7,3 tỷ USD là số vốn đầu tư ban đầu cho cảng nước sâu Kyauk Pyu, nằm ở mũi phía Tây của bang Rakhine, đã gióng lên hồi chuông báo động sau những cảnh báo về các dự án được Trung Quốc rót vốn tại Sri Lanka và Pakistan. Thứ trưởng Tài chính Set Aung, trưởng đoàn đàm phán về dự án này hồi tháng 5 vừa qua, nói với hãng tin Reuters rằng "quy mô dự án đã được thu nhỏ đáng kể". Sean Turnell, cố vấn kinh tế của nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi, cho biết chi phí sẽ giảm xuống còn "khoảng 1,3 tỷ USD, cái giá hợp lý hơn nhiều đối với khả năng của Myanmar".

Tập đoàn CITIC của nhà nước Trung Quốc, đơn vị phát triển chính của dự án, cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và 1,3 tỷ USD đã được chi cho "giai đoạn đầu" của dự án xây cảng Kyauk Pyu. CITIC cho biết thêm rằng dự án này được chia thành 4 giai đoạn, song không nói cụ thể về các giai đoạn tiếp theo. Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 30/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố: "Theo tôi hiểu, hiện nay cả hai bên đang có các cuộc đàm phán thương mại về dự án cảng Kyauk Pyu. Các cuộc đàm phán đang tiến triển."

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Set Aung cho biết kế hoạch ban đầu là phát triển khoảng 10 nơi neo đậu tại cảng biển sâu 25 mét này để các tàu chở dầu lớn hơn có thể đậu, nhưng hiện giảm xuống chỉ còn 2 khu vực neo đậu. Ông này từ chối tiết lộ thêm thông tin về các chi tiết kỹ thuật khác. Cảng Kyauk Pyu là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các giao dịch thương mại trên khắp thế giới. Mặc dù Bắc Kinh nói rằng sáng kiến này có lợi cho cả Trung Quốc lẫn các đối tác của họ, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về những khoản nợ quá lớn mà các nước tham gia phải trả cho Trung Quốc khi triển khai dự án này.

Các nhà phân tích nhận định Chính phủ Myanmar đang đứng trước tình thế khó xử trong việc đàm phán lại dự án với Trung Quốc. Nước này đang ngày càng phụ thuộc vào sự ủng hộ ngoại giao từ Bắc Kinh khi mà họ đang đối mặt với những chỉ trích của phương Tây về cách đối xử với cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine, và cần sự giúp đỡ của Bắc kinh để chấm dứt các cuộc xung đột sắc tộc ở khu vực biên giới. Nhưng nhiều người ở Myanmar cũng cảnh giác với việc trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Richard Horsey, một cựu nhà ngoại giao ở Liên hợp quốc, chuyên gia phân tích chính trị ở Yangon, nói: "Hiện có nhiều ý kiến cho rằng việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc là một điều đáng lo ngại... Cuộc tranh luận đó đang diễn ra trong chính phủ (Myanmar)". Bắc Kinh đã đẩy mạnh các cơ hội chiến lược ở Myanmar, bao gồm cả việc tiếp cận ưu đãi dự án cảng Kyauk Pyu, sau khi nước này mở cửa tất cả các lĩnh vực nhưng hủy bỏ một dự án thủy điện trong nước do người dân địa phương phản đối mạnh mẽ hồi năm ngoái.

Kyauk Pyu là một điểm khởi đầu cho một đường ống cung cấp dầu và khí đốt dài 770 km cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đường ống dẫn dầu này sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, từ đó tránh được nút giao chiến lược qua Eo biển Malacca. Theo kế hoạch ban đầu, Kyauk Pyu sẽ có khả năng cạnh tranh với các cảng như Manila hay Valencia ở Tây Ban Nha. Tiến trình xây dựng trên cảng, và một đặc khu kinh tế kèm theo, với tổng trí giá ước tính lên tới 10 tỷ USD, dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Một khu công nghiệp rộng khoảng 1.700 ha trị giá 2,3 tỷ USD đã được lên kế hoạch nhằm thu hút các ngành lọc dầu và dệt may.

Tuy nhiên, các quan chức Myanmar cho biết kinh nghiệm của Sri Lanka, đất nước mà chính phủ trong năm nay đã ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược để khấu trừ các khoản nợ được vay cho dự án, đã làm dấy lên lo ngại rằng Myanmar có thể rơi vào bẫy nợ. Turnell, một chuyên gia kinh tế người Úc, cho rằng thỏa thuận mới "làm giảm rủi ro tài chính một cách đáng kể" và cho thấy "những lo ngại về nợ và chủ quyền đã và có thể được giải quyết". "Điều này thực sự có thể trở thành một mô hình mang tính xây dựng cho các quốc gia không có nhiều đòn bẩy đối với một gã khổng lồ như Trung Quốc".

Thứ trưởng Tài chính Myanmar Set Aung tuyên bố nước ông sẽ không đánh đổi sự đảm bảo về chủ quyền để lấy bất cứ khoản vay nào cho dự án. Ông nói thêm rằng dự án có thể bị trì hoãn vài tháng vì Myanmar đang tìm kiếm thuê một công ty tư vấn quốc tế để xem xét lại vấn đề kinh phí. "Thỏa thuận mới này đảm bảo rằng bất cứ khoản vay nào dùng để tài trợ cho dự án này sẽ không liên quan đến chính phủ Myanmar mà thay vào đó tất cả đều thuộc về khối tư nhân. Lúc này, ưu tiên của tôi là đảm bảo Chính phủ Myanamar sẽ không phải chịu gánh nặng nợ nần và những lo ngại này hiện đã giảm bớt đáng kể".

CITIC cho biết hai bên đã không thảo luận việc thuê một công ty bên thứ ba để kiểm toán dự án. Các quan chức Chính phủ Myanmar cho biết các đối tác Trung Quốc của họ đã "nhất trí" đàm phán lại và đã đồng ý trên nguyên tắc về một thỏa thuận mới song vẫn chưa ký. CITIC đã thắng thầu hồi năm 2015 để phát triển dự án với sự hậu thuẫn của chính quyền quân sự trước đây ở Myanmar. Thứ trưởng Tài chính Set Aung cho biết những bất đồng về các điều khoản và điều kiện đã xuất hiện sau khi hồ sơ thầu ban đầu đã được duyệt, "Chính phủ trước đây muốn đi một bước lớn, ngược lại chúng tôi muốn sự khởi đầu khiêm tốn và chỉ mở rộng khi có nhu cầu". Khi được hỏi về đặc khu kinh tế, cả hai ông Turnell và Set Aung cho biết bất cứ kế hoạch mở rộng nào cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng phát triển của cảng này, "Mỗi giai đoạn phải chứng minh được tính khả thi trước khi có thể triển khai giai đoạn tiếp theo."

Theo “Reuters

Hương Trà (gt)