thediplomat-37_lds_2-386x257.jpg

Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu quân sự và hiện chi phối khu vực Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển nối Nhật Bản với các thị trường lớn của họ, trong đó có châu Âu và Trung Đông. Hiện, các chuyên gia quân sự Nhật Bản lo ngại Bắc Kinh có thể mở rộng việc tiếp cận Thái Bình Dương thông qua chuỗi đảo Okinawa của Nhật Bản, nơi vẫn đang đánh dấu sự hạn chế ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Giáo sư Nozomu Yoshitomi thuộc trường Đại học Nihon tại Tokyo, người đóng vai trò cố vấn cho chính phủ Nhật Bản với tư cách nhà phân tích quân sự của Lực lượng

Phòng vệ Nhật Bản, nói: “Hiện nay, chúng ta có phần ngang ngửa, song thực tế mà Nhật Bản đang phải đối mặt là nước này đang trở thành bên thua thiệt”. Ngoài việc có các lực lượng phòng vệ lớn thứ hai châu Á, Nhật Bản cũng đang được các lực lượng Mỹ bảo vệ. Theo một hiệp ước an ninh, Mỹ có nghĩa vụ trợ giúp Nhật Bản nếu lãnh thổ quốc gia Đông Á này bị tấn công. Một chỉ huy quân sự cấp cao về hưu của Mỹ, yêu cầu giấu tên, nhận xét Trung Quốc “về cơ bản đã thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ là mục tiêu tiếp theo. Về phần mình, Mỹ đang hạn chế phần nào tầm ảnh hưởng tại Tây Thái Bình Dương trong vòng một thập kỷ qua”.

Bắc Kinh đang tăng chi tiêu quốc phòng để xây dựng một lực lượng chiến đấu với đẳng cấp thế giới vào năm 2050 với các thiết bị hiện đại, gồm máy bay chiến đấu tàng hình và theo một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong năm 2018, Trung Quốc có kế hoạch chi 175 tỷ USD cho các lực lượng vũ trang, cao gấp ba lần so với chi tiêu của Nhật Bản, và bằng khoảng 1/3 số tiền mà Mỹ chi cho lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới của họ, trong đó có 30.000 lính thủy đánh bộ đang đóng tại Okinawa và một nhóm tàu sân bay tấn công có căn cứ gần Tokyo.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói: "Các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Nhật Bản đang được mở rộng và tăng cường. Trung Quốc đang xây dựng năng lực hoạt động tại các vũng biển xa và điều đó có thể được nhận ra bằng việc Trung Quốc đã có được tàu sân bay đầu tiên và đang đóng tàu sân bay thứ hai". Trung Quốc tuyên bố quân đội của họ chỉ vì các mục đích phòng vệ và các ý định của họ trong khu vực là hòa bình. Nhưng Bộ Quốc phòng Trung Quốc không phản ứng khi được yêu cầu phát biểu.

Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản trong 5 năm qua chỉ tăng 1%/năm. Một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho rằng trong 5 năm tới, theo kế hoạch, chi tiêu quốc phòng của nước này cũng sẽ chỉ tăng ở mức tương đương, bởi chi tiêu cho vấn đề y tế và phúc lợi trong nền dân số già hóa được ưu tiên hàng đầu. Quan chức, cũng yêu cầu giấu tên này, giải thích: “Tài chính là điểm yếu của chúng tôi, song điểm mạnh của chúng tôi là tinh thần kiên cường dân tộc”. Ông giải thích nếu Nhật Bản có thể kiên cường đủ lâu, thì mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ lùi dần bởi xung đột nội bộ trong tương lai, những khó khăn kinh tế hoặc các sự kiện khác buộc Bắc Kinh phải rút lui.

Theo các nguồn thạo tin, để kiềm chế Bắc Kinh trong lúc này, Nhật Bản cần hiện đại hóa vũ khí và đạn dược để tăng khả năng đánh trúng các mục tiêu xa hơn. Báo cáo quốc phòng của Nhật Bản, dự kiến được công bố vào tháng 12 tới, có thể đề xuất việc thành lập bộ chỉ huy chung đầu tiên để phối hợp các lực lượng không, lục và hải quân và tăng cường sự hợp tác với Mỹ. Các trang thiệt bị quân sự mới có thể bao gồm các tàu đổ bộ và máy bay không người lái để giám sát hoạt động của Trung Quốc. Quân đội Nhật Bản sẽ có các tên lửa không đối không và đất đối không mới có khả năng phá hủy các mục tiêu đang di chuyển và trên đất liền ở tầm xa hơn. Họ cũng đang đưa ra đơn đặt hàng mới để mua các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin, trong đó có loại máy bay có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Báo cáo trên cũng sẽ vạch ra các kế hoạch đào tạo các binh sĩ lục quân của lực lượng phòng vệ các chiến thuật tác chiến trên biển và tăng quân triển khai tại Okinawa.

Trong lúc Nhật Bản đang xây dựng các kế hoạch trên, Bắc Kinh đã thử thách sự phòng vệ của Nhật Bản. Trong một cuộc tập trận hồi tháng 1/2018, một tàu ngầm Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp tại Biển Hoa Đông. Giáo sư Toshi Yoshihara, chuyên gia thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách tại Washington (Mỹ), cho rằng Trung Quốc “có thể thử độ sẵn sàng và phản ứng của các lực lượng Nhật Bản, để hiểu hơn về công tác phòng thủ của nước này, và theo thời gian làm tiêu hao sinh lực của lực lượng này trong thời bình. Nếu các chiến dịch của Trung Quốc được tiến hành thường lệ thì điều này buộc Nhật Bản phải chấp nhận sự hiện diện gia tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) như một sự thật hiển nhiên”. Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani cho rằng: “Tốc độ hoạt động của Trung Quốc nhanh hơn chúng ta dự đoán. Môi trường an ninh của Nhật Bản chưa bao giờ khó khăn như hiện nay kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II”.

Theo “Reuters

Anh Thư (gt)