Theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho phép một quốc gia được quản lý vùng đặc quyền kinh tế có thể lên tới 370 km từ biên giới nội thủy trên biển. UNCLOS cũng khẳng định các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với các vùng biển 17 km tính từ bờ biển.

Không thể phủ nhận vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia đã chồng chéo với một số nước khác như Brunei, Philippines và Indonesia là những ví dụ điển hình cho các quốc gia có bờ biển kế cận và không có vấn đề quan trọng phát sinh trong vùng EEZ liên quan đến 4 quốc gia ASEAN vì họ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác.

Nhưng khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu, coi đây là một phần của lãnh thổ của họ ngay cả khi khoảng cách ngắn nhất tính từ đảo Hải Nam đến Serupai/Tăng Mẫu là khoảng 1.800 km thì yêu sách này của Bắc Kinh được coi là quá vô lý. Lý do là ở chỗ những yêu sách đối với bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu của Bắc Kinh đã không dựa trên quy định của UNCLOS liên quan đến vùng EEZ mà chỉ dựa vào quá khứ lịch sử chỉ có ở Trung Quốc.

Vấn đề phát sinh từ khi Trung Quốc bắt đầu cố gắng để tăng cường thực thi yêu sách đối với bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu qua việc sử dụng chiến lược quân sự bắt đầu từ năm 1983 coi khu vực là thuộc tuyến hàng hải tự do trong vùng biển quốc tế. Điều này có được theo quy định của UNCLOS cho phép tàu thuyền nước ngoài (kể cả tàu chiến) được qua lại vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác nếu hoạt động hàng hải này không ảnh hưởng đến quyền chủ quyền của quốc gia ven biển.

Vào năm 1987 và năm 1994 các tàu Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã tiến hành hoạt động trên các vùng nước gần bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu và đáng lo ngại nhất là ngày 20/4/2010 đã đóng mốc địa giới bằng sắt đặt trên bãi ngầm này.

Hành động hung hăng của Trung Quốc tiếp tục được thể hiện vào năm 2013, PLAN bắt đầu biểu lộ sức mạnh hải quân của họ bằng cách thực hiện diễn tập đổ bộ trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết, gần đây nhất vào ngày 26/1, 3 tàu chiến của PLAN gồm tàu đổ bộ Changbaishan/Trường Bạch Sơn và hai tàu khu trục đã tuần tra các vùng biển gần bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu. Tuy nhiên, người đứng đầu Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN), Tan Sri Abdul Aziz Jaafar phủ nhận báo cáo của hãng tin này, cho rằng qua theo dõi và tin tình báo hải quân, 3 tàu chiến PLAN đã tiến hành tập trận nhưng không xâm nhập vào vùng biển của Malaysia như tuyên bố. Ông nói: “Hải quân đã nhận diện 3 tàu chiến của PLAN trên Biển Đông và chúng tôi theo dõi chặt chẽ mọi hành động của họ nhưng không thấy sự xâm phạm đến James Shoal”.

Bắc Kinh thường sử dụng chiến lược tâm lý đối với công dân của họ về các sự kiện nhằm hỗ trợ các hoạt động của chính phủ. Ví dụ, trong các phương tiện truyền thông địa phương thường hay đưa những tin tức về việc Trung Quốc bị de dọa từ bên ngoài như thể đang bên bờ vực của cuộc chiến.

Tương tự như vậy, yêu sách của họ đối với Biển Đông thậm chí ngay cả trong cách giải thích cũng chẳng hợp lý, nhưng họ đã mua chuộc người dân với phương thức tuyên truyền cho rằng từ rất lâu gần 80% của vùng nước này là của họ. Trong tuyên truyền hàng ngày, Trung Quốc coi bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu cũng là của họ. Điều này được thể hiện qua thông tin gần đây nhất khi hãng tin Tân Hoa Xã tuyên truyền cho chính phủ để củng cố nhận thức rằng bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu nằm gần Bintulu là tỉnh cực Nam của Trung Quốc.

Cho dù viễn cảnh này là đúng, thì Kuala Lumpur phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền đối với bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu theo qui định của UNCLOS hay theo qui định của luật biển quốc tế. Đối mặt với sự khôn ngoan của Bắc Kinh cần phải kết hợp chiến lược cả về ngoại giao và quân sự.

Sự kiện bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc có thể đã đưa ra một cảnh báo về việc cần phải đối phó với Bắc Kinh. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo Luzon - Philippines khoảng 230 km và cách đảo Hải Nam - Trung Quốc khoảng 870km. Trung Quốc sử dụng sức mạnh vượt trội của PLAN vượt xa khả năng của Hải quân PLP kiểm soát hoàn toàn vùng nước nông này. Nhưng Manila đã sử dụng các kênh UNCLOS để buộc Bắc Kinh áp dụng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Tương tự như vậy, Malaysia phải sử dụng sức mạnh của hải quân trong trường hợp vùng biển bị PLAN xâm nhập. Việc phát triển căn cứ hải quân ở Bintulu hay thiết lập lực lượng thủy quân lục chiến theo mô hình của Mỹ (US) là một nỗ lực để tăng cường tiềm lực để bảo vệ vùng biển của đất nước.

Đồng thời, Kuala Lumpur cũng cần phải lưu ý Bắc Kinh về mặt ngoại giao liên quan đến vụ việc xâm nhập vào bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu. Quan hệ thương mại lành mạnh giữa hai quốc gia cũng có thể được coi như là một chất xúc tác hỗ trợ giải pháp về vấn đề này. Tương tự như vậy, việc phối hợp tập trận chung quân sự giữa hai nước cũng góp phần biểu lộ mối quan hệ chặt chẽ của Kuala Lumpur và Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, có thể phải sớm xây dựng công trình trên Serupai/Tăng Mẫu cũng như đã làm trên các hòn đảo thuộc sở hữu Malaysia tại quần đảo Trường Sa và phải duy trì sự quản lý thực tế tại bãi ngầm Serupai/Tăng Mẫu./

Theo “Utusan” (ngày 6/2)

Viết Tuấn (gt)