Ngày 11/7, phát biểu tại hội thảo, ông Michael Fuchs, phó Trợ lý NT Mỹ đặc trách Đông Á và khu vực Thái Bình Dương đã bày tỏ mối quan ngại rất lớn đối với “tình trạng ngày càng dễ đổ vỡ” tại Biển Đông, khi Trung Quốc - quốc gia ngày càng có các đòi hỏi độc đoán - đối đầu với 5 quốc gia láng giềng Đông Nam Á trong các tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo, cũng như các khu vực giầu tài nguyên khoáng sản và hải sản tại Biển Đông. Ông đã đưa ra đề nghị các bên tranh chấp ngưng mọi hoạt động xây dựng mới, nhằm thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Ông cho biết Mỹ sẽ thúc đẩy đề nghị này tại cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN vào tháng 8 tới. Cụ thể là các nước tranh chấp cần ngừng xây dựng các cơ sở mới hay mở rộng các căn cứ đã có tại “các vị trí tiền tiêu” hiện tại.

Theo giới chức BNG Mỹ, việc ngưng xây dựng các cơ sở mới tại những vùng tranh chấp ở Biển Đông sẽ cho phép giảm căng thẳng và tạo điều kiện cho việc đàm phán nhằm thông qua Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), để bảo đảm các mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN được giải quyết thông qua con đường pháp lý.

Phản ứng trước phát biểu của ông Michael Fuchs, ngày 12/7 NPN/BNG Đài Loan Cao An khẳng định “Bất kể từ góc độ lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế, quần đảo Nam Sa (Trường Sa), quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Đông Sa và các vùng nước xung quanh đều thuộc chủ quyền lãnh thổ của Đài Loan. CP Đài Loan kiên trì nguyên tắc cơ bản “Chủ quyền tại ngã, gác tranh chấp, hòa bình cùng có lợi, cùng khai thác” cùng các nước khác duy trì hòa bình ổn định khu vực. CP Đài Loan kêu gọi các bên kiềm chế, thông qua hiệp thương đối thoại, giải quyết hòa bình tranh chấp Nam Hải (Biển Đông), cùng thúc đẩy hòa bình ổn định và phát triển khu vực”.

Trong khi đó, báo The Straits Times (Singapore) nhận xét rất nhiều chuyên gia Mỹ tham gia cuộc hội thảo đều đã kêu gọi Washington có những phản ứng cứng rắn hơn để chống lại các hành vi xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hầu hết các diễn giả cuộc hội thảo đều có những lời lẽ cứng rắn đối với Bắc Kinh, đề nghị Mỹ tiến hành một chiến dịch phô trương uy lực một cách có tính toán, và dự trù các biện pháp nhằm bắt Trung Quốc phải trả giá cho mỗi hành động khiêu khích. Các động thái mà Mỹ cần có bao gồm việc tăng cường các chuyến bay trinh sát công khai trên các khu vực tranh chấp, để cho lực lượng Trung Quốc thấy rõ, cung cấp trang thiết bị cho các đồng minh, cử tàu chiến Mỹ ghé nhiều cảng hơn trong khu vực, và tăng gia số lượng các cuộc tập trận đang được thực hiện trong vùng.

Theo The Straits Times, diễn giả đầu tiên của cuộc hội thảo - HNS Mike Rogers - là người đã khai pháo chống Trung Quốc. Theo ông, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã lộ rõ nguyên hình là những hành vị “xâm lược tham lam”. Ông cảnh báo là thái độ bất động trước các hành vi đó sẽ mang lại “một cái chết do hàng ngàn vết cắt”. Đối với chính khách này, chính quyền Mỹ không được quyền chần chừ mà phải “trực tiếp hơn… bạo dạn hơn…, và cần phải thúc giục bạn bè và đồng minh của Mỹ trong khu vực trực tiếp hơn và cứng rắn hơn” trong đối sách chống Trung Quốc.

Là Chủ tịch Ủy ban phụ trách việc giám sát hoạt động tình báo của Mỹ, ông Rogers đã tỏ ý tiếc là Washington cho đến nay, đã tỏ ra quá nhún nhường đối với Bắc Kinh: “Đứng trên góc độ ngoại giao, chúng ta đã bỏ qua nhiều thứ cho Trung Quốc, điều mà chúng ta không bao giờ lượng thứ cho bất kỳ quốc gia nào khác.”.

Tiến sĩ Patrick Cronin, GĐ cao cấp thuộc Chương trình An ninh CÁ-TBD tại Trung tâm về một nền An ninh Mới của Mỹ, cũng bảo vệ một quan điểm cứng rắn tương tự, cho rằng Mỹ hiện đã nghiêm túc hơn trong việc áp dụng các chiến lược “áp đặt chi phí” - tức là các động thái nhằm răn đe Trung Quốc, chống lại chiến lược gọi là “ép buộc thích ứng” của Bắc Kinh. Theo ông Cronin, cho đến nay, các hành vi thúc ép của Trung Quốc đều tránh mang tính chất quân sự lộ liễu, đồng thời Bắc Kinh cảnh cáo các láng giềng là nếu muốn có quan hệ thương mại tốt đẹp với Trung Quốc, thì phải nhường cho Trung Quốc quyền kiểm soát rộng rãi hơn trong lãnh vực an ninh và tài nguyên…

Theo The Straits Times, tại cuộc hội thảo, Trung Quốc cũng bị cực lực chỉ trích về thái độ không chấp nhận đưa bất kỳ vấn đề tranh chấp nào ra trước một tòa án quốc tế. Cho dù vậy, nhật báo Singapore cho rằng nhân cuộc hội thảo, dù kêu gọi chính quyền Mỹ có hành động cứng rắn hơn, các chuyên gia cũng rất hoài nghi về khả năng Washington làm hơn là việc chỉ tuyên bố cứng rắn.

Đánh giá về phản ứng của cá diễn giả từ Trung Quốc, theo quan sát thì các diễn giả Trung Quốc hầu như hoàn toàn bị cô lập khi họ lặp lại những lập luận cũ và bị các diễn giả khác bác bỏ. Theo quan sát, lập trường của các diễn giả Trung Quốc không những không đổi, mà năm nay dường như còn cứng rắn hơn.

Ngày 14/7, China Daily đăng ý kiến của giáo sư Sở Thụ Long Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc cho rằng Mỹ có thái độ “thiên vị” trên vấn đề Biển Đông để phản ứng trước các lời cáo buộc Trung Quốc hiếu chiến tại Biển Đông, được hầu hết các chuyên gia nêu lên nhân hai ngày hội thảo. Theo bài báo, tại cuộc hội thảo, các diễn giả ở Mỹ, hay đến từ các nước Nhật Bản, Việt Nam và Philippines đã “điểm mặt Trung Quốc” về các hành động “khiêu khích”, “hung hăng”, “bức hiếp” và “làm thay đổi hiện trạng”. Những cáo buộc này, theo bài báo, đã khiến cho ông Sở Thụ Long cảm thấy khó chịu vì ông cho rằng chính chiến lược xoay trục của Mỹ qua vùng châu Á – Thái Bình Dương, “đặc biệt kể từ bài phát biểu của NT (Hillary) Clinton tại Hà Nội vào tháng Bảy năm 2010”, đã làm căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

Để chứng minh thái độ thiên vị của Mỹ, vị giáo sư Trung Quốc đã nêu bật rằng trong hai ngày hội thảo tại Trung tâm CSIS, không có một quan chức Mỹ nào nói về các hành vi sai trái của các nước khác, ngoại trừ Trung Quốc. Tại cuộc hội thảo, vị giáo sư này nói tiếp chỉ thấy chiếu hình ảnh về các công trình xây dựng do Trung Quốc thực hiện trên các bãi đá hay rạn san hô ở Biển Đông mà không thấy hình ảnh công trình của các nước khác. Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc bức hiếp láng giềng, nhưng đối với ông Sở Thụ Long, việc Washington gia tăng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc đe dọa sử dụng vũ lực hay bức hiếp.

Điểm qua các ý kiến được ông Sở Thụ Long nêu lên, giới phân tích đều thấy rõ đó chỉ là tập hợp các quan điểm chính thống của chính quyền Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, China Daily dẫu sao cũng thừa nhận một thực tế: Lập trường bênh vực Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông rất hiếm hoi khi phải kết luận rằng giáo sư Sở Thụ Long “có lẽ hơi đơn độc trong số các diễn giả tại cuộc hội thảo ở Trung tâm CSIS tuần qua”.

Trong khi đó, một số học giả phương Tây tham gia Hội thảo đã tham gia đánh giá về giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông. Tiến sĩ James Manicom, một nhà nghiên cứu đến từ Canada nhận định: “Tôi cảm thấy lạc quan là vì CP Mỹ, đặc biệt là chính quyền của TTh Obama, giờ đang coi vấn đề này một cách nghiêm túc, và đã đề nghị những phương án cụ thể để ứng phó. Tôi cũng thấy có một số dấu hiệu là CP Mỹ giờ đây sẵn sàng bắt Trung Quốc phải trả những cái giá đắt hơn, ngoài chuyện Bắc Kinh bị mất uy tín trong khu vực và cả trên toàn cầu.”

TS James Manicom cũng “khuyên Việt Nam nên theo đuổi các biện pháp pháp lý, không những tại các tòa án quốc tế mà cả các tòa án ở trong nước. Một điều có thể làm bây giờ là truy tố Tổng Công ty Dầu khí Trung Quốc ra trước các tòa án Việt Nam hay tòa án Trung Quốc về việc hoạt động mà không có giấy phép trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.” Theo ông, đó là một cách để bắt Trung Quốc phải trả giá cao hơn và là một động thái có tính biểu tượng.”

GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nói: “Tôi thì không hẳn là lạc quan, nhưng tôi đã thấy sự xuất hiện của một chiến lược mới của Mỹ nghiêng nặng về các biện pháp pháp lý.” Ông Thayer nói thêm rằng khi nghe GS Sở Thụ Long, trình bày bài tham luận, ông cảm thấy như phải bắt đầu tất cả lại từ đầu: “Chúng ta dã chẳng đi tới đâu cả. Đó là trường hợp người điếc nói chuyện với người điếc!”.

GS Carl Thayer nói kể từ khi cuộc khủng hoảng giàn khoan bùng nổ, QĐND Việt Nam đã được giữ trong doanh trại, cách xa nơi đang xảy ra các vụ đụng độ hàng ngày. Theo ông, Hà Nội vẫn duy trì thái độ cực kỳ hòa hoãn trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Ông Thayer kết luận rằng cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đã biến thành một cuộc “chiến tranh tiêu hao”, trong đó Trung Quốc sử dụng số tàu nhiều áp đảo, có trọng tải lớn hơn, để đâm vào các tàu Việt Nam hầu gây hư hại đủ để buộc các tàu này rút ra khỏi địa điểm quanh giàn khoan. Nếu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào ngày hay trước ngày 15/8 như đã tuyên bố khi thông báo kéo giàn khoan vào Biển Đông, thì có phần chắc hai bên sẽ rút lực lượng hải quân ra khỏi địa điểm này trước mùa bão từ tháng 9 tới tháng 10, đây có thể là một cơ hội để hai bên đàm phán trực tiếp với nhau.

Trong một tin liên quan khác, Thời báo Hoàn cầu ngày 14/7 có bài “Mỹ nêu kiến nghị “Ba không” về Biển Đông, cứng rắn với Bắc Kinh”, nội dung chính như sau: Mỹ lại can thiệp cứng rắn về Biển Đông, quan chức cấp cao BNG Mỹ tại Hội thảo ngày 11/7, đã kêu gọi các bên chấm dứt hành động thách thức khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, đồng thời nêu kiến nghị “03 không” gồm: (i) Các bên không được chiếm bãi, đảo và lập trạm tiền tiêu; (ii) Không được thay đổi hiện trạng Biển Đông; (iii) Không được áp dụng các hành vi đơn phương nhằm vào quốc gia khác.

Đây là lần đầu tiên Mỹ nêu kiến nghị cụ thể đối với “hành động các bên hiện nay”. Tuy phía Mỹ vẫn nói giữ lập trường trung lập đối với tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng đồng thời lại chĩa mũi nhọn về phía Trung Quốc, việc tham gia và phát biểu tại Hội thảo trên của quan chức cấp cao BNG Mỹ là nhằm “để Trung Quốc ý thức được cái giá của hành vi thách thức”.

Có bình luận cho rằng, kiến nghị trên của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, hơn nữa trong hai ngày gần đây nhất, phía Việt Nam và Philippines bày tỏ hoan nghênh Nghị quyết của Hạ viện Mỹ, nhưng lại giữ im lặng trước kiến nghị trên của BNG Mỹ. Ngày 10/7, Hạ viện Mỹ ra Nghị quyết chỉ trích “hành vi mang tính đe dọa của Trung Quốc” là nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Nhưng cần phải thấy Mỹ không phải là bên có tuyên bố tại Biển Đông, cũng không phải là đối tác liên quan trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Nguyên tắc cơ bản là tranh chấp cần được giải quyết chỉ bởi các bên liên quan. Mặc dù Mỹ là siêu cường, nhưng ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ không dựa trên nền tảng luật quốc tế. Nếu Mỹ thành thực muốn đóng góp vào hòa bình ở Biển Đông thì phải cân nhắc tới lợi ích của các bên liên quan ở đây, trong đó có Trung Quốc.

Kiến nghị mới của Mỹ cũng có thể sẽ kiềm chế hành vi của Việt Nam, Philippines. Ngô Sỹ Tồn- Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc cho rằng, phương án giải quyết tranh chấp Biển Đông không đến lượt Mỹ phải nêu đề xuất. Trên thực tế, nguyên nhân cơ bản khiến tranh chấp Biển Đông căng thẳng trong mấy năm gần đây chính là do thái độ và lập trường thiên vị của Mỹ.

Có thể thấy đây là “cái bẫy” mà Mỹ bày ra cho Trung Quốc. Tại thời điểm này, nếu Trung Quốc từ chối đề nghị của Mỹ thì sẽ rất khó để giải thích lý do với thế giới. Trung Quốc cần tìm cách để Mỹ “ăn quả đắng” mà nước này không ngờ tới, đồng thời cân bằng giữa việc bảo vệ chủ quyền và duy trì môi trường chiến lược xung quanh. Trung Quốc không gây rối nhưng cũng không sợ kẻ gây rối. Các nước đối đầu với Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả.

Tổng hợp