zing_tt2.JPG

Một trong những cam kết trọng tâm của Tổng thống Rodrigo Duterte là đưa Philippines theo hướng chính phủ liên bang- nhiệm vụ cần tới một cuộc cải tổ toàn diện đối với hiến pháp của nước này. Để tiến tới thực hiện cam kết, vào tháng 12/2016, ông Duterte đã ban hành Sắc lệnh Hành pháp số 10 để thành lập Ủy ban Cố vấn về cải cách hiến pháp với nhiệm vụ “nghiên cứu, tham vấn và xem xét lại các điều khoản của Hiến pháp 1987, toàn bộ các nội dung về cấu trúc và quyền hạn của chính quyền trung ương, địa phương và các chính sách kinh tế”. Tuy nhiên, ủy ban này vẫn chỉ là một kế hoạch trên giấy tờ và Tổng thống Duterte cho đến nay vẫn chưa công bố các thành viên chính thức trong ủy ban. Có thể nói kế hoạch cải tổ hiến pháp của ông chưa đạt được bất kỳ tiến triển nào đáng chú ý.

Đây là một chủ đề được dư luận Philippines bàn luận nhiều nhất trong những ngày này, song tất cả đều chỉ là tự phát và không mang tính chính thức. Thiếu sự chỉ đạo cụ thể từ người đứng đầu đất nước, người dân Philippines hiện vẫn hoang mang về lộ trình cải cách hiến pháp. Mọi chuyện thậm chí còn bấp bênh hơn bởi hai vấn đề.

Thứ nhất, giới chóp bu chính trị vẫn còn nhiều bất đồng và mâu thuẫn trong tiến trình xem xét lại bản Hiến pháp. Theo điều XVII Hiến pháp 1987, mọi sửa đổi hoặc xem xét lại Hiến pháp chỉ được thông qua bởi: 1/ Quốc hội với tối thiểu 3/4 đại biểu ủng hộ; hoặc 2/ Hội nghị lập hiến. Tổng thống Duterte và các thành viên đảng PDP-Laban muốn Quốc hội đóng vai trò lập hiến bởi họ cho rằng đó là một lựa chọn thực tế. Tuy nhiên, giới chỉ trích, chủ yếu là các học giả và nhiều nhân vật nổi tiếng trong xã hội dân sự, lại phản đối lựa chọn này.

Những người ủng hộ giải pháp triệu tập hội nghị lập hiến cho rằng nó ít chịu ảnh hưởng của Tổng thống Duterte hơn so với Quốc hội. Ông Duterte và các đồng minh trong cơ quan lập pháp sẽ phản đối lựa chọn triệu tập hội nghị với lý do quá trình sửa đổi Hiến pháp cần phải được hoàn tất vào năm 2019. Việc tổ chức một cuộc bầu cử để lựa chọn các đại biểu tham dự hội nghị lập hiến không quá tốn kém song sẽ khiến lịch trình này bị kéo dài.

Căng thẳng giữa hai luồng ý kiến vẫn âm ỉ bởi Tổng thống Duterte đến nay vẫn chưa có một bước tiến cụ thể nào tới mục tiêu sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, vấn đề này có thể sẽ sớm nóng lên nếu những người muốn tổ chức hội nghị lập hiến tỏ ra cương quyết hơn.

Vấn đề gây trở ngại thứ hai là sự thiếu hiểu biết của phần đông người dân Philippines đối với chính bản hiến pháp. Nhiều cuộc thăm dò dư luận đã được tiến hành về nhận thức của người dân về Ngày Hiến pháp, song kết quả thu được rất đáng buồn. Năm 2014, một cuộc thăm dò dư luận của Pulse Asia cho thấy khoảng 70% người Philippines “không biết hoặc biết rất ít” về bản hiến pháp của đất nước mình. Những số liệu này cho thấy dường như xã hội Philippines chưa đủ sẵn sàng cho một cuộc cải tổ hiến pháp.

Sửa đổi hiến pháp là một công việc cần tới những nỗ lực cải cách chính trị trên quy mô lớn. Những thiếu sót của một bản hiến pháp có thể sẽ nảy sinh trong quá trình có hiệu lực. Nhiều nội dung và điều khoản có thể ban đầu được đưa ra với ý định tốt, song lại bị hệ thống chính trị bóp méo. Bởi vậy, việc cần thiết và phải ưu tiên trong công cuộc cải cách hiến pháp là xác định và phân tích những lỗ hổng và sai lầm có thể nảy sinh.

Tổng thống Duterte cần bắt đầu kế hoạch sửa đổi Hiến pháp 1987 theo hướng đi này, thông qua quá trình tham vấn trên diện rộng với ý kiến của người dân và ủy ban cố vấn. Đây là một thách thức không hề nhỏ và chính người dân Philippines cần phải chủ động tham gia các buổi trao đổi và tham vấn sửa đổi Hiến pháp để cùng tiến tới mục tiêu này.

Theo Atimes

Hương Trà (gt)