Thời khắc của nhân loại đã chuyển sang thế kỷ 21, nhưng vẫn chưa “gỡ bỏ được” bản năng từ thời công xã; luôn thèm khát tài nguyên, lãnh thổ của nhau, thậm chí ngày càng trở nên tinh vi hơn. Trong kỷ nguyên mới, chính sách dùng sức mạnh để chiếm đoạt không gian cũng như phân chia lại địa chính trị lại được sử dụng. Từng quốc gia luôn cảnh giác không muốn bị rơi vào sự ảnh hưởng của những kẻ mạnh hơn mình; vấn đề đánh giá, phân tích và dự báo cũng như thấy trước được những khó khăn, thử thách và nguy cơ của mình để sẵn sàng vượt qua; và luôn được coi là một nhiệm vụ quan trọng của sự phát triển đối với mỗi quốc gia. Cách đây 20 năm, trong thời kỳ chiến tranh, thế giới của chúng ta bị chia thành hai cực, đó là tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa; cạnh tranh với nhau bằng tiềm lực của mình về chính trị, kinh tế, tư tưởng, quân sự và quốc phòng. Hiện một cực không còn nữa, nhưng lại xuất hiện nhiều nguy cơ mới, như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, khủng bố quốc tế, mưu toan có vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh của năng lượng hạt nhân. Do đó, tình hình địa chính trị thế giới trong những năm gần đây đã bị thay đổi.

Có một thời, Mông Cổ từng bị coi là ngõ cụt thế giới, nhưng hiện nay với vị trí địa lý của mình, Mông Cổ đã trở thành điểm tựa quan trọng của địa chiến lược tại châu Á, là giao điểm lợi ích về địa chính trị, kinh tế, nền văn minh của các cường quốc, là ranh giới ảnh hưởng của các tôn giáo lớn trên thế giới. Đặc biệt, bằng sức mạnh vốn có của mình và không còn cách nào khác, việc đưa các mỏ khoáng sản đi vào khai thác thương mại để phát triển đất nước đã biến Mông Cổ trở thành địa bàn cạnh tranh của các công ty có thế lực của nước ngoài. Trong điều kiện ngoại cảnh như vậy, Bộ Ngoại giao và Thương mại đã phối hợp với Viện Địa chính trị (Viện nghiên cứu độc lập, tập hợp các nhà Ngoại giao, nghiên cứu, bình luận nổi tiếng của Mông Cổ, nghiên cứu đề tài theo đơn đặt hàng) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điều kiện mới của địa chính trị: Quan điểm của các nhà nghiên cứu”, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao hiện đại của Mông Cổ.

Hai quốc gia láng giềng (Trung Quốc và Nga) ngày càng quan tâm hơn đến Mông Cổ, là quốc gia khiến các nước xa xôi luôn “nhỏ dãi” vì nguồn tài nguyên khổng lồ. Giới nghiên cứu cho rằng, trong thời kỳ hiện đại, lợi ích địa chính trị của các quốc gia không phải là bằng sức mạnh quân sự và chiến lược mà là sự thể hiện bằng hình thức, như quan hệ kinh tế - thương mại, vấn đề xóa đói giảm nghèo, tìm kiếm thông tin khoa học - công nghệ. Khái niệm về láng giềng thứ 3 của Mông Cổ cũng mở rộng hơn. Theo lời nói đùa của Tiến sĩ J.Choihor (nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, 8 năm làm Đại sứ Mông Cổ tại Mỹ), Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Địa chính trị, nếu quan hệ của Mông Cổ với các quốc gia láng giềng thứ 3 ngày càng sâu sắc bao nhiêu thì “Trung Quốc bị ngứa cổ và Nga bị nhột nách” bấy nhiêu. Sự tiến triển trong quan hệ quốc phòng Mông Cổ - Mỹ đã khiến hai quốc gia láng giềng của Mông Cổ phải giật mình. Trong thời gian gần đây, cuốn sách “Địa chính trị của Nga” do Nhà nghiên cứu của Nga Dugin biên soạn đang trở thành cuốn sách gối đầu giường và là sách giáo khoa của quốc gia láng giềng phương Bắc (Nga).

Trong cuốn sách này, Nga đã coi Mông Cổ, Tây Tạng, Tân Cương và Mãn Châu là khu vực an ninh của mình. Các vùng đất này đang bị Nga luôn quan tâm theo dõi chặt chẽ, muốn biến các vùng đất đó trở thành vùng đệm của Nga cũng như phát triển vùng địa chính trị của mình. Đồng thời, đưa phần châu Á của Nga tiếp giáp với các khu vực nói trên vào chính sách “Vùng đất trung tâm”. Cuốn sách cũng nhắc đến các đối tác địa chính trị của Nga như Ấn Độ, Nhật Bản cũng như kế hoạch sử dụng người Trung Quốc có ý định chống lại chính sách của Bắc Kinh. Điều này cho thấy, chính sách trở thành cường quốc Á - Âu của Nga đang được giấu kín. Trên các trang báo của Nga, dù không chính thức, nhưng ngày càng bắt gặp những từ ngữ về việc biến Mông Cổ trở thành đồng minh, nếu không làm được như vậy thì sẽ thực hiện biện pháp cấm vận chống lại Mông Cổ. Nhất là, những lời lẽ như vậy đã được các thành viên Duma Nga thốt ra liên quan đến việc khai thác mỏ Uranium và mỏ than Tavan tolgoi của Mông Cổ.

Trong thời gian gần đây, do các cường quốc thực hiện chính sách Địa chính trị mới nên đã đến lúc các quốc gia nhỏ cần phải gìn giữ bản sắc ngôn ngữ dân tộc, văn hóa nghệ thuật, thể thao, truyền thống lịch sử của quốc thể, phong tục tập quán, lối sống, ẩm thực, quốc phục, nếp nhà và ý thức dân tộc để thông qua đó nhằm tự bảo vệ mình. Qua các bài tham luận tại Hội thảo khoa học cho thấy, các vấn đề nêu trên cũng đến lúc phải trở thành sự đồng lòng dân tộc và nền tảng ý thức trong việc thiết lập an ninh quốc gia và không bị nước khác xâm chiếm. Trong thời kỳ hiện đại, trung tâm của nền văn minh nhân loại đang có xu hướng dịch chuyển về phương Đông. Cùng với sự ảnh hưởng lớn của nền văn minh châu Âu và Bắc Mỹ, nền văn minh Trung Quốc, Ấn Độ và thế giới Hồi giáo cũng đang lan rộng sự ảnh hưởng của mình một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Nhờ thế mà chúng ta có thể hiểu được rằng, đến giữa thế kỷ 21, nhân loại sẽ sống trong một môi trường hoàn toàn mới của nền văn minh. Trong khi nền văn minh phương Tây không nhân từ với Trái Đất mẹ của mình, chỉ tôn sùng tiền bạc và kinh tế đang bị lép vế thì nền văn minh Trung Quốc và đạo Hồi lại có triển vọng hợp tác với nhau. Nền văn minh Nam Mỹ có sự ảnh hưởng của nền văn hóa truyền thống cổ xưa như nền văn minh Maya đang xuất hiện khuynh hướng phục hồi. Quá trình nhất thể hoá của các quốc gia châu Âu đang diễn ra mạnh mẽ và đang thoát khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc đang xoa dịu mâu thuẫn nội tại của mình và đã tiến tới việc triển khai nguyên tắc đối tác với Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sợi dây kết nối của các quốc gia này chính là điểm tương đồng về truyền thống luật pháp và tập tục quốc gia, lối sống, lịch sử, văn hóa. Trung Quốc là quốc gia nắm chặt trong tay mình vấn đề thống nhất của bán đảo Triều Tiên; đã ký Hiệp ước “sát cánh bên nhau trong thế kỷ 21” nhằm thiết lập quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ.

Như vậy, đã xuất hiện khuynh hướng hình thành một môi trường mới của địa chính trị với 2,5 tỷ người ở phía Nam của Mông Cổ. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng hướng hoạt động của mình trong việc giữ cán cân của khu vực địa chính trị tại phương Đông. Đang có khuynh hướng cho rằng tương lai của nhân loại sẽ liên quan đến Thế giới Hồi giáo, nơi giao lưu của các nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ và của các đại dương. Thế giới Hồi giáo đang cần một đồng mưu. Họ đã chờ đợi Nga từ lâu, nhưng chưa đạt được như ý muốn; vì vậy, hiện liên minh chặt chẽ với Trung Quốc đang có thể được hình thành. Giới quan sát cho rằng, đối với Mỹ, đang trở thành đối tác gần gũi với Mông Cổ với mục đích chiến lược và cái gọi là không gian chiến lược Mông Cổ - Nhật Bản – Hàn Quốc - Australia - Canada cũng đang được hình thành. Trong thời gian gần đây, Mông Cổ với nguồn tài nguyên dồi dào có thể sẽ rơi vào phạm vi của chính sách địa chiến lược của các cường quốc. Như vậy, Mông Cổ đã rơi vào giao điểm của nhiều lợi ích trong quá trình địa chính trị của thế giới bị thay đổi./.

Nghiên Cứu Quốc Tế Tổng Hợp

TT(gt)