Ước tính ở châu Phi hiện có khoảng 1 triệu người và hàng nghìn doanh nghiệp Trung Quốc đang sinh sống và hoạt động kinh doanh. Trung Quốc là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn của châu Phi. Thậm chí nhiều người dù chỉ trích cũng phải thừa nhận rằng Trung Quốc đã và đang mang lại lợi ích đáng kể cho Lục địa Đen này. Tuy nhiên, mối quan hệ đó thực tế không hoàn toàn hài hòa. 

Tháng 12/2014, bạo động đã nổ ra ở Madgascar khi công nhân làm việc tại một nhà máy đường của Trung Quốc đã đốt nhà máy và cướp kho, đòi được trả công tốt hơn cũng như ký kết hợp đồng dài hạn cho khoảng 1.300 công nhân thời vụ. Cảnh sát đã phải sơ tán toàn bộ công dân Trung Quốc ở nhà máy này đến thủ đô Antananarivo. 

Trong vụ việc này, Bắc Kinh chỉ trích nhà chức trách Madagascar đã không bảo vệ lợi ích của Trung Quốc và yêu cầu bồi thường, trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc lên án tình trạng bài ngoại và phân biệt chủng tộc. Tại Zambia, 3 nhà quản lý Trung Quốc đã bị người lao động bạo loạn giết hại tại một mỏ đồng vào năm 2010. Những năm gần đây, nhiều công nhân và nhà quản lý Trung Quốc cũng bị sát hại ở Equatorial Guinea và Sudan. Đại sứ Trung Quốc tại Angola cũng tuyên bố công dân Trung Quốc ở nước này bị tấn công. 

Trong số những chỉ trích phổ biến nhất nhằm vào người Trung Quốc là cáo buộc không tạo việc làm cho người địa phương mà lại sử dụng hàng nghìn lao động Trung Quốc. Với những người bản địa đã được tuyển dụng thì rơi vào tình trạng làm việc nhiều giờ và hưởng lương thấp. Người Trung Quốc cũng bị cáo buộc không can dự với cộng đồng địa phương và vô cảm văn hóa, thường giải quyết công chuyện với giới lãnh đạo địa phương vốn được cho là tham nhũng và chuyên quyền. 

Phải chăng tâm lý chống Trung Quốc ngày càng gia tăng trên khắp châu Phi? Câu trả lời là có, nhưng ở mức độ và rải rác nhiều nơi trên lục địa này. Tuy nhiên, thực tế còn phức tạp hơn. Phần lớn các vụ tấn công nhằm vào công dân và tài sản Trung Quốc không xuất phát từ tâm lý chống Trung Quốc. Do số lượng người Trung Quốc và doanh nghiệp hoạt động ở châu Phi gia tăng nên khả năng họ trở thành mục tiêu tấn công cũng tăng. Đáng lưu ý rằng người Trung Quốc thường xuyên bị tấn công ở những quốc gia mà tỷ lệ phạm tội nghiêm trọng xảy ra với mọi sắc tộc. 

Dù vậy, ở những quốc gia xuất hiện yếu tố tâm lý chống Trung Quốc nhất định thường là kết quả của sự đố kỵ xã hội do người Trung Quốc có xu hướng khá giả hơn người bản địa. Vấn đề này không chỉ xảy ra với người Trung Quốc. Tâm lý chống người Ấn Độ cũng đang khá mạnh mẽ ở Đông Phi, còn các cuộc bạo động chống Pháp xảy ra trên khắp các nước châu Phi thuộc khối Pháp ngữ . 

Những cáo buộc bóc lột và cư xử kém là kết quả của thực tế rằng các công ty Trung Quốc có xu hướng thiếu hiểu biết hoặc không "quen thuộc" với luật pháp sở tại. Ngoài ra, luật lao động tại Trung Quốc gần đây cũng mới đạt được chuẩn quốc tế. Trong thập niên 1970, các công ty Nhật Bản cũng bị coi là bóc lột ở Tây Nam Á, thậm chí là Đông Nam Á. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ cũng bỏ qua các cộng đồng địa phương và giao thiệp với một số chế độ độc tài tồi tệ nhất châu Phi. 

Trong khi cách hành xử các công ty Trung Quốc ở châu Phi không phải là cá biệt và có tiền lệ lịch sử, một thế giới trở nên toàn cầu hóa và kết nối cao ngày nay có nghĩa là những sự cố nhỏ có thể dễ dàng bị thổi phồng và nhanh chóng leo thang thành bạo lực. Trung Quốc hiện hoạt động trong một môi trường không khoan nhượng hơn mà Mỹ và Nhật Bản phải đối mặt nhiều thập niên trước đây.

Những chỉ trích về việc không tạo ra việc làm và thiếu can dự với cộng đồng địa phương là công bằng. Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề này. Các nước đang phát triển, đặc biệt châu Phi là nơi kém phát triển nhất, đã và có thể tiếp tục hưởng lợi từ quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nên cân nhắc rút kinh nghiệm từ những sai lầm của phương Tây và từ bỏ việc cũng thường xuyên rao giảng đạo đức giả của mình.

Loro Horta, nhà ngoại giao Timor Lesté từng nhiều năm công tác tại châu Phi. Bài viết được đăng trên RSIS.

Trần Quang (gt)