Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bước đi khôn ngoan thử thách Chính phủ mới ở Mianma bằng quyết định cử Ngoại trưởng Clinton tới đánh giá trực tiếp các vấn đề tại Mianma sau 49 năm dưới sự lãnh đạo của Chính phủ quân sự độc tài. 

Chuyến thăm của bà Clinton - sự hiện diện lần đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ kể từ sau chuyến thăm của cựu Ngoại trưởng John Foster Dulles năm 1955 - diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Nâypiđô với Bắc Kinh trở nên khó dự báo nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng chuyến thăm của bà Clinton không có nghĩa Mianma sẽ quay lưng lại với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc khi mà Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Mianma, Tướng Min Aung Hlaing, đã có mặt ở Bắc Kinh và có các cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tân Hoa Xã đưa tin Tướng Min Aung Hlaing đã cam kết tăng cường hợp tác và trao đổi quân sự với Trung Quốc và phía Trung Quốc kêu gọi Mianma giải quyết thỏa đáng các vấn đề song phương và các dự án phát triển mà hai nước hợp tác, ám chỉ tới dự án thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư nhưng bị Mianma đột ngột đình hoãn trong tháng 9 vừa qua. 

Một số nhà quan sát nhìn nhận chuyến thăm Trung Quốc của Tướng Min Aung Hlaing nhằm tìm cách tái khẳng định các quan hệ của Mianma với Trung Quốc, sau khi vị tướng này có hai động thái ngoại giao gây lo ngại cho Trung Quốc. Trước đó, ngày 3/11, Tướng Min Aung Hlaing đã hội đàm tại Nâypiđô với Đặc phái viên Mỹ về Mianma, ông Derek Mitchell, để thảo luận việc phát triển quan hệ song phương và khả năng thúc đẩy hợp tác quốc phòng Mianma-Mỹ. Vị tướng này cũng vừa kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Việt Nam, nước đối địch với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, và tại đây hai bên đã ký bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng song phương. Hai động thái này được nhiều nhà quan sát nhìn nhận là “cú tát vào mặt” Bắc Kinh, trong khi một số quan sát viên khác nhìn nhận là nỗ lực của Mianma nhằm biểu thị nguyện vọng độc lập hơn trong quan hệ quốc tế. 

Tuy nhiên, trong phát biểu với báo giới cuối tuần qua, người phát ngôn Hạ viện Mianma, ông Shwe Mann, nói chuyến thăm của bà Clinton được kỳ vọng sẽ dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ song phương, đã bị Mỹ hạ cấp sau khi Chính quyền quân sự Mianma lên nắm quyền và trấn áp các cuộc đấu tranh đòi dân chủ năm 1988.

Tuy nhiên, ông Shwe nói thêm mọi cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ không làm giảm tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị giữa Mianma và Trung Quốc vì “chúng ta sẽ tiếp tục đường hướng đối ngoại cùng tồn tại hòa bình với mọi quốc gia trên thế giới”. Nhà sử học Mianma Thant Myint-U nói ông hoan nghênh tiến triển trong quan hệ Mỹ-Mianma, nhưng “hoàn toàn không có lý do gì để Mianma phải hy sinh quan hệ với Trung Quốc. Mianma sẽ tránh tiến tới việc phải lựa chọn một trong hai cường quốc”.

Hiện chưa rõ Mianma sẽ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc tới mức nào, song rõ ràng các động thái mới nhất của Mianma cho thấy Nâypiđô muốn phát đi một thông điệp tới Mỹ, nước hiện muốn tăng cường can dự quân sự và kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, rằng đã đến lúc Mỹ cần nhanh chóng khôi phục quan hệ với Mianma.

Nâypiđô cũng muốn rung chuông cảnh báo Bắc Kinh về nguy cơ mất đi nhiều ảnh hưởng tại Mianma nếu Bắc Kinh tiếp tục quan hệ với Nâypiđô một cách thiếu tôn trọng và bình đẳng.

Thuỳ Anh (gt)