Cũng như các nước chủ tịch ASEAN trước, khẩu hiệu này phản ánh chương trình nghị sự và những ưu tiên của Mianma khi quốc gia này chuẩn bị giữ vai trò lãnh đạo ASEAN trong 127 ngày tới. Khẩu hiệu dài nhất trong lịch sử ASEAN vừa mới được đích thân Tổng thống Mianma Thein Sein chấp thuận. Trước đó, một vài phiên bản đã được đưa ra xem xét, tập trung vào vai trò trung tâm của ASEAN, hợp tác kinh tế và xây dựng cộng đồng, cũng như các cải cách chính trị và kinh tế đang diễn ra trong hai năm qua. Cuối cùng, chủ đề mang tính trung lập và bao quát nói trên đã được lựa chọn. 

Sau khi được các nhà lãnh đạo ASEAN tán thành trao chiếc ghế chủ tịch luân phiên năm 2014, Mianma đã nghiên cứu kỹ các chủ đề và công tác điều hành của các quốc gia chủ tịch ASEAN tiền nhiệm từ năm 2008, khi Điều lệ ASEAN được thông qua. Năm đó, Xinhgapo nắm giữ cương vị lãnh đạo hiệp hội với chủ đề ấn tượng "Một ASEAN trong trái tim châu Á năng động", phản ánh rõ nét khát vọng tăng cường tầm ảnh hưởng của hiệp hội vượt ra ngoài khu vực Đông Nam Á.Thái Lan đã kế nhiệm Xinhgapo với một nhiệm vụ quan trọng là thi hành hiến chương mới. Băng Cốc đã thực hiện đúng theo khẩu hiệu "Hiến chương vì nhân dân ASEAN”, với nhiều chương trình có sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự. Sau đó là Việt Nam với chủ đề “Hướng tới cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”. Các nước chủ tịch luân phiên ASEAN đều nhận thức được tầm quan trọng của việc không thể thiếu vắng những hành động chung giữa các quốc gia thành viên.

Inđônêxia thay thế vị trí của Việt Nam với một khẩu hiệu đầy quyết tâm: "Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu”. Là thành viên ASEAN duy nhất trong nhóm G-20, Inđônêxia mong muốn đóng vai trò đại diện cho tiếng nói của ASEAN giữa các quốc gia tiên tiến nhất về kinh tế của thế giới. ASEAN khi đó đã gia tăng được ảnh hưởng và gây tiếng vang đáng kể, song tất cả chỉ là tạm thời.Năm 2012, chủ đề "Một cộng đồng, một vận mệnh" của Campuchia đã phản tác dụng. Là thành viên cuối cùng gia nhập ASEAN năm 1999, Pnôm Pênh chưa thể lĩnh hội được hết tư tưởng của "Hành khúc ASEAN". “Người dân của chúng ta, tương lai của chúng ta” là khẩu hiệu hiện nay của Brunây - đương kim Chủ tịch ASEAN. Đúng như hình thức và nội dung, trong mọi hoạt động của ASEAN, Brunây đều dựa trên cơ sở tham vấn và đồng thuận. Thời gian 4 tháng còn lại sẽ tương đối êm ả, mở đường cho cách tiếp cận bảo thủ nhưng toàn diện của Mianma - quốc gia kế nhiệm chức chủ tịch ASEAN.

Mianma có nhiều lý do để thận trọng với vai trò mới này. Trước hết, Nâypiđô lần đầu tiên sẽ đảm trách vị trí Chủ tịch ASEAN sau 16 năm gia nhập Hiệp hội này. Mianma đã từ bỏ ghế chủ tịch luân phiên năm 2005 do cuộc khủng hoảng trong nước cùng áp lực từ một số nước thành viên. Mianma không muốn thể hiện một thái độ quá tân tiến vì sợ nhiều người sẽ cho là "có vẻ hung hăng". Thứ hai, chủ đề năm 2014 phải đủ nồng nhiệt để phản ánh các chuẩn mực, giá trị cũng như cảm hứng của ASEAN nói chung và người dân ASEAN nói riêng. Cuối cùng, bên cạnh trách nhiệm là người chèo lái con thuyền lớn ASEAN trong năm 2014, Mianma cũng cần phải giải quyết tốt và ổn định tình hình trong nước.Vấn đề nội bộ Mianma chắc chắn sẽ chi phối chương trình nghị sự của ASEAN trong năm tới, đặc biệt là tình hình bang Rakhine và số phận của cộng đồng người Hồi giáo Rohingya. Sắp tới, Mianma sẽ không thể né tránh vấn đề nhạy cảm này. ASEAN từng lên kế hoạch tổ chức phiên họp đặc biệt vào tháng 10 tới để thảo luận về vấn đề người Rohingya, nhưng sau đó phải hủy bỏ do Mianma không đồng ý. Các quốc gia ASEAN bị ảnh hưởng bởi làn sóng di cư của người Rohingya hiện đang nóng lòng tìm kiếm giải pháp mang tính khu vực.

Mianma hiện đang đối mặt với các thách thức to lớn chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng tới cả khu vực và quốc tế. Điều này sẽ là thước đo chiều sâu và phạm vi của công cuộc cải cách trong 3 năm tới. Là thành viên gia nhập ASEAN muộn hơn các quốc gia khác, có thể nói Mianma đã và đang học hỏi nhiều kinh nghiệm hữu ích.Thời hạn hoàn thành mục tiêu xây dựng "Cộng đồng ASEAN" đã được hoãn đến ngày 31/12/2015 đồng nghĩa với việc Mianma có thêm một năm nữa để chuẩn bị nền tảng cho việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN - trọng trách mà Malaixia sẽ tiếp tục đảm nhận. Với chủ đề đã công bố, Mianma hiện đang tự tin đóng vai trò xúc tác cho việc tăng cường xây dựng một cộng đồng ASEAN thịnh vượng.

Theo “Nation Multimedia

Vũ Hiền (gt)