Với sự tham dự đầy đủ của 18 thành viên tại Hội nghị ADMM + diễn ra tại Hà Nội, thành công của diễn đàn này được đánh giá là đã tìm ra một cấu trúc thích hợp nhất cho việc giải quyết an ninh chính trị tại châu Á. Vào những năm 90, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mỹ cũng từng đề nghị một diễn đàn tương tự nhưng không thành công. Tại diễn đàn đối thoại Shang ri la 2002, đề nghị của Nhật Bản về Hội nghị BTQP châu Á cũng thất bại. Qua thành công của ADMM +, Asean đã đáp lại những chỉ trích và chứng tỏ tổ chức này tiếp tục có vai trò quan trọng đối với hợp tác rộng rãi hơn trong khu vực.

 

Một thành quả chủ yếu nữa của ADMM + là Tuyên bố chung Hà Nội và Tuyên bố của Chủ tịch, xây dựng nên cơ chế Cuộc họp quan chức cấp cao thuộc 5 nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề quốc phòng và an ninh, triển khai các quyết định và thỏa thuận đã được thông qua.

 

Cuộc gặp ở Hà Nội cũng là điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp song phương bên lề trong bối cảnh đang có những căng thẳng giữa các nước liên quan giữa BTQP Mỹ - Trung, Trung - Nhật.

 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ADMM + sẽ phải đối mặt với những hạn chế trong tương lai như:

 

- Hạn chế lớn nhất là Hội nghị chỉ diễn ra 3 năm/lần. Mặc dù các BTQP Asean vẫn thường xuyên gặp định kỳ 1 năm/lần, khả năng tiếp tục duy trì động lực của ADMM + sẽ là một trở ngại lớn do quãng thời gian dài giữa 2 lần Hội nghị.

- Vai trò trung tâm của Asean và sự chấp thuận hình mẫu của tổ chức này chắc chắn sẽ gây tranh cãi giữa các thành viên của ADMM +.

- Chương trình làm việc của ADMM + khá đơn giản, tập trung vào giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống mà đã, đang được đề cập hoặc giải quyết ở một số diễn đàn khác. Bên cạnh đó, một số định chế quốc tế khác đang tập trung giải quyết các vấn đề bức thiết hơn như sự bùng nổ hiện đại hóa quân đội trong khu vực hoặc nguy cơ xung đột trên biển gia tăng. Hiện vẫn chưa rõ liệu ADMM+ có đưa vào thảo luận các vấn đề an ninh truyền thống giống như ARF và EAS hay không.

 

Cho dù phải đối mặt với những thách thức trên, ADMM+ nay đã có một vị trí vững chắc trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á. Một số đánh giá cho rằng nó sẽ thay thế diễn đàn đối thoại Shang ri la.

 

ADMM + được coi là một diễn biến tích cực. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu cơ chế này có thể giải quyết được những vấn đề mà các định chế khu vực chưa giải quyết được hay không.

Tin tổng hợp

Trần Nhật (gt)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)