện cho ý kiến của một bộ phận tương đối lớn trong dân chúng. Trong quân đội Trung Quốc có rất nhiều người nghĩ rằng đã tới lúc cần tiến hành một cuộc chiến tranh qui mô nhỏ. Còn có một điều nữa là nếu quí vị chú ý thì quí vị sẽ thấy chẳng riêng 'Thời báo Hoàn cầu' mà các báo khác của Trung ương Đảng, như 'Nhân dân Nhật báo', tất cả đều nói tới việc Trung Quốc cần phải phát động chiến tranh nếu Philíppin có thái độ gây hấn quá mức". Giáo sư Hoàng Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu và Toàn cầu hóa của Đại học Quốc gia Xinhgapo, cũng có nhận định tương tự: "Ở Trung Quốc gần đây, cả chính phủ lẫn người dân đều cho rằng thái độ quá mềm yếu đối với vấn đề Biển Đôn) có thể gây ra những tác dụng tiêu cực. Tác dụng tiêu cực đó có thể gây bất ổn cho cục diện chính trị trong nước. Như quí vị đã biết, tại Trung Quốc gần đây xảy ra rất nhiều vụ việc không tốt, và có lẽ vì vậy mà họ muốn tìm cách phô trương một hình ảnh tốt đẹp nào đó". Giáo sư Hoàng Tĩnh cho rằng những áp lực từ những yếu tố chính trị quốc nội của cả Trung Quốc lẫn Philíppin làm cho tình hình khó giải quyết. Ông nói: "Nếu đặt mình vào vị thế của Philíppin chúng ta sẽ thấy Philíppin làm như vậy là hợp lý. Lý do thứ nhất là họ lâu nay vẫn xem vùng biển này là của mình, là Biển Tây Philíppin. Thứ hai là họ nghĩ rằng tàu đánh cá Trung Quốc liên tục vào hoạt động trong khu vực đặc quyền kinh tế của họ mà họ không có cách ngăn chặn hữu hiệu. Lý do thứ ba là tình hình nội bộ của Philíppin hiện nay cũng có vấn đề cho nên họ không thể nhượng bộ trong lĩnh vực ngoại giao. Họ cần phải tỏ ra cứng rắn".

"Trung Quốc bảo vệ chủ quyền tuyệt đối không được nương tay"

Ngày 18/4 tại Bắc Kinh, “Đại Công báo” đã tổ chức buổi “tọa đàm vấn đề Biển Đông” nhằm đánh giá về tình hình Biển Đông hiện nay và xu hướng trong tương lai. Khách mời là các chuyên gia quân sự và các chuyên gia về các vấn đề quốc tế hàng đầu Trung Quốc. Gồm có: Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Quỹ Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Trung Quốc Vương Ngung Sinh, Phó Thư ký Ủy ban Chính sách An ninh Quốc gia Hội Nghiên cứu Khoa học Chính sách Trung Quốc Bành Quang Khiêm, Ủy viên Chính hiệp Toàn quốc Lâm Gia Lai, Giáo sư Khoa Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc Thời Ân Hoằng, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Chiến lược Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh Lưu Giang Bình. Về tình hình đảo Hoàng Nham hiện nay, Bành Quang Khiêm nhấn mạnh, đảo Hoàng Nham (Philíppin gọi là bãi cạn Scarboroug) là phần kéo dài của lãnh thổ Trung Quốc, trước những năm 1990, cộng đồng quốc tế trong đó bao gồm cả Philíppin không có bất cứ văn kiện pháp lý nào nói rằng đảo Hoàng Nham thuộc về Philíppin. Nay Philíppin không thèm đếm xỉa gì đến chứng cứ lịch sử và pháp lý như vậy thì rõ ràng đây là hành động ăn cướp trắng trợn. Trong vấn đề đảo Hoàng Nham, Trung Quốc muốn lui cũng không thể, tuyệt đối không nhượng bộ. Đã là chủ quyền quốc gia thì một tấc đất cũng không được để mất. Bành Quang Khiêm cho rằng trong vấn đề đảo Hoàng Nham, Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với một nước Philíppin nhỏ bé mà là các loại mâu thuẫn đan xen với nhau, đằng sau là sự do thám của Mỹ đối với Trung Quốc. Ứng phó của Trung Quốc hiện nay là có lý, có lợi và cụ thể. Trung Quốc mặc dù nỗ lực theo đuổi giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, song không loại trừ thông qua tấn công mang tính cảnh cáo. “Không đánh thì thôi, đã đánh phải đánh thật đau. Trung Quốc không thể nóng giận bừa bãi, song cũng cần thể hiện sự nóng giận”. Thời Ân Hoằng cho rằng Trung Quốc và Philíppin “đối chọi nhau gay gắt”, cần làm tốt công tác chuẩn bị xung đột quân sự. Philíppin làm trước, Trung Quốc làm sau; Philíppin điều một tàu khu trục, Trung Quốc cũng phải điều một tàu khu trục; Philíppin đến chỗ nào, Trung Quốc cũng đến chỗ đó. Một khi khai chiến, cần đánh nhanh, quy mô nhỏ, mức độ thích đáng và giải quyết nhanh gọn. Thời Ân Hoằng nhấn mạnh, Philíppin trắng trợn như vậy là vì ỷ lại có Mỹ chống lưng. Trung Quốc cần đồng thời cảnh cáo Mỹ chấm dứt các hành động cổ vũ và xúi bẩy Philíppin, vấn đề Biển Đông là hòn đá thử vàng của quan hệ Trung-Mỹ; có các động tác uy hiếp đầy quyết tâm, uy hiếp Mỹ tuyệt đối không được can thiệp vũ trang. 

Vấn đề Biển Đông không thể gác lại mãi mà không giải quyết. Đại cục chiến lược của Trung Quốc không chịu nổi những tồn tại và nguy kịch quá lâu trong vấn đề Biển Đông hiện nay, cần đưa ra quyết tâm chiến lược và quả cảm chiến lược, cần tranh thủ lịch sử thông qua đàm phán đạt được điều ước song phương, giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách cơ bản. Vương Ngung Sinh cho rằng sự kiện đảo Hoàng Nham không là phải một sự kiện độc lập, nó liên quan mật thiết với tình hình quốc tế. Ý đồ can thiệp vào Biển Đông của Mỹ có thể khái quát là “không còn cách nào mới hợp tác, không chịu nổi mới kiềm chế”. Vấn đề Biển Đông đã bộc lộ cực kỳ rõ ràng ý đồ của Mỹ trong việc bao vây và kiềm chế Trung Quốc. Trước tình hình này, Trung Quốc đầu tiên cần lấy nhu khắc cương, Mỹ tuy to mồm như vậy song thực chất không đủ sức. Trung Quốc cần vững vàng, bình tĩnh quan sát, thận trọng đối phó, dần dần làm mất nhuệ khí của Mỹ. Lâm Gia Lai cho rằng cốt lõi của giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay là “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Theo thống kê của các chuyên gia, Biển Đông có tổng cộng hơn 1.800 giếng dầu. Việt Nam, Philíppin, Brunây, Inđônêxia đều đã hợp tác với các công ty nước ngoài thăm dò khai thác dầu khí, trong khi các công ty dầu lửa lớn của Trung Quốc không có công ty nào hợp tác với đối tác nước ngoài. Nếu như có thể cùng các công ty các nước xung quanh Biển Đông khai thác các giếng dầu thì mới thực sự làm được việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Liên quan vấn đề xây dựng hải quân, Lâm Gia Lai kiến nghị với Trung ương rằng Trung Quốc cần có biên đội tàu sân bay, cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho hải quân. Hải quân Trung Quốc trước đây chủ yếu là phòng thủ, bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc, nay xem ra cần thành lập hạm đội viễn dương, đồng thời tính toán xây dựng căn cứ quân sự ở bên ngoài. Lưu Giang Bình cho biết lực lượng chấp pháp của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông có hải quân, hải giám và ngư chính…, cần thống nhất nghiên cứu điều chỉnh các lực lượng này phối hợp với nhau thế nào để cùng ứng phó với các sự kiện đột xuất có thể xảy ra để hậu quả phải gánh chịu là thấp nhất. Cần đánh giá đầy đủ mỗi chi tiết của xung đột, mỗi quá trình, dự liệu 2-3, thậm chí 4 phương án, chuẩn bị cơ sở tốt cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Quân đội Trung Quốc cảnh báo chiến tranh tại Biển Đông

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày 21/4 cảnh báo Mỹ rằng các cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ-Philíppin làm dấy lên nguy cơ đối đầu có vũ trang xung quanh Biển Đông đang có tranh chấp. Bài xã luận trên "Giải phóng quân báo", cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc, khẳng định: “Bất kỳ ai có đôi mắt tinh tường đều nhìn thấy từ lâu rằng đằng sau những cuộc tập trận, là bóng dáng của một thứ tâm lý sẽ lôi vấn đề Biển Đông xuống một lối rẽ dẫn đến đối đầu quân sự và giải quyết thông qua lực lượng vũ trang”. Tác giả bài báo nêu đích danh Mỹ là thủ phạm khiến cho tình hình căng thẳng: “Thông qua kiểu xen vào và can thiệp đó, Mỹ sẽ chỉ khuấy động thêm tình hình, làm cho toàn bộ Biển Ðông ngày càng hỗn loạn, và điều đó chắc chắn sẽ có tác động lớn cho hòa bình và ổn định khu vực”. Theo giới quan sát, bài xã luận trên "Giải phóng quân báo" đương nhiên không phải là một tuyên bố chính thức của chính phủ. Thế nhưng đây là lời cảnh cáo dữ dội nhất được Bắc Kinh tung ra liên quan đến tình hình căng thẳng nảy sinh với Philíppin trong những ngày qua tại khu vực bãi đá Scarborough ở Biển Đông (người Philíppin gọi là Panatag trong khi người Trung Quốc đặt tên là Hoàng Nham). Từ trước đến nay, Manila coi bãi đá không người ở này thuộc chủ quyền của mình vì nằm trong vùng đặc quyền 200 hải lý của Philíppin, chỉ cách hòn đảo chính Luzon khoảng 124 dặm. Thế nhưng, nhân danh chủ quyền lịch sử, Bắc Kinh đã đòi chủ quyền trên bãi đá này, cũng như trên gần toàn bộ vùng Biển Đông. 

Tình hình tranh chấp đã căng thẳng hẳn lên sau khi Philíppin cho tàu chiến chặn xét tàu đánh cá Trung Quốc trong khu vực, kéo theo phản ứng cứng rắn của Trung Quốc đưa tàu hải giám đến can thiệp. Sau đó Manila đã hòa dịu, nhưng Bắc Kinh tiếp tục thị uy, và ngày 20/4 đã cử thêm chiếc tàu ngư chính thuộc loại hiện đại nhất của mình đến khu vực. Lời cảnh báo về nguy cơ xung đột vũ trang do đó được cho là nhằm đe dọa Philíppin đang căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng đó cũng là một lời cảnh báo nhằm vào Mỹ, chỗ dựa chủ chốt của Philíppin hiện nay về mặt quân sự. Bài xã luận cũng không ngần ngại đả kích chiến lược tăng cường tiềm lực của Mỹ tại châu Á, cho rằng để thực hiện chiến lược quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã lợi dụng các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Philíppin và các nước khác tại Biển Đông. Cũng liên quan đến căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh, cựu Thiếu tướng Lạc Viên, ủy viên cơ quan tư vấn chính trị Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Nhà nước cũng đưa ra những lời tuyên bố mạnh mẽ, nói rằng hải quân Trung Quốc đã có thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn, nhưng nếu phía Philíppin có những hành động mà ông ta gọi là khác thường, lúc đó hải quân Trung Quốc sẽ không ngồi yên.Viên tướng này cũng từng nói rằng chiến lược của Mỹ chỉ nhằm mục đích “bao vây Trung Quốc”, bằng cách mở rộng quan hệ quân sự với Ôxtrâylia và các nước Đông Nam Á.Vậy lời cảnh cáo trên báo quân đội Trung Quốc đáng ngại đến mức nào? Giới quan sát cho rằng trong quá khứ, thành phần diều hâu tại Trung Quốc vẫn thường tỏ rõ giọng điệu hiếu chiến. Thế nhưng ngay sau đó, những tiếng nói này đã lập tức bị chính quyền trung ương kiềm chế. Lần này, kịch bản hoàn toàn có thể được giữ nguyên vì lẽ vào lúc Đảng Cộng sản đang trong giai đoạn thay đổi lãnh đạo, phương châm của chính quyền là duy trì tình trạng ổn định trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt là đối với Mỹ.

“Mỹ - Trung có thể chơi bài ngửa tại Biển Đông được không ?”

Theo Trung Quốc thời báo ngày 23/04, Cuộc diễn tập quân sự trên biển giữa hai bên Trung - Nga kéo dài 5 ngày kể từ ngày 22 và cuộc diễn tập quân sự Mỹ - Việt kéo dài 5 ngày cũng tiến hành sát vào ngày 23. Được biết, phía Mỹ nói rằng đây là cuộc huấn luyện phi chiến đấu với các nội dung như hoa tiêu trên biển, sửa chữa, kỹ xảo hàng hải..., nhưng phía Mỹ lại cử Soái hạm Blue Ridge, tàu khu trục tên lửa Safeguard thuộc Hạm đội 7 tham dự diễn tập. Điều này thể hiện ý “phi chiến đấu” ? Chiến hạm Mỹ cập cảng Đà Nẵng - căn cứ quân sự của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam khiến người ta không còn nghi ngờ việc Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc và nối lại hợp tác với Việt Nam, hoặc có thể nói là liên kết với kẻ thù cũ để đối phó với kẻ thù mới. Còn đối với việc Mỹ liên kết với Philippines thì càng rõ ràng hơn. Mỹ can dự vào Biển Đông chẳng chút ngượng nghịu, dứt điểm trở thành một phần tử hoạt động tại khu vực biển Đông. Kể từ sau khi Trung Quốc tuyên bố có lợi ích cốt lõi tại biển Đông, cũng là lúc Mỹ bắt đầu can dự, không những không sợ Trung Quốc cảnh cáo, mà còn càng có ý chọc ngoáy, nhìn dáng vẻ của Mỹ như vậy nên Việt Nam và Philippines càng được thể, không đếm xỉa gì đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc phản ứng ra sao ? hiện nay vẫn chưa rõ và dư luận cũng có tranh cãi. Phái thỏa hiệp cho rằng, muốn đuổi Mỹ ra khỏi biển Đông là điều không thể, một khi đã không thể đánh nhau với Mỹ tại biển Đông thì chỉ còn cách là đàm phán song phương với Mỹ về biển Đông. Đàm phán được với Mỹ, Mỹ giải quyết được tận gốc vấn đề, Việt Nam và Philippines mới bình lặng trở lại, hoặc nếu không, bản thân Mỹ không cần ra tay nhưng cũng vẫn có thể khiến cho Trung Quốc phải ứng phó đến cùng và rồi lôi kéo được những nước này về phía mình, đối địch lâu dài với Trung Quốc. Phái cứng rắn thì cho rằng, vấn đề biển Đông sở dĩ như hiện nay bởi vì Trung Quốc quá mềm yếu, cho dù đã tuyên bố biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình nhưng lại không áp dụng biện pháp bảo vệ nào, và bị coi là Hổ giấy, khiến cho một nước nhược tiểu như Philippines cũng dám đứng lên ra oai. Điều này chẳng phải là ỷ thế Mỹ sao ? Nếu Trung Quốc không chơi bài ngửa với Mỹ về vấn đề này thì sẽ không thể có được kết quả tốt đẹp. Đòn đánh thẳng vào Việt Nam và Philippines chính là Trung Quốc chơi bài ngửa với Mỹ.


Xung quanh khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực trừng phạt Philíppin

Trang tin "Đa chiều" ngày 18/4 cho biết vào ngày 17/4, Philíppin đã cử tàu cảnh sát biển tới thay thế tàu chiến, tiếp tục đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarboroug (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham). Cho dù phía Philíppin nói rằng họ mong muốn giải quyết cuộc đối đầu bằng biện pháp hòa bình, nhưng có nhà phân tích chỉ ra rằng cùng với việc làm dấy lên sự đối đầu với Trung Quốc, tiến hành lôi bè kết phái “cô lập” Trung Quốc, mong muốn hòa bình giải quyết của Philíppin chỉ là “giấy trắng”. Đối với Trung Quốc, nếu xem xét từ việc nước này có thái độ ngày càng cứng rắn với Philíppin, sẽ thấy Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực để trừng phạt hành vi “đùa với lửa” của Manila, làm gương cho các nước tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông không an phận. Theo "Đa chiều", gần đây, Philíppin không ngừng có những động thái nhỏ ở Biển Đông. Vào cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Philíppin tuyên bố sẽ xây dựng cảng và đường băng trên đảo Pagasa (đảo Thị Tứ của Việt Nam, Trung Quốc gọi là đảo Trung Nghiệp), đảo lớn thứ hai thuộc quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 4 này, tàu chiến của Philíppin đã đối đầu với tàu cá và tàu hải giám của Trung Quốc và khi sự kiện đối đầu giữa hai bên chưa được giải quyết, Philíppin lại cử tàu khảo cổ tiến vào khu vực tranh chấp ở đảo Hoàng Nham triển khai cái gọi là “hoạt động khảo cổ”. Các động thái nhỏ của Philíppin đã làm dấy lên căng thẳng giữa nước này và Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông. Có thể Philíppin đã ý thức được sự “nhỏ yếu” của bản thân, nên ngoài việc liên tục có các động thái nhỏ, nước này còn tiến hành lôi bè kết phái, cố tình lợi dụng Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 ép buộc các nước ASEAN không liên quan tới tranh chấp Biển Đông như Thái Lan và Inđônêxia bày tỏ thái độ, mưu đồ “đánh hội đồng” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, thực hiện ASEAN hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Đồng thời, Philíppin còn vẫy cờ kêu gọi Mỹ can dự vào Biển Đông, thậm chí còn tiến hành diễn tập quân sự chung với Mỹ tại khu vực Biển Đông từ ngày 16/4 tới ngày 27/4. Trước hành động “được đằng chân lân đằng đầu” của Philíppin, Trung Quốc - nước luôn chủ trương “giải quyết hòa bình” vấn đề Biển Đông - cũng bắt đầu tức giận. Ban đầu, Trung Quốc chỉ sử dụng tàu hải giám đối đầu với tàu chiến của Philíppin đang vây chặn tàu cá của Trung Quốc để cho thấy phía Trung Quốc trước sau đều mong muốn “giải quyết hòa bình” vấn đề Biển Đông.

Nhưng trong thời gian đối đầu, việc tàu khảo cổ của Philíppin tới “can dự”, Philíppin tiến hành diễn tập quân sự chung với Mỹ, đã khiến phía Trung Quốc cảm thấy phía Philíppin “ngang ngược không thay đổi”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần nhắc lại lập trường của phía Trung Quốc. Giờ đây, khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đích thân tiến hành điều tra nghiên cứu việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu phòng vệ bờ biển tại Quảng Đông và Quảng Tây, điều đó cho thấy Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Hiện nay, làn sóng kêu gọi khai chiến với Philíppin trong dân chúng Trung Quốc ngày càng tăng, trên các trang mạng bắt đầu lan truyền cách nói “dùng một quả tên lửa đạn đạo giải quyết Philíppin”. Theo báo "Quân Giải phóng" của Trung Quốc ngày 17/4, vào mùa xuân năm 2012, mấy chục chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc thuộc một trung đoàn không quân, hải quân Trung Quốc đã cất cánh khẩn cấp, tiến hành diễn tập tấn công tầm xa, mô phỏng hành động oanh tạc mục tiêu của kẻ địch. Vào ngày 18/3 vừa qua, hai chiếc trực thăng thuộc một lữ đoàn không quân, lục quân Trung Quốc đã mang theo một phân đội tuần tra lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tuần tra phòng vệ bờ biển tại vùng biển thuộc quần đảo Vạn Sơn (còn gọi là quần đảo Ladrones hoặc quần đảo Thieves) ở Biển Đông. Việc máy bay trực thăng thuộc lực lượng không quân, hải quân tiến hành tuần tra phòng vệ bờ biển có thể hình thành mô hình trinh sát, quản lý, giám sát đa chiều: trên không, trên mặt đất và trên biển; nâng cao năng lực quản lý kiểm soát biên giới biển. Theo "Đa chiều", có nhà phân tích chỉ ra rằng các “động thái nhỏ” của những nước xung quanh xuất phát từ tranh chấp Biển Đông ngày một nghiêm trọng. Khi tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philíppin được coi là “lần đối kháng nghiêm trọng nhất”, phía Trung Quốc cần phải cảnh cáo các nước xung quanh liên quan tới tranh chấp Biển Đông. Cho dù các nước tuyên bố chủ quyền Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, đều hy vọng “giải quyết hòa bình” vấn đề Biển Đông, nhưng đối với những quốc gia tự ý chơi trò “động thái nhỏ”, thậm chí còn “đùa với lửa”, Bắc Kinh có thể áp dụng sách lược dùng vũ lực trừng phạt đối với Philíppin để cảnh tỉnh các nước “không an phận” khác.

Truyền thông Hồng Công hiến kế “lập uy” tại Biển Đông

Theo báo "Đông phương Buổi sáng" của Hồng Công ngày 16/4, trong cuộc đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Philíppin tại đảo Hoàng Nham thuộc vùng tranh chấp ở Biển Đông (Philíppin gọi là bãi cạn Scarborough), toàn bộ số tàu cá của Trung Quốc đã được rút đi an toàn, phía Philíppin không thể thu giữ được số cá bắt được trên tàu Trung Quốc. Bề ngoài, Trung Quốc đã thành công trong việc bảo vệ quyền lợi của ngư dân, nhưng trên thực tế đã bị “mất mặt”. Bởi dù sao Trung Quốc vẫn là nước lớn thứ hai thế giới về kinh tế, mạnh thứ ba thế giới về quân lực, nhưng lại phải cầu toàn trước một Philíppin nhỏ yếu. Nhằm vãn hồi thể diện, Trung Quốc không thể để sự kiện đối đầu tại đảo Hoàng Nham trôi đi dễ dàng mà nhân dịp này phải lập uy tại Biển Đông, nhanh chóng tiến hành diễn tập quân sự bắn đạn thật quy mô lớn tại “đường chín đoạn” phía Trung Quốc, gần Philíppin, với sự tham gia của cả ba quân chủng hải, lục, không quân. Giai đoạn một là điều động hơn 10 chiếc tàu chiến cỡ lớn, gồm tàu Trung Hoa Thần Tuẫn hiện đại nhất, tàu đổ bộ tiên tiến nhất và tàu ngầm hạt nhân… tiến hành duyệt binh trên biển, đồng thời phái máy bay chiến đấu loại mới tiến hành diễn tập ở vùng trời phía trên Biển Đông. Giai đoạn hai là cử lực lượng thủy quân lục chiến tới gần đảo Hoàng Nham tiến hành diễn tập thực binh bảo vệ đảo. Giai đoạn ba là tổ chức cho lực lượng Pháo binh II (tên lửa chiến lược) và không quân tiến hành diễn tập tấn công tầm xa thể hiện năng lực mạnh mẽ trong việc ngăn chặn can dự bên ngoài. Việc tiến hành diễn tập là nhằm chứng minh Trung Quốc không phải không có năng lực đánh bại hoàn toàn Philíppin, mà chỉ là không muốn nổ phát súng đầu tiên, nghĩ tới toàn cục và thể hiện tâm nguyện hòa bình của Trung Quốc trước thế giới. Nếu Philíppin tiếp tục “được đằng chân lân đằng đầu”, ức hiếp người quá đáng, Trung Quốc sẽ “tiên lễ hậu binh”, hậu quả đối với Philíppin ra sao không cần nói cũng biết trước. 

Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, báo "Thái Dương" của Hồng Công cùng ngày cho rằng sớm muộn thì cuộc chiến Biển Đông sẽ xảy ra, đánh muộn không bằng đánh sớm, trận nhỏ không bằng trận lớn. Trung Quốc không được sợ chiến tranh, cần nắm lấy cơ hội này dạy Philíppin một bài học, thu hồi lãnh thổ Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể thực hiện kế sách “đánh chìm tàu” tại đảo Hoàng Nham. Cụ thể là chính quyền dám làm, phối hợp với ngư dân, đưa hơn 10 chiến tàu cá tới bãi san hô ở đảo Hoàng Nham đánh chìm, sau đó chính quyền bồi thường cho ngư dân tàu mới. Bước tiếp theo là vận chuyển xi măng sắt thép tới đây xây nhà giàn và để thực hiện kiểm soát lâu dài, thậm chí có thể đưa một chiếc tàu hải giám tới thường trực tại đảo Hoàng Nham, khiến Philíppin mất quyền kiểm soát thực tế, chờ cơ hội thu hồi đảo Trung Nghiệp (đảo Thị Tứ của Việt Nam). Theo "Thái Dương", đảo Hoàng Nham thuộc quần đảo Trung Sa, đảo Thị Tứ là đảo lớn thứ hai thuộc quần đảo Trường Sa, trên đảo có sân bay. Một khi thu hồi được đảo Hoàng Nham, đảo Thị Tứ, cộng thêm đảo Thái Bình (đảo Ba Bình của Việt Nam) do Đài Loan kiểm soát, thế chân vạc được hình thành và lúc đó Trung Quốc mới có thể đứng vững chân, tiếp tục ép Việt Nam phải “trả lại” cho Trung Quốc 29 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Truyền thông Hồng Công kêu gọi hai bờ Eo biển Đài Loan hợp tác trong vấn đề Biển Đông

Nhật báo "Đông Phương" (Hồng Công) ngày 19/4 cho rằng cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philíppin tại bãi cạn Scarboroug (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) đã bước sang tuần thứ hai, nhưng Bắc Kinh vẫn án binh bất động, làm mất mặt nước lớn. Cũng đúng vào lúc này, dư luận Đài Loan lại lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh không nên “ôn hòa, tốt bụng, tiết kiệm và nhân nhượng” trong việc bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Có học giả còn chủ trương hai bờ eo biển nên bắt tay trong vấn đề Biển Đông, chống lại sự xâm nhập và tiến công của Philíppin và Việt Nam, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau về quân sự. Theo tờ báo, hành vi khiêu khích “được đằng chân lân đằng đầu” của Philíppin đã làm dấy lên sự phẫn nộ của người Trung Quốc ở trong và ngoài nước. Báo "Liên hợp" của Đài Loan mới đây đã phát bài bình luận chỉ rõ rằng bảo vệ Biển Đông không cần phải “ôn hòa, tốt bụng, tiết kiệm và nhân nhượng”, yêu cầu Chính quyền Đài Loan phải đưa kế hoạch tác chiến và diễn tập bảo vệ các đảo, quần đảo ngoài khơi như Trung Sa, Hoàng Sa, Đông Sa và Trường Sa vào trong chương trình diễn tập Hán Quang hàng năm. Trước sự hối thúc của dư luận, Chính quyền Đài Loan không thể làm ngơ, biểu thị sẽ tăng cường việc tuần tra tại Biển Đông. Biển Đông có tổng cộng hơn 100 đảo bãi. Tuy Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng lại không thể thực thi được sự quản lý hữu hiệu, ngư dân Trung Quốc thậm chí không ngừng bị lực lượng cảnh sát biển, quân đội Philíppin và Việt Nam truy đuổi, bắt giữ. Điều không thể chịu đựng được nhất là Việt Nam hiện có hơn 1.000 giếng dầu ở Biển Đông, trong khi đó hai bờ không có lấy một giếng dầu. Cục diện Biển Đông bị chia cắt và xâm chiếm có thể nói là khiến nhân dân hai bờ trên hổ thẹn với tổ tiên, dưới hổ thẹn với con cháu. Kỳ thực, việc hai bờ bắt tay bảo vệ Biển Đông không chỉ có cơ sở lịch sử, mà còn có cả nhu cầu lợi ích hiện thực và điểm tựa để bắt đầu. Đài Loan đang nắm trong tay đảo Thái Bình (đảo Ba Bình của Việt Nam).

Đây là hòn đảo lớn nhất ở Biển Đông và cũng là hòn đảo duy nhất thuộc quần đảo Trường Sa có nước ngọt. Điều quan trọng hơn là đảo Ba Bình có đường băng, máy bay vận tải cỡ lớn có thể cất, hạ cánh. Vị trí chiến lược của đảo Ba Bình rất quan trọng, nếu lấy đảo Ba Bình làm căn cứ, máy bay cất, hạ cánh ở đây có thể khống chế toàn bộ bầu trời Biển Đông, vai trò chiến lược của nó lớn hơn nhiều so với đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm của Việt Nam) cũng ở Biển Đông mà Trung Quốc đang kiểm soát. Ở một ý nghĩa nào đó, đảo Ba Bình giống như một chiếc tàu sân bay không bao giờ chìm tại Biển Đông, ai nắm quyền kiểm soát đảo Ba Bình, người đó sẽ cầm trong tay chìa khóa giải quyết vấn đề Biển Đông.Quan trọng hơn là đảo Pagasa (đảo Thị Tứ của Việt Nam, Trung Quốc gọi là đảo Trung Nghiệp) lớn thứ hai ở Biển Đông đang nằm trong tay Philíppin và đảo này khá gần đảo Ba Bình. Philíppin có kế hoạch xây dựng cầu cảng và tu sửa đường băng dài 1,3 km trên đảo Thị Tứ. Nếu hai bờ eo biển bắt tay với nhau, Philíppin về căn bản không thể đứng vững chân ở đảo Thị Tứ. Tháng 4/2011, Chính quyền Mã Anh Cửu đã cử đội tuần tra biển được huấn luyện kỹ năng hải quân lục chiến trở lại đảo Ba Bình và trang bị vũ khí hạng nặng ở đây nhằm đối phó với tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp. Dù vậy, chiến lược của Mã Anh Cửu tại Biển Đông vẫn chỉ là phòng thủ, tức là thủ giữ đảo Ba Bình, chứ không phải là chiến lược tấn công và càng không có một chương trình chiến lược hợp tác giữa hai bờ, cùng bảo vệ lãnh hải. Điều này khiến người ta cảm thấy đáng tiếc. Nguyên nhân là Chính quyền Đài Loan lo lắng hợp tác với Đại lục sẽ chọc tức Mỹ và các nước xung quanh Biển Đông. Lâu nay, Chính quyền Đài Loan tuy không ngừng tuyên bố có chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng xuất phát từ áp lực của Mỹ và hy vọng tranh thủ sự ủng hộ của các nước xung quanh để mở rộng không gian quốc tế, nên luôn “thấp giọng” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, cố tình né tránh tranh chấp liên quan, không muốn bắt tay với Đại lục. Đây rõ ràng là sự thể hiện của tư tưởng hủ lậu “thà tặng người ngoài hơn là dành cho người trong nhà”. Giao lưu kinh tế thương mại giữa hai bờ tiến lên từng ngày, nhưng hợp tác an ninh quân sự lại giậm chân tại chỗ. Từ tình trạng này, tờ báo đặt câu hỏi: “Tại sao hai bờ không bắt tay hợp tác trong vấn đề Biển Đông, hướng nòng súng về một phía, cùng bảo vệ di sản của tổ tiên, tận lực giữ gìn đất đai cho đời sau?"

Lê Sơn (gt)