Theo tờ “Nikkei”, trong bối cảnh tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN liên tục diễn ra tại Biển Đông trong thời gian qua, nhóm nước nói trên đang nỗ lực tạo ra một khuôn khổ pháp lý dựa trên luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đường giao thông trên biển. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda dự kiến sẽ trình phương án thành lập Diễn đàn An ninh biển tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra vào tháng 11 tới tại Inđônêxia.

Trong những năm gần đây, sự lo ngại của cộng đồng quốc tế về vấn đề an ninh tại Biển Đông ngày càng gia tăng do Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược biển và tranh chấp giữa nước này với một số nước ASEAN tại Biển Đông. Đối với Nhật Bản, Biển Đông là một tuyến đường giao thông trên biển cực kỳ quan trọng vì hầu hết dầu lửa nhập khẩu từ Trung Đông chuyển về Nhật Bản đều phải qua đây. Do vậy, Nhật Bản đã thảo luận và đạt được sự nhất trí với Mỹ, Ấn Độ, Ôxtrâylia về tầm quan trọng của việc kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, và cùng với các nước ASEAN xây dựng cơ chế an ninh biển có sự tham gia của giới quan chức và học giả của các nước. 

Nếu kế hoạch của Nhật Bản giành được sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia, trong đó có cả Trung Quốc, tại phiên họp của EAS vào tháng 11 tới thì kế hoạch này sẽ được đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị. Do đó, Tôkiô hiện đang đẩy nhanh kế hoạch này. Từ ngày 11-15/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba sẽ thăm 3 nước ASEAN là Inđônêxia, Malaixia và Xinhgapo, còn Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh sẽ tới Nhật vào cuối tháng 10/2011. Nhật Bản cũng sẽ cùng với Mỹ và Ấn Độ tiến hành phiên thảo luận cấp cao đầu tiên vào cuối tháng 10/2011. Phiên họp ngoại giao-quốc phòng (2+2) giữa Nhật Bản và Inđônêxia cũng sẽ được thúc đẩy trong thời gian sắp tới. 

EAS tới đây sẽ có sự tham dự chính thức lần đầu tiên của Mỹ và Nga. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Nhật Bản muốn EAS lần này trở thành một hội nghị quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định tại Đông Á khi có sự tham gia của Mỹ. Các nước có liên quan cũng tỏ ý chấp thuận bàn thảo vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh, song nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn vì chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh. Sang năm 2012, tình hình chính trị thế giới sẽ có nhiều biến động khi cả Mỹ, Nga và Hàn Quốc đều tiến hành bầu cử tổng thống, Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng và thay thế ban lãnh đạo hiện nay. Do đó, Nhật Bản xác định đây sẽ là cơ hội quan trọng để nước này đưa ra các đề xuất về an ninh biển trong khu vực.

Theo NikKei

Hoàng Anh (gt)