2012-10-03_162416.jpg

 

Cùng ngày, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khi trao đổi với Giám đốc An ninh Quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi Bản tại cuộc đối thoại chính trị cấp cao đã bày tỏ lo ngại và đặt câu hỏi chất vấn: liệu có phải Nhật Bản từ bỏ chính sách quốc phòng tự vệ? Đây cũng là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tính tới nay bày tỏ thái độ về việc Nhật Bản cải cách an ninh.

Tại sao Nội các của Thủ tướng Zhinzo Abe muốn thay đổi chính sách an ninh? Nhiều chuyên gia của Trung Quốc lý giải rằng đó là xu hướng hữu khuynh hóa trong Nội các Nhật Bản hiện nay. Mọi người cũng sẽ liên tưởng việc cải cách này ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Trung-Nhật. Hơn nữa, do Mỹ-Nhật hình thành liên minh, nên những thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản chắc chắn sẽ liên quan đến Mỹ, và do đó cũng tác động đến quan hệ ba bên Mỹ-Nhật-Trung.

Trong một thời gian dài, Mỹ khuyến khích Nhật Bản mở rộng quyền tự vệ tập thể và đảm nhận một vai trò an ninh lớn hơn. Dựa trên ý nghĩa như vậy, Mỹ cần phải ủng hộ và hoan nghênh dự luật an ninh mới của Nhật Bản. Vấn đề quan trọng ở chỗ cải cách an ninh của Nhật Bản được cho là nhằm đối phó với những thách thức từ những vấn đề an ninh trên biển và các hoạt động quân sự không rõ ràng của Trung Quốc. Việc làm này của Nhật Bản đẩy Mỹ vào tình thế khó xử. Nếu Mỹ không ủng hộ sẽ khiến Nhật Bản cảm thấy không tin tưởng, còn nếu ủng hộ quá mức sẽ làm tổn hại quan hệ nước lớn kiểu mới với Trung Quốc, hoặc làm xuất hiện một nước Nhật ngày càng độc lập.

Thứ nhất, Nhật Bản cho rằng mức độ tin cậy của liên minh Nhật-Mỹ giảm xuống là động lực chính dẫn đến việc họ phải cải cách an ninh. Nhật Bản cho rằng với sự suy giảm tương đối của Mỹ và sự nổi lên của Trung Quốc, cán cân quyền lực trong khu vực sẽ ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc. Điều này khiến cho Nhật Bản - lâu nay vẫn phải dựa vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ - cảm thấy bất an. Trên thực tế, sự không chắc chắn về tương lai của Đông Á khiến Nhật Bản cần phải quan hệ chặt chẽ với Mỹ, mà muốn như vậy thì cách tốt nhất là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Đối với Mỹ, để duy trì sự hiện diện ở Đông Á cần phải tiếp tục duy trì liên minh Nhật-Mỹ, từ góc độ này có thể nói rằng cải cách an ninh của Nhật Bản phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

Thứ hai, dự luật an ninh mới không đáp ứng kỳ vọng của Mỹ. Kỳ vọng lớn nhất của Mỹ đối với việc sửa đổi chính sách an ninh của Nhật Bản là Nhật Bản gánh đỡ Mỹ một phần chi phí an ninh, bao gồm cả các chi phí an ninh toàn cầu. Các cuộc thảo luận hiện nay ở Nhật Bản chủ yếu tập trung vào bảo vệ các đảo xung quanh của Nhật Bản. Việc đưa quân ra nước ngoài của Nhật Bản vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Đối với Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản không thể trở thành “đồng minh chuẩn”, giống như Anh và Úc, có thể hỗ trợ Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Thứ ba, Mỹ không chắc chắn về việc liệu cải cách an ninh có làm cho Nhật Bản trở nên độc lập hơn hay không. Rốt cục, liệu Chính phủ của ông Abe có lợi dụng việc tăng cường đồng minh Mỹ-Nhật để chuẩn bị cho một nước Nhật ngày càng độc lập hơn về an ninh hay không. Nhật Bản sau khi đã thực hiện sửa đổi an ninh sẽ làm gì? Nhiều khả năng sẽ có các cuộc thảo luận về việc Nhật Bản có nên duy trì năng lực “tấn công các cơ sở của đối phương” hay không. Đối với nội dung thảo luận này, việc đầu tiên được đề cập đến là liệu Nhật Bản có thực hiện “đánh đòn phủ đầu” vào các cơ sở tên lửa đạn đạo của Triều Tiên để bảo đảm an ninh cho họ? Một khả năng khác là liệu Nhật Bản có đẩy nhanh tốc độ sửa đổi hiến pháp? Đối với Mỹ, việc Nhật Bản sửa đổi hiến pháp một mặt có thể sẽ tạo điều kiện giúp Nhật Bản trở thành đồng minh hoàn chỉnh hơn của Mỹ, mặt khác cũng có thể khiến cho Nhật Bản càng trở nên độc lập và tách rời Mỹ.

Ngoài ra, sự thay đổi chính sách an ninh đồng nghĩa với việc Nhật Bản có một bước tiến lớn trên con đường trở thành một quốc gia bình thường, từ đó tạo ra thách thức đối với Trung Quốc là làm thế nào để xử lý mối quan hệ Mỹ-Trung-Nhật trong bối cảnh mới này.

Theo "Liên hợp Buổi sáng"