Thực trạng này do các nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, có khả năng Bắc Kinh đã nhận thức và lý giải sai lệch về “ổn định”. Hơn 20 năm qua, vì mục đích ổn định, Trung Quốc đã không áp dụng bất cứ hành động nào có khả năng dẫn tới chiến tranh hoặc xung đột quân sự. Đây thực ra chỉ là biểu hiện của việc duy trì ổn định ở “trạng thái tĩnh”, trong khi đó Trung Quốc còn cần phải có cả ổn định ở “trạng thái động”. Trong bối cảnh ổn định bị đe dọa hoặc phá vỡ, và các biện pháp khác đều không có hiệu quả, Trung Quốc cần có hành động quân sự thích hợp để bảo vệ. 

Thứ hai, một số nước xung quanh coi thời kỳ cơ hội chiến lược phát triển của Trung Quốc là “thời cơ chiến lược” để chiếm đoạt lợi ích quốc gia của Bắc Kinh. Hiện tượng xâm phạm hoặc chiếm đoạt lợi ích quốc gia Trung Quốc của một số nước xung quanh đã liên tục xuất hiện sau khi Bắc Kinh đề ra “thời kỳ cơ hội chiến lược phát triển”. Tình trạng này bắt nguồn từ một số nguyên nhân và động cơ chủ yếu như: 1/ Bị ảnh hưởng của tư tưởng thực dân phương Tây; 2/ Bị ảnh hưởng của “Thuyết đe dọa từ Trung Quốc”; 3/ Toan tính tạo thế có lợi trong đàm phán với Trung Quốc. Những quốc gia này về cơ bản đều cho rằng Bắc Kinh trong thời kỳ cơ hội chiến lược phát triển sẽ bảo vệ sự ổn định của môi trường an ninh, không sử dụng biện pháp vũ lực để ngăn chặn những hành động xâm phạm lợi ích. Do vậy, các quốc gia này đã biến thời kỳ cơ hội chiến lược của Bắc Kinh thành thời kỳ cơ hội chiến lược của họ, và đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc bất ổn.

Thứ ba, trọng tâm chiến lược của Mỹ được điều chỉnh khiến Trung Quốc phải chịu áp lực của “trọng tâm kép”. Trong khi trọng tâm phát triển kinh tế thế giới chuyển từ Bắc Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì trọng tâm chiến lược toàn cầu của Oasinhtơn đặt ở Trung Đông cũng được chuyển về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quá trình dịch chuyển trên đã tạo ra tình trạng “trọng tâm kép”, đồng thời hình thành áp lực rất lớn đối với Trung Quốc. Hiện tượng này chưa từng xảy ra trong quá trình phát triển của các nước trên thế giới, do đó làm thế nào để hóa giải áp lực do “trọng tâm kép” gây ra đang là vấn đề chủ yếu buộc Trung Quốc phải đối mặt trong thời gian tới. 

Suốt một thời gian dài trong quá trình phát triển, Trung Quốc luôn đặt trọng điểm vào việc phát triển kinh tế, còn việc nâng cao sức mạnh quân sự chỉ là thứ yếu. Ngược lại, một số nước xung quanh trong khoảng thời gian đó đã tập trung sức lực và tiền của để phát triển sức mạnh quân sự, tạo bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực này khiến môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc rơi vào tình trạng bất ổn. Nhật Bản và Ấn Độ là hai nước tương đối nổi bật trong lĩnh vực này. Họ tới đây còn phối hợp tổ chức diễn tập quân sự liên hợp nhằm nâng cao khả năng khống chế các tuyến hàng hải. Do vậy, trong thời kỳ cơ hội chiến lược Trung Quốc buộc phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và quân sự. Phát triển kinh tế phải tiến hành đồng thời với việc làm tốt công tác chuẩn bị để đảm bảo an toàn cho nền kinh tế. 

Theo "Thời báo Hoàn cầu" (ngày 6/5)

Lê Sơn (gt)