Theo Phó Giáo sư Evan N. Resnick của Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rarajatnam (RSIS), thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang, căng thẳng địa chính trị ở Đông Á đã gia tăng đáng kể trong vài tuần qua. Ngày 23/11/2013, chính phủ Trung Quốc thông báo thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, bao trùm khu vực quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Một tuần sau, chính quyền Obama đã cho phép hai máy bay ném bom B-52 không vũ trang bay qua ADIZ mà không thông báo trước với Bắc Kinh. Ngày 5/12/2013, tàu tên lửa dẫn đường Cowpens của Mỹ, đang bám theo tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc (tàu Liêu Ninh) trên Biển Đông, đã suýt va chạm với một tàu chiến trong đoàn tàu hộ tống Trung Quốc.

Dù nhiều khả năng tất cả các bên liên quan trong khu vực sẽ kiềm chế những “hành động bên miệng hố chiến tranh” trong tương lai và giải quyết bất đồng trên bàn đàm phán, song đây không phải là sự đặt cược an toàn. Thay vào đó, các sự kiện “rợn tóc gáy” trong vài tuần qua gần như chắc chắn sẽ tái diễn và tiếp tục làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh ngoài ý muốn. Dự đoán đáng lo ngại này được đưa ra dựa trên 5 yếu tố riêng rẽ, dù chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Thứ nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Kể từ khi bắt đầu mở cửa với thương mại và đầu tư nước ngoài hồi cuối thập niên 1970, kinh tế Trung Quốc đã phát triển vô cùng nhanh chóng khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) dự kiến vượt Mỹ tính theo sức mua tương ứng trong thập kỷ tới. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng duy trì tốc độ mở rộng tương ứng với sự giàu có của nước này. Trong giai đoạn 2001-2011, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng trung bình hàng năm là 10,3%, và năm 2012 đã lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Gần như là điều hiển nhiên trên chính trường quốc tế rằng các cường quốc đang nổi sẽ tìm cách tối đa hóa an ninh của mình bằng cách mở rộng ảnh hưởng và kiểm soát các khu vực sát cạnh và trong nhiều trường hợp, vượt ra ngoài. Việc Trung Quốc chủ trương tuyên bố chủ quyền mở rộng và các nỗ lực “bắt nạt” ngày càng tăng nhằm buộc các đối thủ trong khu vực phải chấp nhận tuyên bố của mình cần được đặt trong bối cảnh này.

Thứ hai, chính quyền Obama đang áp dụng một chính sách kiên quyết hơn với Đông Á, với danh nghĩa “tái cân bằng”. Dưới chiêu bài này, Nhà Trắng không chỉ tăng cường triển khai quân sự tới Australia, Hàn Quốc, Philippines và Singapore, mà còn tìm cách củng cố quan hệ quốc phòng với một loạt đối tác trong khu vực như Ấn Độ, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Campuchia, thậm chí là cả Myanmar. Đáng kể là Washington cũng thể hiện lập trường rõ ràng hơn trong tranh chấp lãnh hải tiếp diễn giữa Trung Quốc với nhiều nước láng giềng liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, và tuyên bố liên minh quốc phòng Mỹ-Nhật có hiệu lực với các quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp không có chính sách tái cân bằng, gần như chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ vẫn cảm thấy mất an ninh đáng kể để vươn đến vị thế cường quốc trong một khu vực không chỉ bị Mỹ chi phối về quân sự mà còn đầy rẫy những đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ. 

Thứ ba, những cam kết an ninh hiện tại của Mỹ với các đồng minh trong khu vực đang khuyến khích các đồng minh thể hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng gần đây nhất liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã bùng lên với quyết định khiêu khích hồi tháng 9/2012 của Nhật Bản khi “quốc hữu hóa” ba trong số các quần đảo tranh chấp bằng cách mua lại từ một chủ sở hữu tư nhân. Còn tại Biển Đông, Philippines đã có hành động mạnh mẽ với Trung Quốc, thậm chí còn đưa ra quyết định chưa có tiền lệ khi kiện Bắc Kinh lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển của LHQ.

Thứ tư, dù cán cân sức mạnh quân sự ở Đông Á vẫn đang nghiêng về Mỹ, song cán cân lợi ích trong khu vực lại ngả về Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ vẫn đang sở hữu lực lượng chiến đấu có ngân sách lớn nhất, được huấn luyện tốt và trang bị công nghệ hiện đại nhất thế giới, chi phối bầu trời, vùng biển và thậm chí là không gian ở Đông Á. Ngoài ra, những tranh chấp ngoại giao và lãnh thổ ở Đông Á lại liên quan và gây quan ngại với Trung Quốc nhiều hơn Mỹ, do hậu quả của chúng tác động mạnh hơn đến an ninh quốc gia của một Trung Quốc gần so với một Mỹ xa. Sự bất đối xứng này đang khiến sự răn đe lẫn nhau trở nên khó khăn hơn, do trong bất kỳ sự thử thách ý chí nào, chính phủ ở cả Washington và Bắc Kinh đều tin mình sở hữu ưu thế vượt trội hơn đối thủ. Hậu quả là hai bên sẽ rất dễ rơi vào “bẫy” của nhau.

Thứ năm, đến nay, Mỹ và Trung Quốc đều không đưa ra được một luật chơi cả chính thức lẫn không chính thức nhằm giúp tiết chế sự cạnh tranh địa chính trị của mình. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã đưa ra một loạt quy ước chính thức lẫn không chính thức để kiềm chế lẫn nhau, giúp tránh để xung đột giữa các siêu cường sẽ bùng nổ thành chiến tranh thế giới thứ ba.

Các yếu tố nói trên đặc biệt đáng chú ý bởi sự liên quan nhân quả giữa chúng, tạo thành một vòng phản ứng tuần hoàn. Chẳng hạn như sự tiếp tục trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ hối hả tái cân bằng, qua đó khuyến khích các đồng minh của Mỹ hơn nữa và củng cố năng lực quân sự của Mỹ trong khu vực, và vì thế, khiến an ninh của Trung Quốc bất ổn hơn và củng cố quyết tâm chiếm ưu thế trong các tranh chấp lãnh thổ. Việc thiếu luật chơi rõ ràng đã bổ sung tính dễ bùng nổ cho cuộc chơi nguy hiểm này khi đưa vào yếu tố không thể đoán định trước.

Dù sự trỗi dậy của một Trung Quốc quyết đoán tại khu vực lâu nay vốn bị Mỹ chi phối chắn chắn sẽ gây bất ổn và căng thẳng nhất định, song các nhà hoạch định chính sách ở cả Bắc Kinh và Washington sẽ không thể giảm được nguy cơ này trừ phi họ chấp nhận thực tế. Ban lãnh đạo Bắc Kinh cần thừa nhận rằng cán cân sức mạnh quân sự khu vực vẫn nghiêng về phía đối thủ, đồng nghĩa người Trung Quốc sẽ chịu thiệt nếu như xảy ra bất cứ cuộc chiến tranh nào xuất phát từ hành động phô trương sức mạnh của họ. Cùng lúc đó, phía Mỹ cũng phải thừa nhận rằng sức mạnh gia tăng và những bất ổn an ninh sâu sắc của Trung Quốc đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng hơn và ít can thiệp hơn của Mỹ với khu vực, phản ánh một quan niệm rõ ràng hơn về lợi ích sống còn của Mỹ tại đây.

Phó Giáo sư Evan N. Resnick của Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rarajatnam (RSIS), thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang. Bài viết được đăng trên RSIS.

Trần Quang (gt)