Trả lời phỏng vấn Hãng truyền thông quốc gia Ôxtrâylia (ABC) ngày 7/9 với chủ đề “China's peaceful development white paper”, Giáo sư Michael Davis thuộc Khoa Luật của Đại học Hồng Công nhận xét Sách Trắng có tựa đề "Sự phát triển hòa bình của Trung Quốc" vừa được Quốc vụ viện công bố ngày 6/9 nặng về "thổi phồng" và nhẹ về "hành động".

Theo Giáo sư Michael Davis, giới quan sát có cảm giác rất rõ rằng mục đích của Trung Quốc khi công bố Sách Trắng là nhắm vào cộng đồng thế giới. Giáo sư Davis nhận xét Trung Quốc muốn tuyên bố các mục tiêu cũng như truyền bá các ý tưởng của họ và cho rằng trong Sách Trắng lần này không có điều gì đáng ngạc nhiên. Ông nói những gì họ đang làm là khẳng định sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là mối đe dọa mà là sự vươn lên hòa bình.

Sách Trắng đề cập đến "sự hòa hợp bên trong". Tuy nhiên, Giáo sư Davis cho rằng khía cạnh này là "đáng ngờ" bởi vì dường như hòa hợp ở đây có nghĩa là ngăn chặn những tiếng nói đối lập chứ không phải khuyến khích sự hợp tác giữa các nhóm lợi ích khác nhau tại Trung Quốc. Do đó, các nhóm thiểu số hay nhóm sắc tộc dân tộc chủ nghĩa như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ có xu hướng xem đây là những lời thổi phồng về sự hòa hợp và cũng là một tín hiệu cho thấy sự đè nén đối với họ chứ không phải mời gọi họ tham gia tiến trình hòa hợp. Giáo sư Davis cho rằng Trung Quốc phải tìm cách khắc phục sự nghi ngờ này và mọi người đều đang xem những gì Trung Quốc sẽ làm.

Sách Trắng khẳng định rằng "đi theo con đường phát triển hòa bình như Trung Quốc là bước tiến mới trong lịch sử phát triển nhân loại". Theo Giáo sư Davis, tuyên bố này hàm ý rằng các nước phát triển phương Tây đã không phát triển theo con đường hòa bình mà bằng con đường thuộc địa hóa, và Trung Quốc sẽ phát triển theo một con đường mới không có cách hành xử như vậy. Tuy nhiên, luận điểm này cũng rất khó thuyết phục và gây hoài nghi bởi thực tế Trung Quốc đã thuộc địa hóa nhiều vùng ở Trung Á, Tân Cương và Tây Tạng. Bên cạnh đó, chính sách của Trung Quốc liên quan đến Đại tá Muammar Gaddafi ở Libi hay các chế độ ở Dimbabuê và những nơi khác không hề cho thấy chúng ưu việt hơn những chính sách phát triển khác trong lịch sử.

Giáo sư M. Davis kết luận Sách Trắng nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một nước có trách nhiệm nhưng Trung Quốc cần phải thể hiện cho mọi người thấy điều đó, chứ không phải chỉ viết trên giấy. Thái độ sẵn lòng đảm nhận trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc chưa thật sự được minh chứng rõ rệt.

Phóng viên đài BBC ở Bắc Kinh, Michael Bristow trong bài viết “China white paper pledges peaceful rise”, nhận xét những gì được mô tả trong Sách Trắng về Trung Quốc và thế giới có chỗ dường như khác biệt so với trên thực tế. Sách Trắng viết: “Chúng tôi muốn xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu, mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại từ nay đến lúc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào giữa thế kỷ 21”. Nhưng Trung Quốc trấn an các nước khác không cần phải lo sợ trước sự đi lên đó vì Trung Quốc sẽ không lặp lại những sai lầm vốn đã đưa nhân loại vào vực thẳm của hai thế chiến.

Chính phủ Trung Quốc nói họ muốn sự hợp tác đa quốc gia, đặc biệt thông qua Liên hợp quốc. Đây là một viễn kiến bao quát về vị trí của Trung Quốc trên trường thế giới trong những thập niên tới, dù Sách Trắng không đưa ra những đề nghị cụ thể. Cũng không thấy Sách Trắng đề cập đến những chính sách Bắc Kinh đang theo đuổi vốn vấp phải sự chỉ trích ngay cả trong nước.

Sách Trắng đánh giá người dân Trung Quốc nói chung đang có một cuộc sống đàng hoàng, nhưng không nhắc gì đến nguyện vọng của những người không đồng ý với nhận định này.

Sách Trắng nói đến quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng và giải quyết những bất đồng thông qua đàm phán. Đây là điều được đề cập cụ thể trong phần nói đến tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và các nước khác trong Sách Trắng. Nhưng gần đây, ít ra là hai nước, Việt Nam và Philíppin, đã mạnh mẽ phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo Radio Australia, BBC

Văn Cường (gt)