Hiện nay, sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, Mỹ đang ở trong một tình huống khó xử, không biết phải làm gì với Pakixtan, nước luôn được xem là một đồng minh cần thiết của Mỹ song không đáng tin cậy và không ổn định. Thực tế này càng được củng cố sau trận đột kích tiêu diệt bin Laden, khi Mỹ biết rằng trùm khủng bố đã sống tương đối "thoải mái" trong ít nhất 5 năm tại Abbottabad, gần một học viện quân sự nổi tiếng, chứ không phải tại một cái hang nào trên dãy núi Himalaya. Điều này cũng làm tăng các quan ngại của Mỹ rằng Pakixtan đang chơi trò "hai mặt", rằng một bộ phận đáng báo động trong chính giới, quân đội và cơ quan tình báo Pakixtan đã móc ngoặc với al-Qaeda và Taliban.

Sau khi bin Laden bị tiêu diệt, Pakixtan đột nhiên cởi mở hơn với sự hỗ trợ của Trung Quốc, có lẽ để khiến Mỹ dễ dãi và hào phóng hơn với Ixlamabát. Pakixtan đã "mời" Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân tại cảng Gwadar, bên bờ Ấn Độ Dương, gần vịnh Pécxích. Trung Quốc đã đầu tư gần 300 triệu USD vào cảng này. Thủ tướng Pakixtan Yousuf Gilani đã gọi Trung Quốc là người bạn tốt nhất của Pakixtan. Gilani cũng đã đến Bắc Kinh để hoàn tất một thỏa thuận mua 50 chiếc máy bay đa năng JF-17 nhằm bổ sung cho khoảng 40 chiếc máy bay chiến đấu F-16 mà Pakixtan mua của Mỹ trong những năm 1980.

Tất cả những sự việc này đã khiến Mỹ và Ấn Độ khó chịu. Mối quan tâm của hai nước này là làm thế nào để thích nghi hay làm chệch hướng sự quan tâm của Trung Quốc khỏi Pakixtan và ngược lại. Làm cách nào Mỹ có thể xoa dịu Pakixtan để cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, và việc đó sẽ tốn bao nhiêu tiền? Đây chính là thế tiến thoái lưỡng nan mà Bộ Ngoại giao Mỹ đang phải đối mặt. Tuy nhiên, giải pháp đơn giản nhất chính là: Đừng nên làm gì. Hãy để Trung Quốc và Pakixtan cứ làm những điều họ muốn. Chắc chắn là cả hai nước sẽ trở thành "của nợ" của nhau. Pakixtan không có gì khiến Mỹ mong muốn hay cần họ: không dầu mỏ, không nguồn tài nguyên thiên nhiên, hầu hết là đồi núi và 165 triệu người Hồi giáo, trong đó có một nửa có tiềm năng trở thành những kẻ thánh chiến.

Nếu Trung Quốc nghĩ rằng họ đang giành được ưu thế đối với Mỹ bằng việc mở rộng ảnh hưởng tại Pakixtan, thì cứ để họ làm như vậy. Một điều mà người ta có thể đảm bảo chắc chắn là Trung Quốc không thích những người Hồi giáo. Hãy nhìn cách thức Trung Quốc đối xử với những người Duy Ngô Nhĩ, những người Hồi giáo, nhưng không phải những người thánh chiến và chỉ chiếm 8,5 triệu trong số hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc đối phó với những người Duy Ngô Nhĩ ở trong nước, thì hãy tưởng tượng những khó khăn tiềm tàng trong việc xử lý các lợi ích của khoảng 165 triệu người Hồi giáo Pakixtan.

Và người ta cũng dễ dàng nhìn thấy những khó khăn tiềm tàng mà Pakixtan phải đối mặt trong việc đối phó với Trung Quốc nếu không có Mỹ làm đối trọng. Pakixtan là một cường quốc hạt nhân, giống như Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc dường như sẽ không hài lòng với việc Pakixtan có vũ khí hạt nhân đe dọa Ấn Độ và ngược lại. Liên quan đến vấn đề Ápganixtan, khi Mỹ và NATO rút quân trong năm nay, sự xâm nhập của Taliban từ Pakixtan là điều không tránh khỏi. Điều duy nhất mà người ta chưa biết là mức độ hoạt động hiệu quả của Quân đội Pakixtan và các lực lượng an ninh của nước này.

Nếu Taliban và al-Qaeda nổi lên tại Pakixtan, hãy để nó trở thành vấn đề của Trung Quốc, "người bạn tốt" mới nhất của Thủ tướng Pakixtan. Pakixtan chỉ là một "gánh nặng" cho bất kỳ ai phụ thuộc vào quốc gia Nam Á này. Việc để mặc Trung Quốc tăng cường các quan hệ với Pakixtan có thể chuyển bớt phần nào khó khăn của Mỹ cho Trung Quốc và sẽ giúp tiết kiệm nhiều tỷ USD mà Mỹ hiện đang đầu tư vào Pakixtan.

Theo FrumForum

Trần Quang (gt)