Theo Tiến sĩ Mustafa Izzudin, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), thời điểm mà Malaysia đưa ra các tài liệu để lật lại phán quyết của ICJ là "khá thú vị". Bởi, trong cuộc bầu cử năm 2013 của Malaysia, vấn đề tranh chấp về hòn đảo này đã được phe đối lập đưa ra để chỉ trích sự yếu kém của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) của chính phủ. Ông Izzudin cho rằng: "Có lẽ giờ UMNO sẽ tận dụng vấn đề này để người dân Malaysia thấy rằng nhà lãnh đạo Najib mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại và có thể bảo vệ chủ quyền của Malaysia. Thời gian đưa ra các tài liệu cho thấy đây có thể là trọng tâm trong chính sách của UMNO được sử dụng như một cách để thu hút phiếu bầu". Thêm vào đó, sự ủng hộ của phe đối lập - như Đảng Hành động Dân chủ (DAP) - trong việc lật lại phán quyết của ICJ, cũng là một "đòn tâm lý" để người dân Malaysia, vốn chia rẽ lâu nay, lại trở nên đoàn kết hơn.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Bridget Welsh, một chuyên gia về chính trị Đông Nam Á tại Đại học Cabot John của Rome (Italy), cho biết cơ hội lật lại phán quyết của ICJ sẽ mang đến một "lợi thế chính trị" cho Malaysia. "Không ai có thể phủ nhận một thực tế rằng vấn đề này có ý nghĩa đối với tình hình chính trị trong nước và thường xuất hiện trước cuộc bầu cử". Nhà phân tích David Han của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) cho biết một số chính trị gia có thể tìm cách tận dụng điều này để tạo điều kiện cho sự thành công của họ trong cuộc bầu cử sắp tới và có thể làm người dân phân tâm, quên đi các vấn đề bức xúc khác ở trong nước. Tuy nhiên, Tiến sĩ Izzudin nhận định các tài liệu mới đưa ra của phía Malaysia chỉ là những "bằng chứng thiếu thuyết phục, không đủ trọng lượng để có thể làm lung lay phán quyết quan trọng của Tòa án Công lý quốc tế ICJ đã ban hành năm 2008. Ông Izzudin nhắc lại một bằng chứng không thể chối cãi là lá thư năm 1953 của quyền Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia phúc đáp lại phía Singapore đã trả lời rằng Chính phủ Malaysia không tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này.

Truyền thông Singapore đưa tin ICJ ngày 4/2 ra thông báo cho biết Malaysia đã nộp hồ sơ yêu cầu tòa xem xét lại phán quyết năm 2008 về chủ quyền đối với đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Thông cáo của ICJ cho hay Malaysia đã viện dẫn 3 tài liệu được Anh giải mật gần đây để hỗ trợ cho việc nộp đơn yêu cầu xem xét lại phán quyết về Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Đó là thư từ trao đổi nội bộ của giới chức Singapore thời thuộc địa năm 1958, báo cáo tai nạn của Hải quân Anh năm 1958 và một bản đồ chú thích về các hoạt động hải quân từ thập niên 1960. Những tài liệu này đã được tìm thấy trong Cơ quan Lưu trữ quốc gia Anh từ ngày 4/8/2016 đến ngày 30/1/2017. Thông cáo của ICJ viết: "Malaysia khẳng định hòn đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh không hình thành một phần của lãnh thổ chủ quyền Singapore trong thời kỳ liên quan. Phía Malaysia hy vọng ICJ sẽ đưa ra một kết luận khác về vấn đề chủ quyền đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh nếu biết bằng chứng mới này".

Trước đó ngày 3/2, Tổng chưởng lý Malaysia Mohamed Apandi Ali đã nộp đơn yêu cầu ICJ xem xét lại phán quyết công nhận Pedra Branca thuộc chủ quyền Singapore. Trong thông cáo đưa ra, ông Apandi cho hay việc nộp đơn dựa trên phát hiện mới có thể được xem là “yếu tố quyết định” mà cả Malaysia lẫn ICJ đều không biết khi phán quyết được đưa ra. Phía Malaysia nhấn mạnh những tài liệu được phát hiện sau khi Anh công bố những tập tin lưu trữ về chính quyền thực dân nước này vào năm 2016 đồng thời tin tưởng rằng những tài liệu này có thể chứng minh chủ quyền của mình đối với hòn đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Tranh chấp chủ quyền về Pedra Branca/Pulau Batu Puteh nảy sinh từ năm 1979, khi Malaysia xuất bản một bản đồ xác định Pedra Branca/Pulau Batu Puteh nằm trong lãnh hải của mình và suốt thời gian đó Singapore đều gửi công hàm phản đối Malaysia. Sau nhiều năm đàm phán bất thành, đến năm 2003 hai bên đưa vụ tranh chấp lên ICJ, tới tháng 5/2008, ICJ ra phán quyết rằng Pedra Branca/Pulau Batu Puteh thuộc chủ quyền của Singapore.

Theo quy định của ICJ, hồ sơ yêu cầu xem xét lại phán quyết phải được nộp trong vòng 6 tháng kể từ khi phát hiện yếu tố mới và không quá 10 năm từ ngày phán quyết được đưa ra. Bộ Ngoại giao Singapore cho hay nước này đã nhận được thông báo từ Malaysia về việc nộp đơn yêu cầu xem xét lại phán quyết nói trên và khẳng định Singapore đang nghiên cứu kỹ việc nộp đơn và tài liệu của Malaysia và đã thành lập đội pháp lý để giải quyết triệt để tranh chấp này.

Theo "Channel News Asia"

Vũ Hiền (gt)