Tuy nhiên, trong bối cảnh thời đại hòa bình phát triển, trước hiện thực phải co cụm chiến lược tổng thể, sự điều chỉnh chiến lược quân sự của Mỹ tồn tại nhiều mâu thuẫn nội tại, điều này sẽ làm tăng thêm những khó khăn và tính không xác định trong tiến trình điều chỉnh chiến lược, trong đó có 4 mâu thuẫn cơ bản sau: 

1/ Mâu thuẫn giữa mục tiêu chiến lược bá quyền đơn cực và xu thế phát triển lịch sử đa cực hoá. Mục đích chủ yếu của điều chỉnh chiến lược quân sự của Mỹ là chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, triệt tiêu ảnh hưởng của các “nước lớn mới nổi”, xoay chuyển cục diện bất lợi do cuộc chiến chống khủng bố khiến khả năng kiểm soát đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sụt giảm, duy trì địa vị “lãnh đạo toàn cầu” của mình, trong đó ý đồ bảo vệ bá quyền đơn cực Mỹ là rất rõ ràng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, tiến trình đa cực hoá thế giới nhanh chóng phát triển. Mười năm với cuộc chiến chống khủng bố và cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến sức mạnh tổng hợp của Mỹ bị tổn thất nghiêm trọng, điều này làm tăng cục diện chiến lược “nhất siêu đa cường”. Trong bối cảnh thời đại đa cực hoá ngày càng phát triển, các cường quốc mới nổi trỗi dậy mang tính tập thể, thực lực của Mỹ giảm sút tương đối, việc Mỹ tiếp tục kiên trì mục tiêu bá quyền thế giới đơn cực đã mâu thuẫn với trào lưu phát triển của lịch sử thế giới ngày nay và khó có thể điều hòa, giữa mục tiêu chiến lược và năng lực thực hiện của nước này cũng tồn tại khoảng cách tương đối lớn. Trong lĩnh vực chính trị quốc tế, Mỹ sẽ phải chịu nhiều kiềm chế hơn khi thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng; trong lĩnh vực kinh tế-thương mại quốc tế, chính sách đồng đô la Mỹ “hại người lợi ta” đã trở thành mục tiêu công kích; khả năng kiểm soát đối với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giảm sút; tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mức độ khó khăn của Mỹ trong việc kiểm soát và gây ảnh hưởng đối với các công việc của khu vực không ngừng tăng lên, khu vực này đã hội tụ nhiều nước lớn trên thế giới, có nhu cầu độc lập tự chủ tương đối mạnh. Mâu thuẫn nội tại giữa mục tiêu chiến lược với xu thế phát triển lịch sử là mâu thuẫn mang tính căn bản trong điều chỉnh chiến lược quân sự Mỹ, đồng thời cũng là vấn đề tự thân khó có thể khắc phục. Cùng với thời gian, vai trò ràng buộc của nó sẽ xuất hiện trên các lĩnh vực, các quyết định trong tiến trình điều chỉnh chiến lược quân sự của Mỹ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất. 

2/ Mâu thuẫn giữa trọng tâm hành động quân sự với trọng tâm chiến lược quân sự. Trọng tâm chiến lược chuyển dịch từ khu vực Đại Trung Đông sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành nhận thức chung từ trên xuống dưới, từ chính quyền đến dân chúng Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân Iran tiếp tục nóng lên, tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran không ngừng gia tăng, cục diện Xyri tiếp tục rối ren, liên tiếp gặp phiền phức tại Ápganixtan, Irắc, đều khiến cho Mỹ không thể căng sức đối phó, khó có thể thoát ra khỏi Trung Đông trong thời gian ngắn. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực quan trọng nhất trong bàn cơ chiến lược toàn cầu của Mỹ hiện nay, nhưng hoàn toàn không phải là khu vực cấp thiết nhất; tầm quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông đang giảm đi, nhưng khu vực này vẫn là khu vực trọng điểm để Mỹ triển khai hành động quân sự hiện nay. Sự không thống nhất giữa trọng tâm hành động quân sự với trọng tâm chiến lược quân sự là mâu thuẫn hàng đầu mà quân đội Mỹ hiện cần giải quyết, ở một chừng mực nhất định điều này sẽ ràng buộc tiến độ chuyển dịch trọng tâm của chiến lược của Mỹ sang phía Đông. Hiện nay, trọng tâm của chiến lược quân sự này đang ở vào giai đoạn khởi động và tăng tốc, nếu các vấn đề điểm nóng như Iran, Xyri được giải quyết hoặc hòa dịu, quân đội Mỹ có thể thuận lợi rút ra khỏi khu vực này, thì tiến trình dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang phía Đông của Mỹ sẽ bước vào giai đoạn thực thi toàn diện. Tuy nhiên, nếu cục diện bất ổn tại Trung Đông ngày càng nghiêm trọng hoặc bùng nổ xung đột quân sự, tất sẽ dẫn đến rối loạn, thậm chí phá vỡ tiến trình nói trên. 

3/ Mâu thuẫn giữa tính rõ ràng về phương hướng chiến lược và tính mơ hồ về đối thủ chiến lược. Cùng với trọng tâm chiến lược quân sự của Mỹ từng bước chuyển dịch sang phía Đông, nhiều nhà quan sát cho rằng phương hướng chiến lược đã ngày càng rõ ràng, tức là tập trung lực lượng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, duy trì địa vị chủ đạo đối với các công việc của châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng trong vấn đề đối thủ chiến lược, Mỹ lại cố ý duy trì tính mơ hồ, chưa bao giờ bày tỏ rõ ràng Trung Quốc là đối thủ chiến lược của mình, chỉ nhấn mạnh cần tập trung đối phó với các “mối đe dọa tiềm tàng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, vẫn bày tỏ hoan nghênh đối với sự “trỗi dậy của Trung Quốc”. Mâu thuẫn giữa tính rõ ràng về phương hướng và tính mơ hồ về đối thủ trong chiến lược quân sự của Mỹ là do đặc trưng thời đại toàn cầu hoá và tính chất của quan hệ Trung-Mỹ hiện nay quyết định. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hoá, giữa các quốc gia không còn là quan hệ “không phải thù tức là bạn” của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa các nước lớn đều xuất hiện cục diện đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác, quan hệ Trung-Mỹ cũng có nhiều thay đổi sâu sắc. Mức độ hòa nhập kinh tế quốc tế và hệ thống chính trị thế giới của Trung Quốc không ngừng tăng lên, trở thành lực lượng quan trọng của chính trị, kinh tế quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, mà còn trên cả các vấn đề an ninh truyền thống như vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Iran, Trung Đông, sự nhờ cậy của Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng lớn hơn. Đồng thời với “kiềm chế”, duy trì “tiếp xúc” đã trở thành cốt lõi trong sách lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Mâu thuẫn giữa tính rõ ràng về phương hướng và tính mơ hồ về đối thủ chiến lược trong chiến lược quân sự Mỹ đã quyết định đại cục cạnh tranh và điều hòa giữa hai nước Trung-Mỹ sẽ không có những thay đổi mang tính căn bản. Trọng tâm chiến lược quân sự của Mỹ chuyển dịch sang phía Đông sẽ khiến nhân tố cạnh tranh trong quan hệ Trung-Mỹ tăng lên rõ rệt, nhưng kiểu cạnh tranh này không giống với quan hệ “một mất một còn” của Mỹ-Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Quan hệ quân sự giữa hai nước Trung-Mỹ sẽ lấy đề phòng, kiềm chế là chính, đồng thời tồn tại không gian về điều hòa và hợp tác tương đối lớn, khả năng xảy ra đối kháng quân sự trực tiếp chỉ duy trì ở mức tương đối thấp, vẫn sẽ cho thấy tình hình tổng thể là kiềm chế và chống kiềm chế, thoả hiệp lẫn nhau trong đấu tranh trên nhiều bình diện. 

4/ Mâu thuẫn giữa ưu thế kinh tế suy giảm với nhiệm vụ quân đội tăng lên. Bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố, địa vị ưu thế kinh tế của Mỹ rõ ràng bị giảm sút, sức ảnh hưởng và sức kiểm soát về phương diện chính trị, văn hoá cũng xuất hiện xu thế đi xuống, chỉ có lĩnh vực quân sự vẫn tiếp tục duy trì được địa vị ưu thế tuyệt đối. Trong bối cảnh đó, địa vị ưu tiên của biện pháp quân sự tăng lên, trở thành biện pháp chủ yếu để Mỹ mở rộng ảnh hưởng, thực hiện mục tiêu chiến lược về chính trị, kinh tế và văn hoá. Những năm gần đây, Mỹ lấy lực lượng quân sự làm kẻ dẫn đường, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương không ngừng tạo ra các chủ đề an ninh, lấy việc cung cấp “sản phẩm an ninh khu vực” làm sức hút, duy trì và củng cố địa vị chủ đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Phạm vi, sứ mệnh, nhiệm vụ của quân đội Mỹ từng bước vươn từ lĩnh vực an ninh truyền thống sang lĩnh vực an ninh phi truyền thống, từ đối kháng quân sự trực tiếp sang mở rộng, kiến tạo phương hướng trật tự an ninh khu vực. Trong Báo cáo đánh giá chiến lược quân sự công bố năm 2012, bên cạnh việc giữ nguyên 6 nhiệm vụ cơ bản, Mỹ đã tăng thêm 4 nhiệm vụ mới trong đó lấy hành động quân sự phi chiến tranh làm cốt lõi. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mạnh tổng hợp giảm sút, chiến lược toàn cầu thu hẹp, dự toán ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, nhiệm vụ của lực lượng quân sự không ngừng mở rộng tất sẽ làm trầm trọng hơn mâu thuẫn giữa đầu tư chiến lược bị giảm thiểu với nhu cầu cần phải mở rộng. Trong Báo cáo đánh giá quốc phòng, Mỹ thừa nhận “chúng ta đang đứng trước thách thức cân bằng quan hệ giữa nguồn lực hiện có với thoả mãn nhu cầu an ninh quốc gia, mức độ khó khăn này là chưa từng có trong lịch sử”. Điều chỉnh triển khai binh lực, tái tổ chức căn cứ, phát triển trang thiết bị, hành động quân sự do điều chỉnh chiến lược quân sự đưa tới đều cần phải tăng thêm đầu tư kinh phí. Khó khăn về kinh tế sẽ trở thành nhân tố ràng buộc chủ yếu gây khó khăn cho quân đội Mỹ trong một thời gian tương đối dài, đồng thời sẽ kiềm chế khả năng triển khai trọng tâm chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong một thời gian nhất định. 

Tin gốc:四大矛盾將制約美國軍事戰略調整進程

Theo Báo “Giải phóng quân”- Trung Quốc (ngày 27/3)

Lê Sơn (gt)