Các báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các công ty phân tích hàng đầu khác cho thấy trong tháng 5/2012, Trung Quốc đã nhập khẩu 6 triệu thùng dầu/ngày, mức cao kỷ lục và tăng 10,8% so với tháng 4/2012. Nếu so với cùng kỳ năm 2011, lượng dầu nhập khẩu tăng tới 18,2%. Các dữ liệu của OPEC cho thấy mức tăng trưởng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu nhờ nhập khẩu từ Trung Đông, nhưng không chỉ từ Iran. Lượng dầu xuất khẩu từ Irắc, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Yêmen và Arập Xêút sang Trung Quốc đều tăng. Trung Quốc cũng nhập khẩu dầu mỏ của Côoét và Ôman. Đặc biệt, lượng dầu xuất khẩu của Arập Xêút sang Trung Quốc đã cao gấp hai lần lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu của Iran.

Vậy các dữ liệu trên cho thấy điều gì?

Thứ nhất, chúng xác nhận rằng "sự khát dầu" của Trung Quốc đang tăng lên, như hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, và sản lượng dầu trong nước của Trung Quốc vẫn không thể bắt kịp với nhu cầu gia tăng, khiến Trung Quốc sẽ ngày càng cần nhập khẩu nhiều dầu mỏ hơn.

Thứ hai, Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào các nguồn dầu mỏ ngoài Iran hơn. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc không còn quan tâm đến việc nhập khẩu dầu từ Iran do sự sẵn có, giá thấp hơn và ít đối thủ cạnh tranh do các lệnh trừng phạt quốc tế. Nhưng việc sản xuất dầu mỏ của Iran ít có khả năng mở rộng do hầu hết các giếng dầu đều cũ và cần có những kỹ thuật khai thác tiên tiến, mà chỉ các công ty nước ngoài mới có để tăng sản lượng. Trong khi đó, sản lượng dầu của các nước khác, nhất là Irắc, đang tăng mạnh nhờ các khoản đầu tư mới và sử dụng kỹ thuật hiện đại. Sản lượng dầu thô của Irắc hiện đã vượt của Iran và dự kiến tiếp tục tăng trong những năm tới, trong khi Arập Xêút, UAE và Ôman sẽ vẫn là những nước xuất khẩu dầu lớn. Nếu các lệnh trừng phạt hiện nay không được dỡ bỏ, Iran sẽ vẫn quan trọng với Trung Quốc, nhưng không quan trọng tới mức khiến Trung Quốc sẵn sàng xung đột với các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Thứ ba, Trung Quốc cần dầu mỏ để tiếp tục phát triển và không muốn bất kỳ điều gì có thể khiến nguồn dầu không thể đến được Đại lục, nơi các ngành công nghiệp, các thành phố và nền kinh tế Trung Quốc đang rất cần. Do hầu hết nguồn dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc là từ Vịnh Pécxích, nên Trung Quốc muốn tránh những sự kiện có thể làm gián đoạn các tuyến đường cung cấp dầu mỏ cho họ từ Trung Đông. Trung Quốc không muốn có một cuộc chiến chống lại Iran bởi vì cuộc chiến này có thể cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ của họ từ Iran và làm gián đoạn dòng dầu nhập khẩu của họ đi qua Eo biển Hormuz. Phương Tây dường như sẽ có lợi do Trung Quốc sẽ gây sức ép để Iran không phong tỏa eo biển này. Nguy cơ Trung Quốc thôi ủng hộ Iran tại HĐBA LHQ có thể cũng đủ để thuyết phục các nhà lãnh đạo Iran không lựa chọn chiến tranh.

Những điều trên có nghĩa là Trung Quốc không muốn chiến tranh, hoặc sự bất ổn nghiêm trọng tại khu vực Trung Đông và sẽ tích cực hoạt động để tránh điều này. Do vậy, Bắc Kinh có thể trở thành người bạn tốt nhất của Mỹ tại Trung Đông để đảm bảo chắc chắn rằng Iran sẽ không quá hung hăng đối với các nước láng giềng. Sự đe dọa sẽ vẫn tiếp tục, nhưng Bắc Kinh có thể dễ dàng thay thế Oasinhtơn trong việc duy trì hòa bình khu vực. Do các lợi ích lớn của Trung Quốc trong sự ổn định tại Trung Đông (vì việc nhập khẩu dầu), Trung Quốc có thể được tin cậy hơn. Thêm vào đó, do không còn những lợi ích lớn tại Trung Đông, Mỹ có thể tập trung vào các khu vực khác khi Trung Quốc vẫn sa lầy tại một trong những khu vực phức tạp nhất thế giới.

Nghe có vẻ khó tin, nhưng Mỹ có thể được lợi nhiều hơn từ sự hợp tác thận trọng với Trung Quốc tại một số khu vực chủ chốt. Việc khai thác những điểm yếu của Trung Quốc sẽ khiến vùng Vịnh và các khu vực khác an toàn hơn. Việc này đòi hỏi phải quan sát xem lợi ích của Trung Quốc nằm ở đâu, và thay vì "đánh đắm" con tàu Trung Quốc, tốt hơn Mỹ nên giúp Trung Quốc hướng tới sự quan tâm chung. 

Theo mạng "Oil price" (ngày 21/8)

Vũ Hiền (gt)