Malaixia là một quốc gia có vị trí vô cùng quan trọng, nằm án ngữ ngay tại các điểm nút giao thông đường biển huyết mạch. Hơn nữa, quốc gia này lại nằm tiếp giáp giữa hai vùng biển quan trọng là biển Đông và eo biển Malắcca. Chính vì lý do vị trí địa lý quan trọng mà Malaixia đã trở thành mấu chốt quan trọng trong chiến lược hướng Nam của Trung Quốc.

Với việc xây dựng mối quan hệ thân thiện với Malaixia, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều thuận lợi cho chiến lược hướng Nam của mình, trước hết là tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến giao thông đường thuỷ. Tiếp theo, Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được sự ủng hộ của Malaixia trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông, lấy Malaixia làm bàn đạp để tiếp cận các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và tiếp theo sẽ dựa vào Malaixia để đẩy dần tầm ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong số các lý do để Trung Quốc cần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Malaixia.

Vành đai chiến lược nối liền từ biển Đông qua eo biển Malắcca sang Ấn Độ Dương được coi là là tuyến đường giao thông hàng hải huyết mạch vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của Trung Quốc. Trong thập niên đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Thị trường chính cung cấp dầu cho Trung Quốc là các quốc gia nằm trong khu vực Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. Để vận chuyển dầu từ nơi sản xuất đến thị trường Trung Quốc phải trải qua một hải trình dài, trong đó eo biển Malắcca và biển Đông là hai điểm nút quan trọng của hải trình này.

Trong các tuyến vận tải đường biển quan trọng đi vào Trung Quốc, tuyến đi qua eo biển Malắcca đóng vai trò quan trọng nhất, đảm nhận vận chuyển tới 80% lượng dầu nhập khẩu hàng năm vào Trung Quốc. Đích tới của 60% số lượng tàu thuyền qua eo biển này là Trung Quốc. Theo nhận định của các chuyên gia hàng hải, trong những năm tới, Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc nhiều hơn tuyến đường biển đi qua eo biển Malắcca. Dự báo năm 2010, nhập khẩu dầu lửa hàng năm của Trung Quốc sẽ lên đến 150 triệu tấn, tăng khoảng 10%. Đông Nam Á là cửa ngõ đi vào khu vực phía Đông và Đông Nam của đất nước Trung Quốc rộng lớn, cũng là nơi có những tuyến đường biển quan trọng bậc nhất đối với an ninh năng lượng của quốc gia này. Do đó, Trung Quốc hiện đang theo đuổi một chiến lược đa dạng hoá, cho phép nước này bảo vệ những tuyến đường vận tải năng lượng. Theo đó, Trung Quốc đã từng đặt vấn đề với Malaixia để đưa lực lượng hải quân giúp đỡ nước này tuần tra an ninh ở eo biển Malắcca.

Tai sao Trung Quốc cho rằng dựa vào Malaixia sẽ có lợi hơn trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông?

Thứ nhất, xét về yếu tố chính trị, có thể nói Trung Quốc có tư thế chủ động hơn trong việc thao túng tầng lớp lãnh đạo của Malaixia. Hiện nay, đảng "Người Mã gốc Hoa" trong liên minh cầm quyền ở Malaixia đang có thế lực vô cùng lớn, điều hành toàn bộ vấn đề tài chính của quốc hội. Vì vậy, trong vấn đề ủng hộ Trung Quốc là điều rất dễ dàng.

Thứ hai, mặc dù Trung Quốc và Malaixia có tranh chấp ở Trường Sa, nhưng về khía cạnh nào đó Malaixia có xu hướng ngả về Trung Quốc. Tức là đồng ý với quan điểm "giải quyết tranh chấp ở biển Đông theo nguyên tắc song phương" mà Trung Quốc đã đưa ra.

Trung Quốc muốn lấy Malaixia làm bàn đạp tiến sâu vào các quốc gia khác ở Đông Nam Á và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này. Xét về mặt thương mại, Malaixia đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số các nước thành viên ASEAN. Quan hệ thương mại song phương giữa hai nước đạt 39,06 tỷ USD trong năm 2008, tăng 10% so với năm 2007. Trong khi đó, Malaixia hiện cũng đang là thành viên quan trọng đối với các nước ASEAN, hơn nữa quốc gia này sẽ dần trở thành một trung tâm công nghiệp quốc phòng lớn trong khu vực.
Để biến Malaixia trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược hướng
Nam của mình, trong những năm qua Trung Quốc đã tăng cường xây dựng các mối quan hệ và hợp tác với Malaixia trên nhiều lĩnh vực then chốt.

Về chính trị, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 6/2009, Thủ tướng Malaixia Datuk Seri Najib Tun Razak đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và hai bên đã thảo luận về một số vấn đề hợp tác. Tại cuộc gặp, ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh: "Trung Quốc và Malaixia sẽ phối hợp giải quyết các tranh chấp đối với các hòn đảo trên biển Đông và phát triển các mối quan hệ thương mại thân thiết hơn. Hai nước cần phải quan tâm đến lợi ích và những công việc của nhau để thúc đẩy mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới".

Bên cạnh đó, Thủ tướng Najib Tun Razak lại có một mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, mà báo chí Malaixia gọi đó là mối quan hệ "cá nhân". Điều này đã được chứng minh qua lời phát biểu của ông Najib Tun Razak trên tờ "Thái Bình Dương" rằng "chỉ có hoà bình, toàn bộ khu vực này mới có thể thực hiện được an ninh lâu dài. Việc bỏ qua Trung Quốc hay ủng hộ các chính sách kìm hãm của Mỹ sẽ chỉ đi ngược lại với tôn chỉ an ninh khu vực. Giành cho Trung Quốc không gian hít thở rộng lớn hơn trong khuôn khổ an ninh khu vực mới là con đường chính xác khi tiếp xúc với Trung Quốc".

Về quan hệ quốc phòng, Trung Quốc đã từng bước giành được các hợp đồng bán vũ khí cho Malaixia, mà điển hình là việc Trung Quốc bán cho nước này 16 giàn hoả tiễn FN-6 trị giá 6,7 triệu USD hồi tháng 6/2009. Ngoài ra, Malaixia có kế hoạch mua ít nhất 8 tàu tàng hình loại Type 022 của Trung Quốc.

Về ký kết các thoả thuận hợp tác, ngày 3/6/2009, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Najib Tun Razak đã chứng kiến 4 thoả thuận hợp tác chung mang tính chiến lược của hai quốc gia. Ngoại trưởng Malaixia Datuk Anifah Aman và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã ký thoả thuận hợp tác chung về lĩnh vực khoa học và công nghệ hàng hải, bao gồm các lĩnh vực như: trao đổi và hợp tác chính sách hàng hải, quản lý vùng duyên hải chung, bảo vệ môi trường kinh tế, nghiên cứu hải dương, giảm thiểu thảm hoạ đại dương, vệ tinh viễn thông, phát triển thiết bị hàng hải, trao đổi thông tin hàng hải, nghiên cứu và khảo sát năng lượng biển, khảo sát tài nguyên biển và công nghệ khai thác, khảo sát biển và một số lĩnh vực khoa học khác.

Malaixia và Trung Quốc đã ký kết một thoả thuận hợp tác chiến lược chung trên 12 lĩnh vực gồm: hợp tác về chính trị, quốc phòng và an ninh, kinh tế, thương mại và tài chính, văn hoá và giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, nông nghiệp, vệ sinh dịch tễ, du lịch, nguồn nhân lực, năng lượng, lâm nghiệp, hợp tác khu vực và quốc tế. Ngoài ra, hai nước cũng tiếp tục ký kết 2 hiệp ước hợp tác bưu chính-viễn thông và hiệp ước xoá bỏ hộ chiếu ngoại giao và du lịch giữa hai quốc gia. Tiếp đó, các quan chức lãnh đạo các bộ, cơ quan, ban ngành của chính phủ hai nước cũng đã trao đổi và hứa hẹn hợp tác trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, khoa học, đầu tư.../.

 

Theo The Vietnamese Herald