Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama thăm Ấn Độ từ ngày 25-27/1. Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ hoan nghênh Tổng thống Mỹ lần đầu tiên được mời làm khách chính tại lễ kỷ niệm lần thứ 66 "Ngày Cộng hòa" của Ấn Độ. Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama đã đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược song phương toàn diện và toàn cầu giữa hai nước; cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực vì cuộc sống tốt hơn của công dân hai nước và của cộng đồng thế giới. 

Với quan hệ đối tác nhiều mặt giữa Mỹ và Ấn Độ bắt nguồn từ những giá trị cùng chia sẻ về dân chủ, quan hệ kinh tế và sự giao lưu mạnh mẽ giữa người dân, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đã nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới thông qua "Tuyên bố Delhi về quan hệ hữu nghị Ấn-Mỹ", vốn được xây dựng dựa trên "Tuyên bố về tầm nhìn" ngày 30/9/2014 tại Washington, trong đó đề ra những nguyên tắc rõ ràng về nỗ lực vì sự thịnh vượng chung, một môi trường trong sạch, hợp tác lớn hơn trong kinh tế, trong hòa bình, an ninh, ổn định khu vực vì lợi ích lớn hơn của loài người. 

Trong khi thừa nhận vai trò quan trọng của hai nước trong thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, an ninh và ổn định tại khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hai bên lưu ý rằng chính sách "Hành động phía Đông" của Ấn Độ và chính sách "tái cân bằng châu Á" của Mỹ tạo nên những cơ hội cho Ấn Độ, Mỹ và các nước khác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương phối hợp chặt chẽ với nhau để tăng cường quan hệ khu vực. Hai bên đã công bố "Tầm nhìn chiến lược chung" để chỉ đạo sự hợp tác giữa hai nước trong khu vực. 

Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama thừa nhận và bày tỏ sự hài lòng trước các mối quan hệ chiến lược và tiếp xúc mạnh mẽ giữa hai nước kể từ chuyến thăm Washington của Thủ tướng Modi hồi tháng 9/2014. Sau khi điểm lại những thỏa thuận được ký kết trong cuộc gặp cấp cao tại Washington, Tuyên bố chung nói rõ rằng "Nhóm chính sách quốc phòng" (DPG) Ấn Độ-Mỹ và các tiểu nhóm của nó ngày 28-29/10/2014 đã đề ra chương trình đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương. Ngày 3/11/2014, Ấn Độ và Mỹ đã ra "Tuyên bố về những nguyên tắc chỉ đạo việc hợp tác phát triển toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong hợp tác với các nước đối tác trên thế giới". Mỹ và Ấn Độ đã đạt được bước tiến trong việc khai thông "Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại" (TFA) liên quan đến thực hiện các quyết định cấp bộ trưởng tại Hội nghị Bali (Indonesia) về an ninh lương thực; hai bên đã tiến hành cuộc họp Ủy ban liên chính phủ Mỹ - Ấn về hợp tác công nghệ và khoa học tại New Delhi ngày 17/11/2014 để xem xét, thống nhất quan điểm và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, thúc đẩy hợp tác giữa các công ty công nghệ và đối tác sáng tạo vì lợi ích chung của hai nước. 

Ngày 25/1, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Obama, Cơ quan phát triển và thương mại Mỹ đã ký kết 3 biên bản ghi nhớ (MoU) với chính quyền các bang Andhra Pradesh, Uttar Pradesh và Rajasthan (Ấn Độ) về việc phát triển Vishakhapatnam, Allahabad và Ajmer thành những "thành phố thông minh", với sự tham gia của các ngành công nghiệp Mỹ. Ấn Độ và Mỹ đã triển khai kế hoạch hợp tác về hạ tầng tại New Delhi ngày 13/1/2015 nhằm tăng cường sự tham gia của ngành công nghiệp Mỹ vào phát triển lĩnh vực hạ tầng của Ấn Độ. Hai bên đánh giá cao nỗ lực của hai nước trong những tháng gần đây nhằm "tái tiếp năng lượng" cho quan hệ đối tác chiến lược song phương và khẳng định sẽ mở rộng quan hệ đối tác chiến lược song phương bằng những biện pháp đa dạng, trong đó có việc mở rộng cơ chế tham vấn chiến lược, tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và kinh tế. 

Tổng thống Obama tái khẳng định sự ủng hộ đối với tầm nhìn của Thủ tướng Modi và thừa nhận rằng sự tập trung của Ấn Độ vào những ưu tiên phát triển đã tạo nên những cơ hội lớn để thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ-Ấn và tăng cường giao lưu giữa người dân hai nước. Trong khi tái khẳng định sự nổi lên của Ấn Độ cũng mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ, an ninh, phát triển của khu vực và toàn cầu, Tổng thống Obama tái khẳng định Mỹ sẵn sàng làm đối tác của Ấn Độ trong tiến trình chuyển đổi này. 

Về phát triển kinh tế

Hai bên bày tỏ tin trưởng rằng sự hợp tác liên tục sẽ tăng cơ hội đầu tư, cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư song phương, đồng thời tạo việc làm và sự thịnh vượng cho cả hai nền kinh tế. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác rộng rãi thông qua hợp tác chương mại, công nghệ và đầu tư...; cam kết thăm dò những lĩnh vực hợp tác trong phát triển kỹ năng. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các thể chế tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). 

Về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao

Không gian và y tế, Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama tái khẳng định cam kết đảm bảo các quan hệ đối tác trong khoa học, công nghệ và sáng tạo là thành tố quan trọng của sự hợp tác song phương toàn diện trong thế kỷ 21; tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò của hợp tác khoa học, công nghệ và sáng tạo trong giải quyết những thách thức ở nhiều lĩnh vực như lương thực, nước, năng lượng, khí hậu, y tế và phát triển bền vững. 

Về quốc phòng

Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama hoan nghênh những nỗ lực của hai nước nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm; tái khẳng định cam kết tiếp tục đẩy mạnh quan hệ quốc phòng; thừa nhận quan hệ quân sự là nền tảng cho quan hệ quốc phòng và khuyến khích quân đội hai nước theo đuổi các cơ hội hợp tác thông qua tập trận chung, đối thoại quốc phòng và trao đổi giao lưu. Hai bên thừa nhận sự cần thiết của việc hợp tác hai chiều, trong đó có hợp tác công nghệ, cùng phát triển và cùng sản xuất thiết bị quốc phòng.

Theo trang mạng của Nhà Trắng, Mỹ

Duy Anh (gt)