Gần đây, một loạt học giả và nhà quan sát quốc tế đã lập luận rằng cách tốt nhất để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ hiện nay tại Châu Á là chuyển những tranh chấp này cho trọng tài quốc tế. Theo họ, việc bên thứ ba không thiên vị, đóng vai trò là trọng tài quốc tế có thể làm giảm những căng thẳng. Tuy vậy, luật pháp quốc tế cũng có những hạn chế và không nên loại trừ những lựa chọn khác.

Một lý do khiến người ta không nên quá lạc quan về vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia là luật pháp quốc tế đang được các nước sử dụng để theo đuổi những lợi ích quốc gia của họ. Nói cách khác, các nước chỉ sử dụng luật pháp quốc tế khi các bộ luật đó không ảnh hưởng tới các lợi ích quốc gia của họ. Ví dụ như các quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo với Nga và xâm lược Iraq. Không chỉ các nước lớn mà các nước nhỏ cũng làm như vậy nếu được. Khi các nước nhỏ hơn tìm kiếm sự hỗ trợ từ luật pháp quốc tế, họ có thể không tin vào những nguyên tắc của luật pháp quốc tế mà chỉ muốn sử dụng luật pháp quốc tế để kiềm chế các nước lớn hơn, bảo vệ lợi ích quốc gia của họ.

Người ta có thể lập luận rằng luật pháp quốc tế thường chỉ phản ánh những lợi ích của các nước mạnh nên "không hề vô tư". Thẩm phán cũng là con người và những tình cảm cá nhân (của họ) sẽ ảnh hưởng đến các phán quyết. Các quan điểm của thẩm phán cũng được công luận toàn cầu định hình bằng cách này hay cách khác. Vì thế, không có gì đảm bảo rằng các thẩm phán không có định kiến trước khi họ đưa ra phán quyết. Mặc dù quan điểm này còn nhiều tranh cãi nhưng điều đáng nói là nó nhắc nhở rằng luật pháp quốc tế không phải lúc nào cũng vô tư.

Hơn nữa, khi "số tiền cược" cao, luật pháp quốc tế chỉ có giá trị hạn chế, có thể khiến dư luận tại các nước nhờ luật pháp quốc tế phân xử phản ứng dữ dội, có thể khiến xung đột nghiêm trọng hơn và làm tổn thương uy tín của luật pháp quốc tế. Ví dụ như tranh chấp về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Giả định như cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đồng ý đưa tranh chấp này ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) thì cho dù phán quyết cuối cùng của tòa án này là gì đều có thể khiến Nhật Bản hay Trung Quốc hoặc cả hai nước nổi giận. Khi đó những người theo đường lối cứng rắn tại cả hai nước có thể ủng hộ những chính sách gây hấn hơn, kể cả các biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp. Nếu vậy, trọng tài quốc tế chỉ làm tăng chứ không phải làm giảm nguy cơ chiến tranh.

Một vấn đề khác là trọng tài quốc tế không thể giải quyết vấn đề phức tạp như chủ quyền và các quyền hàng hải. Như phán quyết gần đây của ICJ trong vụ Nicaragua kiện Colombia cho thấy: dù một bên có thể tuyên bố thành công chủ quyền đối với một hòn đảo, họ cũng không thể đòi độc quyền hàng hải. Vì thế, tất cả các bên vẫn cần tìm các phương tiện thay thế khác để giải quyết tranh chấp. Tồi tệ hơn, một bên có thể chọn cách rút khỏi ICJ, như Colombia đã làm, hoặc tiếp tục nộp đơn khiếu nại mới sau khi phán quyết được đưa ra, làm tổn hại uy tín và hiệu quả của ICJ. Người ta có thể dễ dàng tưởng tượng rằng điều gì sẽ xảy ra với các nước châu Á nếu ICJ hoặc các tòa án khác đưa ra một phán quyết gây tranh cãi.

Ngoài ra, có giả định rằng sớm đạt được một giải pháp sẽ tốt cho Châu Á. Điều này có thể không đúng vì việc chờ đến lúc chủ nghĩa dân tộc xuống thấp và "tiền cược" không cao có thể sẽ tốt hơn. Vấn đề không phải là không nên sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà có những cạm bẫy tiềm tàng trong luật pháp quốc tế. Đối với những tranh chấp lãnh thổ tại châu Á, cách tốt nhất là gác những tranh chấp này sang một bên nếu "tiền cược" quá cao và các bên không thể đạt được thỏa thuận vào thời điểm nào đó.

Cuối cùng, vấn đề cơ bản là liệu luật pháp quốc tế có thể có quyền lực luật pháp hay không? Mặc dù quyền lực luật pháp là một mục tiêu cao cả trong các quan hệ quốc tế, song các nước nên kiên nhẫn khi sử dụng quyền lực luật pháp để giải quyết các tranh chấp bởi "dục tốc bất đạt".

Theo "Diplomat" (ngày 18/6)

Lê Sơn (gt)