Trước tiên, TPP sẽ giúp xóa bỏ các ý kiến cho rằng Mỹ là cường quốc quân sự đang thoái trào và một chiều. Bất kể hình ảnh của Mỹ ở khu vực Bắc Mỹ ra sao, các nước châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục nghi ngại đáng kể về sức mạnh và sức bền của Mỹ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy. Thậm chí, ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực cũng đang tăng cường quan hệ kinh tế và phát triển với Trung Quốc. Không chỉ vậy, họ còn lo ngại về những nguy cơ có thể nảy sinh từ sự hiện diện và tầm ảnh hưởng về quân sự của Mỹ trong khu vực khi tình trạng căng thẳng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng.

Tại châu Á, thương mại là "mỏ vàng". TPP sẽ tái khẳng định Mỹ là một thị trường hàng đầu, chứ không phải chỉ là một sự bảo đảm về mặt an ninh. Ngoài ra, TPP còn thúc đẩy một mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, vốn là điều cần thiết để duy trì thế trận an ninh dài hạn của Mỹ, cả trong chi tiêu quốc phòng lẫn thúc đẩy sự hiện diện quân sự.

Thứ hai, so với các kế hoạch hiện diện quân sự luân phiên, hiệp định thương mại tại Thái Bình Dương sẽ giúp ích nhiều hơn trong việc trấn an các đồng minh chủ chốt. TPP sẽ là điểm hội tụ và gắn kết các lợi ích tương lai của Mỹ trong một khu vực cực kỳ quan trọng, nơi mà Tokyo, Seoul, Canberra và nhiều đối tác khác đều đang hoài nghi về sức mạnh và mục đích của Washington sau những sự kiện như: cuộc chiến chống khủng bố hậu 11/9, hay tác động của vụ Lehman Brothers phá sản năm 2008 đến các toan tính trong khu vực.

Lợi ích quốc gia thứ ba liên quan đến việc kết thúc đàm phán TPP chính là việc hiệp định này sẽ cho phép Mỹ gắn kết mình với khu vực năng động nhất trên thế giới, qua đó tiếp cận được nhiều đối tác mới theo hình thức phi quân sự. TPP cũng sẽ giúp giảm chi phí giao dịch trong hợp tác an ninh của Mỹ ở khu vực. Quan trọng hơn, trong số các bên tham gia đàm phán TPP ban đầu hiện có 3 trong 4 quốc gia Đông Nam Á đang vướng vào các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nước còn lại là Philippines, vốn là đồng minh hiệp ước của Mỹ. Với TPP, Mỹ sẽ có thể thắt chặt hợp tác với Việt Nam, Malaysia và Brunei mà không cần phải tập trung hoàn toàn vào những vấn đề phòng vệ trên biển. Ngoài ra, TPP cũng sẽ củng cố quan hệ của Mỹ với Chile và Peru, hai nền kinh tế trọng điểm ở Nam Mỹ hướng ra Thái Bình Dương. Như vậy, Washington có thể mở rộng đối tác khu vực trong khi nhấn mạnh đến vai trò lớn hơn tại Thái Bình Dương.

Thứ tư, TPP sẽ tạo ra một động lực mới cho Washington trong thập kỷ tới khi bắt đầu đàm phán về lượt gia nhập thứ hai. Đây có thể là một công cụ chính để đối phó với Trung Quốc, mặc dù mục tiêu rõ ràng của Mỹ là hội nhập chứ không phải kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy. Thỏa thuận thương mại này cũng sẽ giúp Washington có hướng giải quyết khả thi trong vấn đề Đài Loan, nhất là khi sự phụ thuộc của hòn đảo này vào Trung Quốc Đại lục ngày càng lớn, khiến họ còn rất ít không gian quốc tế.

Các đồng minh khác, đặc biệt là Hàn Quốc, cũng muốn tham gia TPP, và cần phải là một trong những lựa chọn đầu tiên. Trong khi đó, liên minh Mỹ-Thái đang bị xói mòn bởi sự bất ổn chính trị ở Thái Lan, và thương mại có thể giúp khôi phục liên minh. Không chỉ vậy, nhiều nước lớn khác trong khu vực, đặc biệt là Indonesia, có thể sẵn sàng tham gia TPP trong vòng đàm phán gia nhập thứ hai, đưa TPP trở thành một khuôn khổ thương mại có sức ảnh hưởng chi phối cả khu vực.

Thứ năm, trong cuộc cạnh tranh định hình trật tự toàn cầu thế kỷ 21, một hiệp ước thương mại mang tầm khu vực sẽ giúp cấu trúc khu vực mà Mỹ tạo nên được duy trì và thích ứng. Những gì Mỹ muốn là những gì mọi quốc gia trong khu vực nên muốn: đó là tự do tiếp cận thương mại và nguồn lực toàn cầu. TPP cũng sẽ củng cố liên minh khu vực thông qua các quy tắc và quy định thương mại tiêu chuẩn cao, thúc đẩy công bằng và thay thế những quy tắc cũ, vốn đa phần có lợi cho khối doanh nghiệp quốc doanh.

Theo "Straits Times" (ngày 18/3)

Hương Trà (gt)