Thương vụ này được dư luận quốc tế đánh giá là cuộc khảo nghiệm đối với quan hệ Trung-Mỹ. Giới phân tích cho rằng, những dấu hiệu này đồng nghĩa với việc Mỹ đã từ chối bán cho Đài Loan những máy bay được đánh giá là “át chủ bài” này. Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan xưa nay được xem là một quân bài lợi hại đối với Trung Quốc, mỗi khi quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng, việc bán vũ khí cho Đài Loan lại được phía Mỹ đẩy lên rầm rộ và chỉ "xẹp" xuống khi quan hệ song phương ôn hòa trở lại.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, nếu Mỹ đồng ý bán loại máy bay hiện đại này cho Đài Loan, có nghĩa là Chính quyền Obama đã bác bỏ những cam kết trước đây về quan hệ Trung-Mỹ, Trung Quốc sẽ phải xem xét lại tất cả những lời hứa của Mỹ, quan hệ song phương vì thế cũng phải xem xét lại.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc cũng có đòn trả đũa đối với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Báo giới Mỹ mới đây cho biết, để đáp trả việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc nhiều lần “rêu rao” việc bán máy bay chiến đấu J-10 cho Iran, một trong những quốc gia khiến Chính phủ Mỹ đau đầu nhất hiện nay và không muốn bất kỳ nước nào bán vũ khí cho. Bên cạnh đó, trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua, thiết bị lặn chở người “Giao Long” của Trung Quốc đã tiến hành lặn thử nghiệm hai lần, lần lượt đạt độ sâu 4.000 m và hơn 5.000 m, tạo ra kỷ lục mới về độ lặn sâu của thiết bị lặn chở người của Trung Quốc. Việc Trung Quốc công bố việc thử nghiệm “Giao Long” trong thời điểm nhạy cảm này có ý nghĩa hết sức sâu xa, buộc giới quân sự của Mỹ phải suy nghĩ và phân tích động thái này của Trung Quốc.

Hơn nữa, mâu thuẫn nội bộ Mỹ hiện đang nóng như miệng núi lửa. Việc hai chính đảng đạt được thỏa thuận về nâng mức nợ trần chỉ có thể tạm thời làm yên cơn bão, song không thể làm mặt biển lặng sóng, những mâu thuẫn tích tụ lâu ngày từ kết cấu kinh tế yếu thực sự đang đẩy nền kinh tế Mỹ vào hoàn cảnh khó khăn, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã vượt quá mức 9%... Đây thực sự là những trở ngại cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Trong khi đó, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ như thế nào chắc chắn sẽ ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Về điểm này, Chính quyền Obama không thể không cân nhắc, không dễ dàng bán máy bay F-16C/D cho Đài Loan để rồi “đắc tội” với Trung Quốc, từ đó gây nguy hại thêm cho vết thương kinh tế-chính trị hiện nay của Mỹ.

Một nguyên nhân quan trọng khác là sự tiến bộ của kỹ thuật quân sự cũng như sự “minh bạch” về quân sự của Trung Quốc không ngừng được gia tăng. Mấy năm gần đây, Trung Quốc liên tục công bố những vũ khí và kỹ thuật quân sự tiên tiến gây chấn động thế giới, đáng chú ý là vụ thử nghiệm thành công tên lửa phá hủy vệ tinh ở độ cao 9.000 km hồi năm 2007, thử nghiệm thành công vũ khí đánh chặn tên lửa trên đất liền hồi năm 2010, chuẩn bị hạ thủy tàu sân bay đầu tiên Varyag sau khi được cải tạo và nâng cấp, các thông tin liên quan việc Trung Quốc tự chế tạo tàu sân bay… Cùng với đó, độ “minh bạch” quân sự của Trung Quốc gần đây cũng khiến thế giới phải chú ý. Trong một động thái hiếm thấy, Trung Quốc đã mời Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen thăm các cơ sở quân sự nhạy cảm của mình nhân chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19-23/7. Trong tình hình như vậy, việc Mỹ muốn gây sức ép đối với Trung Quốc như trước đây e rằng cũng khó đạt hiệu quả.

Theo “Đại Công báo”, Mỹ là một quốc gia thực tế và luôn đặt lợi ích lên vị trí tối thượng. Cân nhắc các mối quan hệ Trung-Mỹ và Đài-Mỹ, Oasinhtơn luôn phải đặt vấn đề lợi ích lên trên. Một khi việc bán vũ khí cho Đài Loan gây tổn hại cho Trung Quốc, khiến quan hệ Trung-Mỹ bị rạn nứt, lợi ích của Mỹ bị tổn hại, sẽ không một chính khách Mỹ nào dám mạo hiểm tiến hành. Do đó, trước sức ép của các nghị sĩ trong việc bán vũ khí cho Đài Loan, Tổng thống Obama có thể đưa ra một vài nhượng bộ nào đó về chính trị, song nó sẽ có rất ít nội dung thực tế./. 

Theo “Đại Công báo” (Hồng Công) ngày 8/8

 Mỹ Anh (gt)