Phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt, Philippines và Việt Nam đang gạt qua một bên những sự thù địch trong quá khứ và đang tiến gần tới việc trở thành những người anh em chính thức vai kề vai trong vấn đề Biển Đông. 

Trong một hành động tượng trưng cho sự liên minh đang chớm nở giữa Philippines và Việt Nam, các binh sĩ Philippines và Việt Nam đã tổ chức hoạt động giao lưu thể thao trên đảo tranh chấp Southwest Cay hôm 8/6 (Việt Nam gọi là đảo Song Tử Tây, Trung Quốc gọi là đảo Nam Tử - PV; Hà Nội, Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này). Quan trọng hơn, Hà Nội dường như ngày càng có xu hướng đi theo sự dẫn dắt của Manila trong việc quốc tế hóa các tranh chấp của mình với Trung Quốc thông qua việc khiếu kiện về mặt luật pháp lên tòa trọng tài quốc tế, một động thái mà Trung Quốc đã chỉ trích và phản đối mạnh mẽ. 

Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Đông Á (WEF) diễn ra tại Manila gần đây, Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết thúc đẩy một mối quan hệ “đối tác chiến lược”, với trọng tâm tập trung vào việc tăng cường khả năng tương tác và hợp tác phòng vệ trên biển. 

Trong suốt chuyến thăm và làm việc 3 ngày của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila hồi cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Philippines đã đặt ra những nền tảng cho một mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh hai nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) này cùng có một nỗi đau nhức nhối trong những tranh chấp lãnh thổ của họ với Trung Quốc. 

Sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila, Tổng thống Aquino tuyên bố: “Chúng tôi đang đối mặt với những thách thức chung với tư cách là những quốc gia biển và là anh em trong khối ASEAN”. Ông Aquino cũng nêu bật sự quan tâm ngày càng tăng của Philippines tới việc bắt tay với những quốc gia có cùng mục đích trong khu vực. Tổng thống Philippines cũng nói thêm: “Về vấn đề phòng vệ và an ninh, chúng tôi đã thảo luận cách thức làm thế nào để có thể tăng cường xây dựng lòng tin, các khả năng phòng thủ và khả năng tương tác trong việc giải quyết những thách thức an ninh”. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong một sự thay đổi rõ ràng ngôn ngữ mềm mỏng và mang tính ngoại giao truyền thống với Trung Quốc, đã phát biểu: “Hơn bao giờ hết, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục đưa ra một tiếng nói mạnh mẽ để phản đối (yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc), bảo đảm một sự tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”. Theo Thủ tướng Nguyễn Tẫn Dũng, “Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đã gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh hàng hải, cũng như đối với an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông”. 

Việt Nam đang vật lộn với cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng xung quanh quyết định của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981, một giàn khoan nước sâu hiện đại trị giá 1 tỷ USD thuộc sở hữu của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Quốc gia Trung Quốc – (CNOOC) trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Hà Nội, gần quần đảo Paracel (Hoàng Sa của Việt Nam - PV), hiện đang bị Trung Quốc kiểm soát. 

Mặc dù nhận thức được năng lực hải quân Trung Quốc mạnh hơn, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn cố hết sức tìm cách đứng lên chống lại quốc gia láng giềng hùng mạnh bằng cách điều động các lực lượng trên biển của họ đến khu vực tranh chấp, dẫn đến một loạt vụ va chạm cường độ thấp giữa tàu của Việt Nam và Trung Quốc. 

Nhìn từ phối cảnh bên trong, Chính phủ Việt Nam biết rằng họ không có đủ khả năng thể hiện sự mềm mỏng đối với những vấn đề nhạy cảm như vấn đề lãnh thổ, song cũng phải kiểm soát tình cảm chống Trung Quốc đang gia tăng nhằm tránh những hậu quả về mặt kinh tế và ngoại giao. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần đây ở Việt Nam liên quan đến vụ hạ đặt giàn khoan của CNOOC đã trở thành sự phá hủy trên diện rộng đối với tài sản thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài mà những người biểu tình tin là thuộc sở hữu của Trung Quốc, và các cuộc di cư của hàng nghìn công dân Trung Quốc tới các quốc gia láng giềng. 

Bắc Kinh khẳng định rằng những lý do về mặt thương mại chứ không phải những lý do chiến lược mới là cơ sở cho việc triển khai giàn khoan Hải Dương-981, một giàn khoan có vẻ như được tạo ra đầu tiên là nhằm phục vụ những hoạt động nghiên cứu mang tính thăm dò năng lượng được tiến hành ở khu vực này. Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ duy trì giàn khoan này ở khu vực đó cho đến tận giữa tháng 8, một lập trường đã gây ra sự giận dữ ở Hà Nội. 

Việt Nam kể từ đó đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm trắng trợn những thỏa thuận song phương và quốc tế đã được nhất trí ở Biển Đông, trong đó gồm có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) không ràng buộc, đã được Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN ký năm 2002. 

Ngày 9/6, Trung Quốc đã phản ứng bằng việc nói với Liên hợp quốc rằng Việt Nam là kẻ gây sự trong cuộc đối đầu hàng tháng qua xung quanh giàn khoan Hải Dương-981. Trong một tài liệu thể hiện lập trường được trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Trung Quốc đã nêu chi tiết những gì họ tuyên bố là “sự quấy nhiễu bất hợp pháp” của Việt Nam đối với các hoạt động “thông thường” của một giàn khoan ngoài khơi. 

Tài liệu này tuyên bố rằng tính đến ngày 7/6 các tàu của Việt Nam đã đâm va vào các tàu Trung Quốc chính xác là 1.416 lần. Mặc dù Trung Quốc đã đệ trình trường hợp của họ ra cơ quan toàn cầu này, phù hợp với sự phản đối của họ đối với sự trung gian hòa giải đa phương về các vấn đề mà họ coi là song phương, nhưng Bắc Kinh đã không tìm kiếm một nghị quyết của Liên hợp quốc về vụ tranh chấp này. 

Thách thức về luật pháp 

Việt Nam vẫn chưa phản ứng đối với những tuyên bố và sự khẳng định trong tài liệu trên. Một số người ở Hà Nội tin rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các tuyên bố nhằm duy trì giàn khoan Hải Dương-981, giàn khoan được triển khai lần đầu tiên trong tháng 5 vừa qua, ở khu vực tranh chấp, đến trung tuần tháng 8. Tài liệu này cũng tuyên bố rằng “những vùng biển này sẽ không bao giờ trở thành EEZ và thềm lục địa của Việt Nam cho dù áp dụng nguyên tắc nào trong việc phân định ranh giới”. 

Sự khoa trương huênh hoang đó đang khiến Hà Nội suy nghĩ lại về sự chần chừ trước đó của họ trong việc đưa Trung Quốc ra trước một ủy ban trọng tài phân xử ba bên xung quanh những tuyên bố chủ quyền của họ. Về mặt này, Philippines có thể đóng một vai trò kiểu mẫu. Năm ngoái, Manila đã nộp đơn kiện Trung Quốc ra một tòa trọng tài đặc biệt của Liên hợp quốc ở La Hay (Hà Lan). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây đã cho thấy ông có thể làm điều tương tự. 

Đến nay, Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ những nỗ lực của Philippines trong việc tìm kiếm sự phân xử. Các chuyên gia phân tích đã nhấn mạnh rằng tòa án này thiếu một cơ chế thực thi bắt buộc để đưa ra bất kỳ quyết định nào thực sự mang tính ràng buộc. Bắc Kinh có thời hạn đến ngày 15/12 tới để quyết định liệu họ có nộp một bản luận cứ phản đối ở La Hay hay không – điều mà các nhà ngoại giao Mỹ khuyến khích Bắc Kinh thực hiện. 

Thách thức chính đối với Việt Nam hiện nay là xác định chính xác các cơ quan trọng tài phân xử để đệ trình bản danh sách dài những khiếu nại của họ đối với Trung Quốc, vốn có từ khi Việt Nam bị chia cắt làm hai quốc gia ở hai miền Nam-Bắc; Philippines gần đây đã đưa ra đề nghị giúp đỡ tư vấn pháp luật về mặt này. 

Trái ngược với nền tảng pháp luật không chắc chắn này, Philippines và Việt Nam đang làm sâu sắc hơn các mối quan hệ chiến lược của họ, bao gồm việc tăng cường sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các lực lượng cảnh sát biển và hải quân, chia sẻ thông tin tình báo trong lĩnh vực an ninh hàng hải, phối hợp về mặt ngoại giao bên trong ASEAN cũng như là các cơ quan quốc tế khác, và duy trì liên tục công tác tham vấn trong việc phối hợp những phản ứng về mặt pháp luật đối với thủ đoạn của Trung Quốc liên quan đến vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông. 

Theo một bản tin của hãng Reuters, hải quân hai nước gần đây đã nhất trí mở rộng hợp tác ở các khu vực tranh chấp, trong khi một tàu tuần tiễu mang tên lửa điều khiển của Việt Nam có kế hoạch tới thăm Manila trong vài tuần tới. 

Các động thái chung này đã đe dọa làm gia tăng những cẳng thẳng. Bắc Kinh gần đây đã xác nhận những điều được đưa ra đầu tiên bởi các nhà chức trách Philippines rằng Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy các hoạt động xây dựng và lấn biển ở đảo đá ngầm Johnson South (đảo Gạc Ma của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm giữ và gọi là Xích Qua Tiêu, Philippines gọi là Mabini – PV), một thực thể tranh chấp nằm sâu bên trong EEZ của Philippines ở quần đảo Spratly (quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc gọi là Nam Sa – PV) ở Biển Đông. Nhà chức trách Philipines cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động tương tự trong khu vực này, khi Bắc Kinh bị cho là lên kế hoạch xây dựng một “đảo nhân tạo” ở đảo đá ngầm Fiery Cross (Đá Chữ Thập của Việt Nam, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiêu – PV), nơi có thể phục vụ làm một căn cứ quân sự cho các hoạt động rộng lớn hơn ở khắp Biển Đông, cụ thể là việc áp đặt một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trong tương lai. 

Các nhà chức trách Philippines cho rằng những hành động này là sự vi phạm rõ ràng đối với DOC 2002, một văn kiện không cho phép các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đơn phương làm thay đổi nguyên trạng. 

Phản ứng trước những sự phản đối của Chính phủ Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ: “Bất kể hoạt động xây dựng nào mà Trung Quốc tiến hành ở bãi đá ngầm này đều là một vấn đề hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Tôi không biết Philippines có những ý định đặc biệt gì trong việc quan tâm quá nhiều đến điều này”. 

Đến nay, những tranh chấp đang diễn ra đã biến đổi chậm nhưng rõ ràng, thành một vấn đề được quốc tế hóa thực sự, bất chấp sự khăng khăng của Trung Quốc rằng phần lớn chúng là các vấn đề song phương cần được giải quyết giữa các bên tranh chấp với sự can dự tối thiểu của bên thứ ba, nếu có. 

Một danh sách kéo dài các cường quốc Thái Bình Dương và những nước khác với những sự quan tâm đến tự do hàng hải và những luồng lưu chuyển thương mại ổn định qua các vùng biển tranh chấp này đang đẩy nhanh những sáng kiến nhằm chống lại lập trường của Trung Quốc đồng thời ủng hộ lập trường của Philippines và Việt Nam. 

Tại một cuộc hội thảo được tổ chức vào ngày 28/5 ở Singapore bởi cơ quan nghiên cứu hàng đầu Ấn Độ là Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Á, các chuyên gia hàng hải từ khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với sự vắng mặt đáng chú ý của Trung Quốc và Việt Nam, đã nhất trí về sự cần thiết phải đảm bảo việc nhanh chóng ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để quản lý cách hành xử của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông; về sự tuân thủ nghiêm ngặt DOC của Trung Quốc và các bên khác; cùng sự cần thiết phải có sự tham gia rộng rãi hơn của các cường quốc Thái Bình Dương khác như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc trong việc thúc đẩy giải pháp cho một cuộc xung đột đang tích tụ ở vùng biển này. 

Ngay sau đó, tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức từ ngày 30/5 - 1/6 vừa qua bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đầy ảnh hưởng của Anh, các đại diện đến từ Nhật Bản và Mỹ đã nêu bật sự quan ngại của quốc tế đang ngày càng gia tăng xung quanh sự quyết liệt của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Tây Thái Bình Dương. 
“Nhật Bản muốn đóng một vai trò thậm chí còn lớn hơn và mang tính tiên phong hơn so với vai trò mà Nhật Bản có cho đến nay trong việc làm cho hòa bình ở châu Á và thế giới trở thành điều gì đó chắc chắn hơn”. Điều này đã được tuyên bố trong bài phát biểu chủ đạo tại diễn đàn này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã thúc đẩy gia tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản, nới lỏng những sự hạn chế tự áp đặt về việc xuất khẩu vũ khí, và trên hết là khái niệm “phòng vệ tập thể”, điều có thể mở đường cho một vai trò lớn hơn của Nhật Bản trong việc duy trì tự do hàng hải khắp các tuyến đường giao thông trên biển như Biển Đông. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nói: “Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tuyên bố tranh chấp chủ quyền (ở biển Đông)”, trong khi đồng thời tái khẳng định sự lo ngại ngày càng gia tăng của Washington đối với sự quyết liệt của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở các vùng biển quốc tế. Ông Chuck Hagel nhấn mạnh: “Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định đòi hỏi chủ quyền”.

Những liên minh đang mở rộng 

Đáp lại, đại diện cao nhất của Trung Quộc tại cuộc họp, Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng Tham mưu Trưởng quân đội Trung Quốc, đã chỉ trích các đại diện Mỹ và Nhật Bản, miêu tả những phát biểu của ông Hagel là “vượt ra ngoài… sức tưởng tượng, đầy chủ nghĩa bá quyền… đe dọa và hăm dọa”. 

Trong khi đó, sự xuất hiện của một chính phủ mới theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, có thể mở đường cho một chính sách ngoại giao tích cực, chủ động hơn của Ấn Độ ở khu vực Đông Á, nơi đã trở thành một đối tác thương mại và đầu tư lớn của New Delhi. 

Thấy trước được những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, Australia đã tăng cường khả năng liên kết hành động với Mỹ, với một sự tập trung ngày càng lớn vào các hoạt động chung nhằm mục đích ngăn chặn bất kỳ mối de dọa nào đối với tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế. Tiếp đó là Hàn Quốc, cũng đã nổi lên như một đối tác phòng vệ hàng đầu của Philippines, quốc gia hiện đang mua 12 máy bay chiến đấu phản lực cùng với nhiều thứ khác từ Hàn Quốc. 

Indonesia, quốc gia lớn nhất trong ASEAN, cũng tiến gần hơn tới Philippines, với việc hai nước gần đây ký một thỏa thuận mới, theo đó chấm dứt một cách hiệu quả những tranh chấp biên giới kéo dài hai thập kỷ liên quan những tuyên bố chồng lần của họ ở các vùng biển Mindanao và Celebes. 

Trong cuộc gặp đáng chú ý ở Manila vào ngày 23/5, ông Aquino và Tổng thống sắp mãn nhiệm của Indonesia, ông Susilo Bambang Yudhoyono đã cam kết theo đuổi một mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn. Cả hai nhà lãnh đạo đều đã thừa nhận rằng khu vực này đang phải đối mặt với một một loạt thách thức chưa từng có về an ninh hàng hải, điều mà qua đó có thể làm xói mòn những thành quả mang tính lịch sử đạt được trong việc hội nhập kinh tế và ngăn chặn xung đột ở Đông Nam Á. 

Trong những tháng gần đây Indonesia đã công khai bác bỏ bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc, thứ được phục vụ làm nền tảng cho yêu sách của Bắc Kinh đối với hơn 90% trên tổng số diện tích 3,5 triệu km2 của Biển Đông. Hưởng ứng Manila và Hà Nội, Jakarta gần đây đã kêu gọi tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp này phù hợp với luật pháp quốc tế và những nguyên tắc khu vực liên quan. 

Indonesia đang ngày càng gánh vác vai trò kép (và mâu thuẫn) về việc vừa đóng vai một nhà trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, vừa là một bên tham gia thực tế vào những tranh chấp đang diễn ra bằng việc lập luận rằng bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc chồng lấn với tỉnh Riau của Indonesia, nơi bao trùm phần lớn quần đảo Natuna giàu dầu lửa. 

Sự quyết liệt ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ đang truyền cảm hứng cho một mạng lưới những đối tác chiến lược linh hoạt nhưng đang được siết chặt ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục đích ngăn chặn những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Mặc dù Philippines và Việt Nam là những nước chủ yếu quan tâm đến việc bảo vệ những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của riêng họ ở Biển Đông, nhưng những cường quốc Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc chủ yếu quan tâm đến các vấn đề tự do hàng hải rộng lớn hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi mạng lưới chưa rõ ràng này mở rộng và được củng cố, thì cũng chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ phản ứng với thách thức này bằng việc giảm bớt hay đẩy mạnh những yêu sách bành trướng của họ.

Richard Javad Heydarian là nhà phân tích về các vấn an ninh quốc tế và Biển Đông. Ông là giảng viên khoa Khoa học Chính trị, Đại học Ateneo De Manila, Philippines, là tác giả cuốn sách sắp xuất bản “How Capitalism Failed the Arab World: The Economic Roots and Precarious Future of the Middle East Uprisings. Bài viết được đăng trên Asia Times Online.

Trần Quang (gt)