Điều gì có thể lý giải cho việc Nhật Bản và Trung Quốc tranh giành nhau nửa tá thực thể không có người ở tại Biển Hoa Đông - được gọi là Điếu Ngư trong tiếng Hoa và Senkaku trong tiếng Nhật?

Với diện tích tổng cộng chỉ khoảng 2km2, không có sự hiện diện thường xuyên của con người trong suốt những thập kỷ gần đây, thật khó hiểu vì sao những thực thể này lại có thể khiến hai quốc gia Châu Á suýt nữa bùng phát xung đột. Nhưng nếu nhìn ở góc độ rộng lớn hơn, những đảo đá này có nhiều ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng và lịch sử.

Đối với Trung Quốc, tình trạng của quần đảo Điếu Ngư hiện nay là di sản của thời kỳ Nhật Bản xâm lược nước này, kéo dài từ cuối thể kỷ 19 đến năm 1945, điều mà cho đến ngày nay, Nhật Bản đôi khi vẫn không thể hiện được sự ăn năn đúng mực. Theo quan điểm của Trung Quốc, việc đấu tranh cho những gì họ xem là quyền lợi chính đáng của mình là hành động duy trì trật tự thế giới được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, quy định rằng Nhật Bản phải từ bỏ những lãnh thổ đã chiếm từ tay Trung Quốc trong cuộc chiến 1894-1895.

Về phía Nhật Bản, việc Trung Quốc mới quan tâm trở lại một vấn đề dường như đã được an bài cho thấy Trung Quốc đang có xu hướng sử dụng sức mạnh đang lên vào những mục đích mang tính chủ nghĩa dân tộc – không chỉ đối với những hòn đảo này mà còn đối với các vùng biển khác ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Do đó, đây không chỉ là vấn đề tầm quan trọng trước mắt của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tranh chấp này có thể là dấu hiệu báo trước cho những điều tồi tệ hơn có thể sẽ xảy ra. Chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước càng khiến cho việc tìm ra giải pháp cho cuộc tranh cãi về những hòn đảo mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền trở nên khó khăn hơn.

Nhóm tác giả là những học giả độc lập đến từ các quốc gia chủ chốt trong tranh chấp, bao gồm cả Mỹ. Mỹ không có quan điểm ủng hộ yêu sách chủ quyền đảo của bên nào trong tranh chấp, nhưng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã có nhiều quyết định liên quan đến lãnh thổ dẫn đến tình trạng hiện nay của Senkaku/Điếu Ngư. Ngày nay, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ Nhật Bản là bên quản lý hành chính hợp pháp của những đảo này. Phần sau đây sẽ đề xuất một cơ chế nhằm khuyến khích các chính phủ các bên thử những cách tiếp cận mới đối với tranh chấp này.

Trọng tâm đề xuất của nhóm tác giả gồm hai điểm chính được đưa ra dựa trên các lợi ích cốt lõi và các đòi hỏi không khoan nhượng của cả hai nước đối với các đảo nói trên. Thứ nhất là khái niệm chia sẻ chủ quyền, theo đấy cả hai nước Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục duy trì yêu sách chủ quyền đối với các đảo. Thứ hai là kêu gọi các bên tách riêng tranh chấp chủ quyền các đảo với tranh chấp với việc ai có quyền tiếp cận các vùng biển và đáy biển xung quanh các đảo này. Logic này sẽ đưa đến hai sự lựa chọn cho các nhà làm chính sách của Bắc Kinh, Tokyo và Washington:

Một sự đóng băng tạm thời: Cách tiếp cận đơn giản nhất đó là các bên sẽ không còn phản đối yêu sách chủ quyền của nhau, đồng thời từ bỏ việc đơn phương sử dụng, quản lý và giám sát các đảo này. Kết quả là, tranh chấp này sẽ được đóng băng. Điều này sẽ tạo thêm thời gian cho quan hệ Trung – Nhật trở về trạng thái hòa dịu hơn, hoặc có thể sẽ giúp làm nảy sinh các ý tưởng mới về cách tiếp tục chia sẻ chủ quyền lâu dài hơn. Bằng cách phân tách vấn đề quyền sở hữu thực thể ra khỏi các quyền kinh tế đối với vùng nước quanh các đảo, tình hình sẽ được hạ nhiệt.

Một giải pháp mang tính ràng buộc hơn: Cách tiếp cận này có logic tương tự như trên, nhưng nhằm tìm kiếm một giải pháp lâu dài hơn. Giải pháp này bao gồm 6 điểm:

- Mỗi bên đồng ý không phản đối quyền của bên kia tiếp tục duy trì yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo.

- Trung Quốc đồng ý với việc Nhật Bản tiếp tục duy trì một cách hợp pháp các quyền quản lý hành chính đối với quần đảo. Đây sẽ là điểm nhượng bộ của Trung Quốc.

- Nhật Bản chấp nhận việc sử dụng các hòn đảo sẽ được trao cho một ủy ban giám sát, với số lượng bằng nhau các thành viên mỗi nước và một ghế chủ tịch luân phiên, có chức năng đưa ra các quyết định liên quan đến việc sử dụng các hòn đảo (ví dụ cho phép các chuyến viếng thăm của khách du lịch hoặc các nhà khoa học) dựa trên cơ sở đồng thuận. Do đó, ở góc độ thực tiễn, Nhật Bản sẽ chia sẻ các quyền và nghĩa vụ quản lý hành chính với Trung Quốc. Đây sẽ là điểm nhượng bộ của Nhật Bản.

- Các hoạt động tuần tra đơn phương quanh các hòn đảo bằng máy bay hay tàu biển của bất cứ bên nào sẽ phải chấm dứt. Việc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý tính từ các hòn đảo phải là tuần tra chung. Các đảo sẽ chỉ được sử dụng chỉ vào mục đích phi quân sự như du lịch sinh thái, và tất cả các hoạt động đấy phải được cấp phép bởi ủy ban giám sát.

- Hai bên đồng ý rằng các bất đồng hiện có về các quyền đối với tài nguyên trên biển và dưới đáy biển trong phần còn lại của Tây Thái Bình Dương sẽ không bị ảnh hưởng hoặc bị quyết định bởi yêu sách đối với các đảo ở Senkaku/Điếu Ngư. Nói cách khác, các đảo này sẽ được tách bạch ra khỏi các vấn đề chủ quyền, lãnh thổ khác và các điều khoản có liên quan trong Công ước Luật Biển sẽ không được áp dụng.

- Hai bên đồng ý sẽ không có thêm các tranh chấp lãnh thổ mới trên các thực thể khác ở Tây Thái Bình Dương (hiện nay, Điếu Ngư/Senkaku là tranh chấp lãnh thổ duy nhất giữa Nhật Bản và Trung Quốc, điều quan trọng là sẽ không có các tranh chấp mới phát sinh trong tương lai).

Duy nhất một gói giải pháp kể trên mới có thể giải quyết được vấn đề, bởi vì nó đòi hỏi sự linh hoạt đồng thời từ các bên chủ chốt. Chính phủ của ông Shinzo Abe và ông Tập Cận Bình hiện nay đã vững vàng ở trong nước, giai đoạn phát triển đối ngoại đang đến rất gần. Bằng phương án của nhóm tác giả, ít nhất hai bên sẽ có thể đóng băng tranh chấp. Cùng lúc hoặc sau đó, các bên có thể tìm kiếm một giải pháp lâu dài hơn. Bằng không thì sẽ cần đến một cuộc tranh luận học thuật về cách giải quyết tranh chấp này thay vì chỉ ngồi hy vọng nó không một lần nữa biến thành một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Akikazu Hashimoto là giáo sư của Viện Nghiên cứu Chính sách tại Tokyo. Michael O'Hanlon là giám đốc nghiên cứu của chương trình Chính sách đối ngoại, Viện Brookings. Wu Xinbo là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải. Bài được đăng lần đầu trên trang Los Angeles Times.

Dịch: Ngọc Diệp

Hiệu đính: Kim Minh