0912trungmy_0e298.jpg

Một khảo sát do hãng Gallup thực hiện gần đây cho thấy mức tín nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc đã cao hơn của Mỹ. Mặc dù tỷ lệ tín nhiệm Trung Quốc chỉ cao hơn tỷ lệ tín nhiệm của Mỹ chút ít, nhưng nó cho thấy hai siêu cường thế giới đang trong xu hướng trái ngược nhau trong mức độ tín nhiệm toàn cầu: Trung Quốc đang lên, còn Mỹ đang xuống. Mức tín nhiệm toàn cầu của Mỹ hiện đạt 30%, mức thấp chưa từng có trong lịch sử, và thấp hơn cả thời chính quyền George W.Bush. Người ta không ngạc nhiên khi Canada và Mexico là hai nước đánh giá tín nhiệm của Mỹ giảm nhiều nhất. Ngoài ra, tất cả các đồng minh truyền thống của Mỹ ở Tây Âu và các nước Mỹ Latinh, Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc cũng giảm mức tín nhiệm dành cho Mỹ.

Tỷ lệ ủng hộ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington giảm có thể là do cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, một khảo sát tương tự khác cho thấy Bắc Kinh hiện đã vươn lên đứng sau Đức để trở thành một cường quốc được ngưỡng mộ thứ hai trên thế giới. Vì vậy, để hiểu được xu hướng tịnh tiến của hai cường quốc này trên trường quốc tế cũng như để có thể dự đoán tương lai của xu hướng này, việc so sánh những chính sách đối lập của Trung Quốc và Mỹ là quan trọng và cần thiết.

Nhìn chung, Trump chưa đưa ra bất kỳ tầm nhìn, chính sách hay chiến lược nào cho Mỹ cũng cho thế giới mà chỉ là tăng chi tiêu quốc phòng. Trump nói sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại song lại không đưa ra biện pháp cụ thể nào để đạt được điều này. Đối với Trump, khoa học chỉ là trò phù phiếm và ông sẽ không thực hiện bất kỳ chính sách phát triển khoa học nào vì cho rằng có thể gây tổn hại nền kinh tế. Thế nên, ông Trump rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và mặc định để Trung Quốc thế chân làm lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại cẩn trọng vạch ra các chương trình nghị sự trong nước và quốc tế. Trên trường quốc tế, ông Tập chú trọng phát triển dự án “Vành đai, Con đường” như một phần quan trọng trong gói công cụ ngoại giao của Bắc Kinh. Dự án này nhằm kết nối cơ sở hạ tầng ở Trung Á với châu Phi, châu Á và châu Âu. Mặc dù không phải dự án cơ sở hạ tầng nào ở nước ngoài do Trung Quốc triển khai cũng thu được kết quả như mong muốn, ví dụ thất bại ở Sri Lanka, song các nước khác không hề tỏ ra dè dặt trước tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Thay vào đó, họ tỏ ra ngưỡng mộ những gì Bắc Kinh đạt được về tiến bộ công nghệ và nghe ngóng khả năng “bắt tay” với Bắc Kinh trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Minh chứng là hội nghị cấp cao Mekong-Lan Thương mới đây nơi Thủ tướng Lý Khắc Cường thảo luận hợp tác kinh tế với lãnh đạo các nước thành viên gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Sắp tới là một cuộc họp cấp bộ trưởng giữa Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe và Trung Quốc, cơ hội để tìm kiếm hợp tác sâu rộng hơn. Tóm lại, ngoài những nước coi mình là đối thủ của Trung Quốc, như Mỹ, Nhật Bản, và có thể Ấn Độ, các nước khác đều mong muốn thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh. Bất chấp giới chính trị gia và bình luận Mỹ lâu nay có quan điểm thù địch với Trung Quốc, Bắc Kinh lại không bị coi là mối đe dọa ở những nơi khác.

Vậy Trump có thể học hỏi gì từ Trung Quốc để đem lại lợi ích cho Mỹ? Còn nhớ, trong một diễn đàn ở Đại học Stanford, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được trích lời nói rằng sự hiện diện quân đội Mỹ trên khắp thế giới là cần thiết cho cuộc chiến chống khủng bố. Nếu đúng như vậy thì ông Tillerson cần thuyết phục ông chủ Nhà Trắng coi Trung Quốc là một đối tác thay vì đối địch. Thực tế cho thấy Bắc Kinh có chung lợi ích với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố và quốc gia châu Á này sở hữu khí tài hiện đại hỗ trợ cho cuộc chiến này, ví dụ tiến bộ về công nghệ thông minh, cùng với hệ thống camera an ninh chất lượng cao giúp xác định khủng bố theo thời gian thực. Mỹ có thể sử dụng những hệ thống như vậy trong các vùng chiến sự ở Trung Đông.

Ngoài ra, công nghệ này cũng giúp Mỹ ứng dụng trong các hoạt động dân sự như kiểm soát hành khách ở sân bay hoặc khách ra vào các cơ sở ngoại giao. Chưa hết, hiện Trung Quốc đang phát triển công nghệ rô-bốt và tự động hóa có giá trị ứng dụng cao, lĩnh vực mà Mỹ có thể học hỏi. Thực tế, có rất nhiều lĩnh vực mà hai cường quốc này có thể hợp tác với nhau để gặt hái nhiều lợi ích thay vì tìm kiếm thế đối địch vô nghĩa. Nếu Bắc Kinh và Washington bắt tay nhau thì căng thẳng sẽ giảm và Mỹ sẽ có thể lấy lại mức tín nhiệm toàn cầu của mình.

Theo “Asia Times

Nhật Linh (gt)