Quan hệ Campuchia-Việt Nam từ lâu đã không được yên bình. Vấn đề việc làm, xung đột và sự can thiệp chính trị là những điểm nổi bật của mối quan hệ này và bất đồng về biên giới từ lâu đã trở thành nguyên nhân gây ra mối bất hòa giữa hai nước. Năm ngoái, một nhóm khoảng 600 người biểu tình đã đốt một lá cờ Việt Nam bên ngoài trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh, gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ Hà Nội.

Căng thẳng từ đó tiếp tục gia tăng. Vào tháng 6 vừa qua, các nhà hoạt động Campuchia đã gây sự với những người dân Việt Nam ở tỉnh Svay Rieng, nằm giữa Phnom Penh và Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi cảnh sát Campuchia chỉ đứng nhìn. Gần đây, căng thẳng giữa hai nước cũng nổi lên xung quanh vấn đề biên giới trên biển. 

Cả Hà Nội và Phnom Penh đều đang tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng để phân định đường ranh giới trên đất liền vốn có vấn đề. Quá trình này đã hoàn tất được 80%. Tuy nhiên, càng đến giai đoạn cuối cùng thì càng nảy sinh thêm vấn đề. Sau một cuộc họp kéo dài 3 ngày hồi đầu tháng 7, hai bên đã nhất trí hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc “trong thời gian sớm nhất”.
Tuy nhiên, do bản chất của vấn đề này mang tính chính trị cao, nên thời hạn “sớm nhất” này có thể khó đạt được.

Sam Rainsy, lãnh đạo phe đối lập, đã có gần 2 thập kỷ vận động bài ngoại chống Việt Nam. Vào năm 1998, Sam Rainsy đã vận động cho việc trục xuất các Duôn, một thuật ngữ xúc phạm theo tiếng Khmer dùng để chỉ người Việt Nam. Kể từ đó có rất ít sự thay đổi. Năm 2009, Sam Rainsy dẫn đầu một nhóm nhà hoạt động tới vùng lãnh thổ tranh chấp dọc biên giới Việt Nam và tại đây họ đã nhổ vài cột mốc phân định biên giới. Động thái dân túy này đã khiến ông ta bị kết án tù 2 năm, sau đó ông này đã bỏ ra nước ngoài sống lưu vong cho tới năm 2013 khi nhận được sự ân xá của Hoàng gia và trở về tham gia cuộc bầu cử. Chiến thuật của ông này vẫn không thay đổi. Tranh chấp với Việt Nam là “nguồn ôxy” đối với Sam Rainsy và sự nổi tiếng của Đảng cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP).

CNRP cho rằng các cuộc đàm phán hiện nay về phân định biên giới trên cơ sở sử dụng các bản đồ của Việt Nam và do vậy không có lợi cho phía Campuchia. Luận điệu này thuyết phục được nhiều người Campuchia và Thủ tướng Hun Sen đã phải gạt bỏ những khẳng định như vậy bằng việc yêu cầu sử dụng các bản đồ từ Liên hợp quốc được lập trong thời Pháp thuộc.

Đáng lo ngại là trong hàng thập kỷ giao tranh giữa Campuchia và Thái Lan về vùng đất tranh chấp quanh ngôi đền cổ Preah Vihear có thể chỉ ra cho một số người Campuchia thấy rằng bạo động mới đem lại kết quả. Mối lo ngại này càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi thực tế rằng Campuchia đang trong giai đoạn bất ổn chính trị cao. Cuộc bầu cử năm 2013 đã làm suy yếu chính quyền của Thủ tướng Hun Sen, với phe đối lập gần như tăng gấp đôi số ghế trong Quốc hội. Nhiều tháng bế tắc chính trị sau đó đã khiến CNRP có được nhiều sự nhượng bộ. Đảng đối lập này đã gia tăng sự ảnh hưởng của mình trong nền chính trị và đang làm suy yếu dần sự kiểm soát vững chắc thường thấy của Thủ tướng Hun Sen, đồng thời vấn đề biên giới có thể hỗ trợ sức mạnh hơn nữa cho CNRP. Cùng với những bất mãn dai dẳng trước nạn tham nhũng đã ăn sâu, tình trạng bất bình đẳng và sự làm giàu của các tầng lớp ủng hộ ông Hun Sen có thể tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.

Ông Hun Sen, một chiến lược gia bậc thầy, đã duy trì được quyền lực suốt 3 thập kỷ qua, gần đây đã có những động thái củng cố bàn tay quyền lực của mình. Vào tháng 7 vừa qua, 11 nhà hoạt động đối lập đã bị bỏ tù vì giữ vai trò “nổi loạn” trong cuộc biểu tình năm ngoái, và một luật hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và ngăn cản những chỉ trích của họ về chính quyền đã được thông qua. 

Trong những tuần gần đây, ông Hun Sen và Bộ trưởng Quốc phòng đã cảnh báo quân đội phải cảnh giác và sẵn sàng ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào trong một “cuộc cách mạng màu”. Phần lớn “lượng ôxy” cho một cuộc cách mạng kiểu như vậy có thể đến từ những tranh chấp biên giới.

Phnom Penh không phải là phía duy nhất muốn được chứng kiến mặt trái của tiến trình phân giới cắm mốc 

Đối với Hà Nội, việc giải quyết những tranh chấp biên giới là một cách để Việt Nam loại bỏ cảm giác đang ngày càng bị cô lập. Cả Campucia và Lào đang chịu ảnh hưởng ngày càng tăng từ Bắc Kinh, do những khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc. Hà Nội lo ngại rằng Campuchia, vốn được nhiều người xem là nước chư hầu của Trung Quốc, có thể bị dụ dỗ nhằm tạo ra những vấn đề dọc biên giới với Việt Nam. Những lo ngại này vẫn còn tồn tại từ năm 2012 khi Phnom Penh ngăn cản sự thống nhất trong ASEAN để chống lại sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam lo ngại rằng Phnom Penh có thể làm leo thang tranh chấp biên giới coi đó như một biện pháp làm sao nhãng những sự cố với Trung Quốc trên Biển Đông. Trong tình hình như vậy, Hà Nội có thể rơi vào cuộc xung đột nóng với hai nước láng giềng lớn nhất trên hai mặt trận rất khác nhau. 

Cảm giác bị cô lập của Hà Nội không có gì nghi ngờ bởi trong những năm gần đây Việt Nam đã nỗ lực phát triển một chính sásh ngoại giao cởi mở và chủ động hơn đặc trưng bởi phương châm lâu đời “bớt thù, thêm bạn”. Đáng nói nhất là gần đây mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ ngày càng ấm lên mà chuyến thăm Mỹ đầu tiên hồi tháng trước của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là một minh chứng.

ASEAN, Liên Hợp Quốc và các chính phủ khác nên ủng hộ và thực sự nhấn mạnh việc giải quyết nhanh chóng cuộc tranh chấp biên giới này. Trong khi vấn đề này có thể được giải quyết tại tòa án La Hay, giống như việc giải quyết vụ đền Preah Vihear năm 2013, thì đây có thể sẽ là một quá trình kéo dài kích động hơn nữa chủ nghĩa dân tộc. Và Chính quyền Hun Sen cũng nhận thức được rằng quá trình này càng kéo dài thì lợi thế sẽ càng nằm trong tay của phe đối lập, đặc biệt trước cuộc bầu cử như đã cam kết vào năm 2018. Về phần mình, Hà Nội sẽ thấy an toàn hơn với chính quyền hiện tại của Thủ tướng Hun Sen hơn là với một chính quyền chống Việt Nam chưa được biết tới ở Phnom Penh, mặc dù Hà Nội vẫn muốn một Chính quyền Campuchia ít chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Làm thế nào để những tranh chấp biên giới được giải quyết sẽ là một chỉ số quan trọng đo sự ổn định của Campuchia và là cách để Việt Nam và Campuchia có thể cùng nhau hợp tác trong một vấn đề có lợi ích qua lại.

Theo The Interpreter

Văn Cường (gt)